Văn minh đô thị, ứng xử thân thiện với từng cành cây, khóm hoa

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/12/2023 | 4:18:26 Chiều

Văn minh đô thị được hiểu là thái độ ứng xử của cộng đồng cư dân đô thị đối với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Nhiều nơi có đô thị nhưng không có văn minh. Một số người dân đô thị vẫn “hồn nhiên” chặt cây, bẻ cành, nhổ hoa nơi công cộng vì coi đó là “của chùa”.


Nhiều người vô tư cắt dây bảo vệ, nhảy vào tạo dáng chụp ảnh tại vườn cỏ lau hồng gần chân Tháp Bút bên Hồ Gươm

Tự ý chặt cây, bẻ cành là hành vi đáng xấu hổ

Tại nhiều thành phố lớn trên thế giới, việc tự ý chặt cây, bẻ cành bị cho là "hành vi đáng xấu hổ” và ngay lập tức, người vi phạm phải nhận án phạt nặng nếu bị phát hiện. 

Tháng 7-2023, tại một khu rừng thông cách Thủ đô Stockholm (Thuỵ Điển) khoảng 60km, tôi chứng kiến một việc. Trên đường đi hái quả Việt Quất  người con trai thấy một cành cây chĩa ra làm vướng lối đi định bẻ gẫy, người cha kịp thời ngăn lại và nói: Con có thể đi lách qua mà không cần phải bẻ cành. Một hành động thân thiện với môi trường mà tôi tận mắt trông thấy.

Qua các cơ quan truyền thông đại chúng, tôi được biết tại thành phố Toronto (Canada) các hành vi liên quan đến bẻ cành, chặt cây nơi công cộng sẽ bị xử phạt một cách nghiêm khắc. Mức phạt tối thiểu là 500 USD/cây và tối đa là 100.000 USD/cây. Bên cạnh đó, điều luật này còn bổ sung thêm mức phạt đặc biệt với các hành vi vi phạm nghiêm trọng với tiền phạt thêm 100.000 USD. Thành phố này còn thiết lập đường dây nóng 311 để tiếp nhận các cuộc gọi báo về trường hợp bẻ cành, gây hư hại cây xanh trên đường phố.

Theo báo Marinij, một người đàn ông ở thành phố Larkspur của bang California (Mỹ) phải đối mặt với mức phạt 25.000 USD vì hành vi tự ý chặt bỏ cây xanh. Người đàn ông này đã tự ý chặt đi một cây gỗ có tuổi thọ 100 tuổi ngay trong khuôn viên gần nhà mình để tạo lối đi cho xe. Hành động này vi phạm Luật "Phá hoại cây di sản” đang được thành phố bảo vệ.

Một phụ nữ 61 tuổi ở phía Nam hạt Cumbria (Anh) đã phải nộp phạt 15.000 bảng Anh (khoảng 418 triệu đồng) vì đã vi phạm Luật Bảo vệ cây xanh. Bà đã tự ý chặt cây trong khuôn viên của mình để làm tăng giá trị khuôn viên ngôi nhà đang ở, giúp tầm nhìn của ngôi nhà thoáng hơn. Có tới 27 loại cây mà bà đã tự chặt bỏ bao gồm cây sồi, cây liễu, hạt dẻ, ngô đồng… Ngoài việc nộp phạt 15.000 bảng Anh, bà còn phải nộp 1.260 bảng Anh án phí và 120 bảng Anh phí nạn nhân. Theo báo Terra Daily một cặp vợ chồng ở bang Florida (Mỹ) đã bị phạt hợn 1,6 triệu USD sau khi tự ý đốn hạ 109 cây đước trong khuôn viên rừng ngập mặn mà không có sự cho phép của cơ quan chức năng.

Cần lắm ý thức thân thiện môi trường đô thị 

Đi trên đường phố Hà Nội, nhiều khi chúng ta thấy có những cây to chết khô. Hỏi ra được biết vì cây này được trồng trước cửa nhà, cản trở việc kinh doanh cho nên chủ cơ sở đó đã "hạ sát” cây bằng cách đổ muối vào gốc. 


