Phát triển đô thị làm cơ sở kêu gọi đầu tư, diện mạo đô thị có nhiều chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Theo nhận định của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 06-NQ/TW), sau 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm vừa qua, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước.
Một góc đô thị TP Vĩnh Long.
Theo Nghị quyết số 06-NQ/TW, số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950-1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000-1.200 đô thị. Ðến năm 2030, hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030… Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW với nhiều tiêu chí cụ thể và 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Các địa phương cũng chủ động trong việc quy hoạch, phát triển đồng bộ đô thị.
Tại tỉnh Vĩnh Long, công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị và nâng cấp, phát triển đô thị được các địa phương đẩy mạnh thực hiện, đáp ứng nhu cầu thực tế phát triển… Theo Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Long, từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ đô thị hóa ở Vĩnh Long tăng dần qua từng năm; toàn tỉnh hiện có 8 đô thị gồm: 1 đô thị loại II (TP Vĩnh Long), 1 đô thị loại III (thị xã Bình Minh) và 6 đô thị loại V.
Kể từ khi được công nhận là đô thị loại III (năm 2007), TP Vĩnh Long đã có những bước phát triển đô thị mạnh mẽ, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại; nhiều dự án, công trình được đầu tư đã góp phần tạo diện mạo khang trang cho đô thị. Còn đối với thị xã Bình Minh - Ðô thị lớn thứ hai của tỉnh, tiếp giáp với TP Cần Thơ. Ðây là đầu mối giao thương quan trọng của tỉnh Vĩnh Long với vùng ÐBSCL thông qua cảng Bình Minh, Quốc lộ 1, Quốc lộ 54 và đường sắt cao tốc trong tương lai. Kể từ khi được công nhận đô thị loại IV và thành lập thị xã vào năm 2012, thị xã Bình Minh có những chuyển biến đáng kể về kinh tế, văn hóa - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.
Ðến năm 2020, TP Vĩnh Long được công nhận đô thị loại II và thị xã Bình Minh được công nhận đô thị loại III. Theo ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, đây là cột mốc quan trọng, thành quả của những nỗ lực không ngừng trong phát triển đô thị. Ðồng thời là tiền đề, động lực phát triển cho 2 đô thị nói riêng và tạo sự lan tỏa cho các đô thị khác trong toàn tỉnh nói chung. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để TP Vĩnh Long, thị xã Bình Minh phát huy sức mạnh tổng hợp cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, xứng đáng với vai trò là các trung tâm văn hóa chính trị, kinh tế của tỉnh.
Theo Chương trình phát triển đô thị tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030, đến năm 2030, toàn tỉnh có 11 đô thị (gồm 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại III, 2 đô thị loại IV, 7 đô thị loại V). Giai đoạn 2026-2030, từng bước hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại I đối với TP Vĩnh Long, nâng cao chất lượng tiêu chí của đô thị loại III đối với thị xã Bình Minh… Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn, phát huy giá trị.
Theo Báo Cần Thơ