Tỷ lệ cây xanh đô thị của Việt Nam thấp hơn nhiều lần chỉ tiêu tối thiểu của Liên Hợp Quốc

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/11/2023 | 3:04:15 Chiều

Tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức từ 2 – 3m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10m2/người và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20 – 25m2/người.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo "Hạ tầng xanh và công viên xanh hướng tới phát triển đô thị bền vững” với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong nước, do Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng cùng Công ty Công viên cây xanh Hà Nội tổ chức ngày 10/11 vừa qua.


Các đô thị của Việt Nam đang thiếu hụt cây xanh nghiêm trọng. Ảnh minh hoạ: ITN

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận các vấn đề về hạ tầng xanh, công viên xanh, sinh thái đô thị, hành lang xanh cũng như mô hình thành phố bọt biển…, đồng thời đề xuất các giải pháp hạ tầng xanh cho các thành phố lớn nhằm hướng đến phát triển đô thị bền vững.

Đô thị đang thiếu hụt cây xanh trầm trọng

Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra với tốc độ nhanh trong hơn 20 năm qua. Tính đến tháng 6/2023, Việt Nam có 898 đô thị (2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 95 đô thị loại IV và 697 đô thị loại V), tăng 269 đô thị so với năm 1999; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42% (tăng trung bình 1% mỗi năm).

Trong quá trình phát triển, các đô thị ở Việt Nam đã và đang gặp phải những thách thức rất lớn về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là thiếu các công viên cây xanh để nâng cao chất lượng môi trường sống, điều hòa không khí và tạo không gian cảnh quan. 

Hiện nay tại các đô thị của Việt Nam, tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân ở mức từ 2 – 3m2/người. Trong khi đó, chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10m2/người và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20 - 25m2/người. Những con số so sánh đó là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thiếu hụt cây xanh nghiêm trọng tại các đô thị của chúng ta.


Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam cho biết, hạ tầng xanh góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe con người mà còn là điểm nhấn đô thị, làm đẹp cho xã hội, là thương hiệu của đô thị. Tuy nhiên, cây xanh ở đô thị, nhất là đô thị lớn đang thiếu, chưa đảm bảo chỉ tiêu về diện tích, mật độ nên rất cần cơ quan chức năng quan tâm, đưa ra giải pháp để giải quyết vấn đề này, thậm chí cần thiết xây dựng Luật về cây xanh đô thị để định hướng và tạo hành lang pháp lý.

Cần có những giải pháp mang tính hoạch định chính sách

Các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương ngày càng quan tâm việc phát triển hạ tầng xanh đô thị. Chính phủ đã ban hành những chủ trương, định hướng liên quan đến công tác phát triển hạ tầng xanh đô thị, đặt ra nhiệm vụ chú trọng cải thiện chất lượng không khí, cây xanh, không gian vui chơi, giải trí trong các đô thị, khu dân cư, nhất là các thành phố lớn.

Tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6 - 8 m2/người; đến năm 2030 đạt khoảng 8 - 10 m2/người.

Tuy nhiên theo Chủ tịch Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam, với những hạn chế, khó khăn trong hoạch định chính sách hạ tầng xanh, cần phải có những giải pháp mang tính gợi ý cho hoạch định chính sách hạ tầng xanh ở Việt Nam. Hạ tầng xanh có tính chất đa chức năng, đa lợi ích, đa cấp độ và cần được quan tâm nhiều hơn trong vấn đề hoạch định chính sách. Do đó, chính sách về hạ tầng xanh ở Việt Nam cần tiếp tục được nghiên cứu hơn nữa nhằm làm sáng tỏ các công cụ chính sách ở các cấp khác nhau.

LÂM HÀ

  •  
Các tin khác

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.

Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...