Khu công nghiệp (KCN) Amata là một trong 5 KCN trong cả nước thí điểm xây dựng mô hình KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu do Cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ (SECO) tài trợ.
Tuy nhiên, sau hơn 3 năm triển khai, đến nay KCN Amata vẫn chưa hoàn chỉnh mô hình KCN sinh thái do vướng một số ràng buộc khi áp dụng thực tế dù đã có những quy định rõ về các tiêu chí để đạt KCN sinh thái (Nghị định 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ).
Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng dự án Eco IP của KCN Amata (TP.Biên Hoà) cho biết, trong thời gian triển khai dự án, đội ngũ chuyên gia thực hiện dự án đã tiếp xúc được 30 doanh nghiệp (DN) và thuyết phục được 18 DN đăng ký tham gia dự án KCN sinh thái. Đến thời điểm hiện tại, KCN Amata đã đạt một số kết quả đối với các tiêu chí, trong đó nổi bật nhất là tiêu chí xây dựng hạ tầng dịch vụ dùng chung như: quảng trường, trung tâm thương mại... đã hoàn thiện. Ngoài ra, một số tiêu chí đang thực hiện tốt, như đào tạo nghề, dịch vụ giới thiệu việc làm cho các DN trong KCN; chia sẻ dịch vụ cứu hỏa với TP.Biên Hòa và KCN lân cận đang được KCN Amata thực hiện trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, ông Phạm Anh Tuấn cho biết thêm, trong quá trình thực hiện, KCN Amata đã gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như: Quy định pháp lý về việc sử dụng nước tái chế, sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo chưa rõ ràng, gây khó khăn rất lớn trong thực hiện dự án. Các cơ chế cụ thể để hỗ trợ DN áp dụng công nghệ xanh, tuần hoàn đến nay vẫn còn thiếu…
Ảnh minh hoạ
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, hình thành KCN sinh thái sẽ thuận lợi thực hiện Net-zero cũng như các tiêu chí trong sản xuất tuần hoàn. Các bộ, ngành sớm ban hành bộ tiêu chí chi tiết sẽ giúp triển khai nhanh các KCN sinh thái. Bên cạnh đó, phải cụ thể hóa những tiêu chí DN xanh, tạo cơ sở cho DN tiếp cận.
Chia sẻ những ý tưởng xây dựng KCN sinh thái của KCN Amata, ông Lê Xuân Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (Hà Nội), đơn vị tư vấn thực hiện KCN sinh thái cho rằng các ý tưởng thực hiện tiêu chí mà KCN Amata đề xuất, như ý tưởng về cộng sinh công nghiệp giữa KCN Amata và đô thị xung quanh; phát triển năng lượng tái tạo cho các công ty trong KCN Amata; tái sử dụng nước thải sau xử lý để tưới cây trong khuôn viên KCN Amata và đô thị lân cận… đều có các yếu tố bảo đảm thành công và đã được nghiên cứu, phân tích những lợi ích kinh tế cụ thể.
Dẫn chứng cụ thể yếu tố bảo đảm thành công cho các tiêu chí, ông Lê Xuân Thịnh phân tích rõ mục tiêu tái sử dụng nước thải sau xử lý để tưới cây trong khuôn viên KCN Amata và đô thị lân cận nhà máy xử lý nước thải KCN Amata. Theo đó, nhà máy xử lý nước thải KCN Amata có công suất thiết kế là 12 ngàn m3/ngày đêm, công suất vận hành thực tế là 5,8 ngàn m3/ngày đêm. Trong khi đó, diện tích cây xanh của KCN Amata đạt gần 70ha. Mỗi ngày cần khoảng 1 ngàn m3 nước để tưới cây cho các tháng mùa khô (từ tháng 1-5 hàng năm), ước tính cần khoảng 140 ngàn m3 và chi phí trên 1,7 tỷ đồng. Do đó, nếu thực hiện được tiêu chí này, KCN Amata sẽ giảm được tiền mua nước, đồng thời còn có cơ hội bán nước cho các khu vực lân cận, vừa tiết kiệm chi phí vừa tăng doanh thu từ việc bán nước thải đã qua xử lý.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đánh giá, mặc dù đã có Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý KCN và thủ tục để đạt KCN sinh thái nhưng quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Các vướng mắc khiến cho KCN sinh thái của Đồng Nai đã hơn 3 năm vẫn chưa hoàn chỉnh được, đặc biệt là khâu xử lý và sử dụng nước thải trong tưới cây. Vì thế, Chính phủ, các bộ ngành cần sớm tháo gỡ những vướng mắc để các tỉnh, thành thí điểm KCN sinh thái và sau đó nhân rộng ra các KCN khác. Để thực hiện được các tiêu chí đã nêu cần có đầy đủ bộ quy trình hướng dẫn kỹ thuật cho các nhà đầu tư thực hiện.
BẢO MY/MTĐT