Tam Hiệp gặp nguy, Trung Quốc đối mặt lũ lịch sử
- Cập nhật: Thứ ba, 14/7/2020 | 9:09:13 Sáng
Đập Tam Hiệp đang chịu tải vượt mức cảnh báo lũ, dọc sông Dương Tử, mực nước lũ vượt quá kỷ lục năm 1998.
Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc ngày 13/7 công bố dữ liệu đáng ngại liên quan đến con đập lớn nhất thế giới, đập Tam Hiệp.
Mực nước trong hồ chứa của đập Tam Hiệp đã đạt mức 153,2 m, cao hơn 6,7 m so với mức cảnh báo lũ, theo Reuters.
Giới chức Trung Quốc cho biết đập Tam Hiệp có thể chứa lượng nước với mực nước lên tới 175 m. Hôm 2/7, sông Dương Tử hứng đỉnh lũ đầu tiên trong năm và nhà chức trách đã cho mở một số cửa xả lũ tại đập Tam Hiệp để giảm mực nước trong hồ chứa.
Tuy nhiên, do mưa lớn kéo dài trong các vùng hạ nguồn của đập gây ngập lụt lớn, nên nhà chức trách đã giảm mức xả lũ xuống 19.000 m3/giây vào ngày 11/7, lần giảm thứ 5 trong mùa lũ này.
Tờ Hoàn Cầu Thời báo dẫn lời chuyên gia Cao Kiến Quốc, thành viên Ủy ban Giảm thiểu thảm họa quốc gia, cảnh báo thách thức lớn nhất vẫn còn chưa đến. Ông Cao nói rằng dù đập Tam Hiệp có vai trò lớn trong việc điều tiết lũ trên sông Dương Tử nhưng ở những vùng hạ lưu có thể đối diện thách thức lớn từ mưa cục bộ gây ngập lụt.
Bên cạnh đó, mùa bão thường xảy ra vào tháng 8 có thể tăng thêm nguy cơ cho khu vực lưu vực sông Dương Tử. Giới chuyên gia Trung Quốc nhận định rằng mưa lớn bất thường trên lưu vực sông Dương Tử năm nay không chỉ là bài kiểm tra cho đập Tam Hiệp mà còn cho cả công tác ứng phó thảm họa chung.
Đập Tam Hiệp. Ảnh: Britannica
Trong một cuộc họp báo ngắn hôm 13/7, Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Trung Quốc Diệp Kiến Xuân thừa nhận 433 con sông tại Trung Quốc và hồ nước ngọt lớn nhất nước này – hồ Bà Dương - đều ghi nhận mực nước vượt quá mức cảnh báo kể từ khi mùa lũ bắt đầu vào tháng 6.
"Giai đoạn phòng chống lũ lụt quan trọng vào cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, tình hình hiện tại vẫn rất ảm đạm trên các lưu vực sông Dương Tử và Thái hồ. Các vành đai mưa lớn đã trút xuống miền Trung Trung Quốc sắp tới sẽ chuyển hướng về phía Bắc" – ông Diệp nói.
Nhiều khu vực thuộc lưu vực sông Dương Tử như thành phố Hàm Ninh (tỉnh Hồ Bắc), Cửu Giang và Nam Xương (tỉnh Giang Tây) đã phát cảnh báo đỏ để ứng phó lũ. Mực nước tại 4 trạm thủy văn ở hồ Bà Dương, hồ lớn nhất Trung Quốc, đã vượt mức kỷ lục trong đợt lũ năm 1998, khi trận đại hồng thủy cướp đi sinh mạng của hơn 4.000 người.
Lượng mưa trung bình đang ở mức cao nhất kể từ năm 1961. Cuối tuần trước, Bộ Khẩn cấp Trung Quốc thống kê 141 người đã chết hoặc mất tích, gần 38 triệu người bị ảnh hưởng và 28.000 ngôi nhà bị phá hủy. Thiệt hại kinh tế vào khoảng 60 tỉ nhân dân tệ (8,57 tỉ USD).
Các cơ quan kiểm soát lũ trên toàn lưu vực sông Dương Tử cũng ban bố "cảnh báo đỏ" đối với các khu vực đông dân cư như Hàm Ninh, Cửu Giang và Nam Xương.
Theo số liệu từ nhà môi giới bảo hiểm Aon, mưa lũ ở Trung Quốc hiện là thảm họa thời tiết đứng thứ ba thế giới về mức độ thiệt hại của năm 2020, xếp sau bão Amphan tấn công Ấn Độ và Bangladesh hồi tháng 5 và đợt mưa bão hồi tháng 4 ở Mỹ.
Mưa lớn ở Trung Quốc xảy ra dọc frông khí quyển Mei-yu, hay còn gọi là Mai Vũ, bề mặt ngăn cách giữa hai khối khí di chuyển ngược chiều nhau hoặc khác nhau về tính chất hóa học, vật lý.
Dải mây Mai Vũ kéo dài từ cao nguyên Tây Tạng, vắt qua miền trung và miền nam Trung Quốc, kéo dài qua đảo Đài Loan tới miền nam Nhật Bản, phân tách hoàn lưu Bắc Cực ở phía bắc và hoàn lưu nhiệt đới ở phía nam. Từ giữa mùa xuân tới giữa mùa hè, hoàn lưu Bắc Cực thường di chuyển từ tây sang đông, khiến dải mây này gần như đứng yên.
Dải mây hút hơi ẩm từ Biển Đông, thậm chí từ Vịnh Bengal và gây ra những trận mưa lớn tại khu vực mà nó ảnh hưởng. Các trận mưa này ảnh hưởng tới đảo Đài Loan và khu vực phía đông nam Trung Quốc từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6, sau đó di chuyển tới phía bắc Trung Quốc và Hàn Quốc trong tháng 7 và tháng 8.
Những trận mưa như vậy thường được gọi là "mưa mai", xuất phát từ niềm tin của người Trung Quốc rằng khi hoa mai nở rộ và rơi xuống sông Trường Giang vào tháng 4 và tháng 5 âm lịch, hơi nước bốc lên từ cây mai biến thành mưa.
Theo Quế Chi/Báo Đất Viêt
Các tin khác
Chất thải nhựa trên các dòng sông và đại dương thường liên tục nhả các hóa chất vào nước. Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn còn chưa biết số lượng các chất đó lớn như thế nào và trong đó thì những hợp chất nào phát thải mạnh nhất.
Nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng sóng nhiệt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến loài ong đất - một trong những loài thụ phấn quan trọng bậc nhất trong tự nhiên.
Trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, dữ liệu thống kê đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là những dữ liệu chất lượng cao, giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết định sáng suốt và hiệu quả.
Nền tảng của chiến lược đạt mục tiêu carbon âm tính của Bhutan - quốc gia ở phía Đông dãy Himalaya - là chính sách bảo tồn rừng nghiêm ngặt. Hiến pháp Bhutan quy định rằng ít nhất 60% diện tích đất phải được rừng bao phủ...