Theo kế hoạch, nhà máy khử mặn nước biển này có công suất 300.000m3 nước mỗi ngày và sẽ được xây dựng thông qua một liên doanh.
Một cánh đồng khô hạn ở tỉnh Suphanburi (Thái Lan). Ảnh: AFP
Cơ quan quản lý bất động sản công nghiệp Thái Lan (IEAT) đang lên kế hoạch đầu tư xây dựng một nhà máy khử mặn nước biển để cung cấp nước sạch cho Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) nhằm đối phó với các đợt hạn hán hiện nay và trong tương lai.
Theo kế hoạch, nhà máy khử mặn nước biển này có công suất 300.000m3 nước mỗi ngày và sẽ được xây dựng thông qua một liên doanh. Nhà máy sẽ cung cấp nước cho các nhà máy trong khu vực vốn đã phải giảm tiêu dùng nước trong năm qua do hạn hán khốc liệt.
EEC, trải rộng trên 3 tỉnh Rayong, Chon Buri và Chachoengsao với 34 khu công nghiệp và 6.033 nhà máy, là một dự án đầy tham vọng của Chính phủ Thái Lan nhằm tái cấu trúc và khôi phục nền kinh tế để đưa đất nước phát triển.
Theo Giám đốc IEAT Somchint Pilouk, Thái Lan đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt hạn hán được coi là tồi tệ nhất ở nước này trong vòng 40 năm qua, điều làm gia tăng nguy cơ thiếu nước dùng cho công nghiệp ở miền Trung và miền Đông Thái Lan cũng như nông nghiệp ở miền Bắc và vùng Đông Bắc.
Bà Somchint cho biết, nhà máy khử mặn nước biển sẽ giải quyết tình trạng thiếu nước về lâu dài và đảm bảo các khu vực miền Đông sẽ không phải đối mặt với tình trạng thiếu nước trong tương lai.
IEAT hy vọng sẽ hoàn tất ngân sách đầu tư và đối tác liên doanh cho dự án này trong vài tháng tới. Nhà máy sẽ sử dụng quy trình thẩm thấu ngược để loại bỏ muối và các khoáng chất khác, biến nước biển thành nước ngọt.
IEAT bắt đầu thực hiện nghiên cứu khả thi từ tháng 3 vừa qua để xác định khả năng sử dụng nước biển được khử muối để giải quyết tình trạng thiếu nước sạch cho khu vực công nghiệp. Bà Somchint cho biết công suất của nhà máy khử mặn nước biển có thể được tăng lên nếu nhu cầu gia tăng trong tương lai./.
Theo NGỌC QUANG/TTXVN
Chất thải nhựa trên các dòng sông và đại dương thường liên tục nhả các hóa chất vào nước. Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn còn chưa biết số lượng các chất đó lớn như thế nào và trong đó thì những hợp chất nào phát thải mạnh nhất.
Nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng sóng nhiệt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến loài ong đất - một trong những loài thụ phấn quan trọng bậc nhất trong tự nhiên.
Trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, dữ liệu thống kê đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là những dữ liệu chất lượng cao, giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết định sáng suốt và hiệu quả.
Nền tảng của chiến lược đạt mục tiêu carbon âm tính của Bhutan - quốc gia ở phía Đông dãy Himalaya - là chính sách bảo tồn rừng nghiêm ngặt. Hiến pháp Bhutan quy định rằng ít nhất 60% diện tích đất phải được rừng bao phủ...