Trước đó ngày 25/4/2023, tại sân bay quốc tế Nội Bài, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài phối hợp với Công an thành phố Hà Nội, Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc, Công an Cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã tiến hành kiểm tra hành lý, hàng hóa của đối tượng Điền khi nhập cảnh từ Doha (Qatar) về Nội Bài.
Bắt giữ nghi phạm Ninh Bá Điền và tịch thu tang vật tại sân bay Nội Bài ngày 25/4/2023
Tại phiên tòa, đối tượng Điền khai nhận đây là lần đầu tiên đối tượng vận chuyển ngà voi và sừng tê giác về Việt Nam và cũng không biết rõ danh tính người thuê mình. Theo đó, Điền đã được một đối tượng chủ động liên hệ và thuê vận chuyển 2 kiện hàng chứa sừng tê giác và sản phẩm từ ngà voi về Việt Nam với số tiền công 50 triệu đồng (người này đã chi trả toàn bộ chi phí sinh hoạt tại Angola và mua vé máy bay cho Điền về Việt Nam).
Đặc biệt, trong vụ án này, trước khi bị bắt giữ tại Sân bay quốc tế Nội Bài, Điền đã bị thu giữ một trong 2 kiện hàng (cũng nghi có sừng tê giác) khi đang quá cảnh tại Qatar nhưng được tiếp tục cho lưu thông về nước cùng với kiện hàng còn lại.
Đối tượng Ninh Bá Điền tại phiên tòa ngày 20/11/2023
Theo kết quả giám định tại chỗ của đại diện Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vào ngày 25/4/2023, kiện hàng bao gồm 4 sừng động vật nghi là sừng tê giác, 37 khối hình tròn nghi là sản phẩm từ ngà voi. Kết quả giám định cuối cùng được Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội công bố ngày 20/11 cụ thể như sau: 3 trụ sừng tê giác trắng có khối lượng tổng 9,76kg, 1 trụ sừng tê giác đen có khối lượng 2,06kg và 37 sản phẩm ngà voi châu phi có khối lượng tổng 4,71kg.
Từ đầu năm 2023 đến hết tháng 9/2023, Cơ sở dữ liệu vi phạm về ĐVHD của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã ghi nhận có 38 vụ việc có dấu hiệu vi phạm về sừng tê giác và 243 vụ có dấu hiệu vi phạm liên quan đến ngà voi. Đặc biệt, ENV cũng nhận thấy trong thời gian gần đây, các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện, thu giữ nhiều sản phẩm động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp, quý, hiếm như ngà voi, sừng tê giác bị vận chuyển trái phép qua đường hàng không từ nước ngoài về Việt Nam.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc – ENV chia sẻ: "Lợi nhuận cao có lẽ là nguyên nhân lớn nhất khiến cho những đối tượng như Ninh Bá Điền sẵn sàng bất chấp các quy định pháp luật để thực hiện hành vi phạm tội về ĐVHD. Trong bối cảnh này, chỉ khi rủi ro pháp lý gắn liền với hoạt động buôn bán ĐVHD trái phép gia tăng thì mới có ý nghĩa răn đe, ngăn chặn các đối tượng phạm tội. Trong thời gian vừa qua, ENV rất vui mừngghi nhận nhiều mức hình phạt nghiêm khắc, đúng người, đúng tộiđược Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội áp dụng với các đối tượng phạm tội về ĐVHD mà mức án 12 năm tù đối với bị cáo Ninh Bá Điền là một ví dụ. Mức hình phạt này không chỉ thể hiện quyết tâm không khoan nhượng với tội phạm về ĐVHD của các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Hà Nội nói chung, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội nói riêng mà còn góp phần đáng kể vào nỗ lực chung của quốc gia nhằm đẩy lùi loại tội phạm này khỏi xã hội.”
Theo Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép sừng tê giác từ 0,05kg trở lên và ngà voi từ 2kg trở lên trong trường hợp vi phạm lần đầu (không phân biệt loài tê giác/voi) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt lên đến 15 năm tù đối với cá nhân tùy theo khối lượng tang vật ngà voi, sừng tê giác bị tịch thu.
ENV đã ghi nhận nhiều hình phạt nghiêm khắc với các đối tượng buôn bán ngà voi, sừng tê giác, điển hình là hình phạt 15 năm tù giam được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt đối tượng Đỗ Minh Toản cuối tháng 12/2021 cho hành vi vận chuyển trái phép 126,5 kg sừng tê giác từ Dubai về Việt Nam – mức hình phạt cao nhất với tội phạm về ĐVHD được ghi nhận tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại.
LAM VY