 Cây bị đóng đinh tua tủa trên phố Hàng Khay - Hà Nội

Ngày 5-7-2012, trên Chuyên trang Quản lý Mô trường (Tạp chí Môi trường và Đô thị ) có đăng bài báo "Cây đinh”. Theo bài báo, trước số nhà từ 15 đến 21 phố Hàng Khay là ba cây sấu có độ tuổi gần 100 năm. Khi đi đến gần tôi giật mình vì nhìn thấy ba cây bị đóng đinh tua tủa. Có đinh dài tới 10cm. Nhìn thật đau xót, bởi tôi nghĩ những chiếc đinh đó như đang được đóng vào chính cơ thể mình vậy! Tôi hỏi một số người bán hàng gần đó vì sao cây bị đóng đinh như vậy, thì được biết: Nhằm mục đích thu hút khách, một số cửa hàng đã quấn dây đèn quảng cáo chung quanh thân cây. Những chiếc đinh đó được đóng vào thân cây để giữ các dây đèn. Sau này dây đèn được tháo đi, nhưng hàng đinh vẫn còn đó. Chung quanh Hồ Gươm và nhiều tuyến phố ở Hà Nội, hàng cây trước cửa một số nhà hàng, quán ăn, khách sạn cũng bị đóng đinh với lý do tương tự. 


Những chiếc đinh được đóng vào thân cây để giữ các dây đèn trang trí thu hút khách hàng

Vườn cỏ lau hồng gần chân Tháp Bút bên Hồ Gươm thật đẹp, để bảo vệ nó người trồng cây đã đóng cọc chăng dây chung quanh. Ấy vậy, rất nhiều người vô tư cắt dây, nhẩy vào trong, tạo dáng chụp ảnh. Thật buồn! Một  nhân viên Đội an ninh trật tự Hồ Gươm tâm sự: Sau khi nhắc một chị không được vào vườn cỏ lau. Chị đó nói lại một câu rất đúng luật: Đội của anh không có quyền gì mà phạt tôi.  Đúng vậy chúng em chỉ có quyền nhắc nhở, mà đã là nhắc nhở họ có quyền thực hiện hay không là việc của họ. Mình không có quyền phạt thì họ chẳng sợ. Đi bộ chung quanh hồ nhiều lần, thấy nhiều trường hợp đi vào vườn hoa, giẫm đạp lên hoa nhưng chẳng thấy ai bị xử phạt cả. 

Chị Vân Nhi, cán bộ phòng Kế hoạch tổng hợp  Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, anh Nguyễn Xuân Ngọc,  Giám đốc Xí nghiệp Quản lý  công viên cây xanh số 3,  đưa ra cho chúng tôi nhiều dẫn chứng, hình ảnh buồn khi vườn hoa, công viên bị nhiều người xâm hại như đi vào chụp ảnh, giẫm đạp lên hoa, thậm chí nhổ cả khóm  hoa về nhà trồng. 

Văn bản pháp luật đã ghi rõ các hành vi xâm hại cây xanh đô thị (bao gồm cây xanh được trồng trên đường phố và ở khu vực sở hữu công cộng như công viên, vườn thú, vườn hoa, vườn dạo, thảm cỏ tại dải phân làn, các đài tưởng niệm, quảng trường) sẽ bị xử phạt. Các hành động vi phạm: Tự ý chặt hạ, đánh chuyển di dời, ngắt hoa, bẻ cành, chặt rễ, cắt ngọn, khoanh vỏ, đốt lửa đặt bếp, đổ rác, chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây. Tự ý xây bục bệ bao quanh gốc cây, chăng dây, chăng đèn trang trí, đóng đinh, treo biển quảng cáo trái phép. Hành vi ngắt hoa, bẻ cành là hành vi xâm hại cây xanh đô thị và bị nghiêm cấm. 

Theo Nghị định số 139/2017/NĐ-CP (thay thế Nghị định 121/2013/NĐ-CP và 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ) có hiệu lực từ ngày 15-1-2018, Điều 53 quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa nêu rõ: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, tự ý ngắt hoa, cắt cành cây, lột vỏ thân cây, phóng uế hoặc có hành vi khác làm hư hỏng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ; chăng dây, chăng đèn trang trí, treo biển quảng cáo hoặc các vật dụng khác vào cây xanh ở những nơi công cộng, đường phố, công viên không đúng quy định; chăn, thả gia súc, gia cầm trong công viên, vườn hoa. Phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi đổ phế thải, chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh hoặc tự ý xâm hại, cản trở sự phát triển của cây xanh trong khu vực đô thị; lấn chiếm, xây dựng công trình trên đất cây xanh hiện có hoặc đã được xác định trong quy hoạch đô thị hoặc ngăn cản việc trồng cây xanh theo quy định. Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi tự ý chặt hạ, di dời, đốt gốc, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh không đúng quy định.

Quy định xử phạt đã có, đều rõ ràng, cụ thể, nhưng các trường hợp vi phạm bị sử phạt chưa nhiều, chưa nghiêm. Cần lắm một thái độ nghiêm minh của các cơ quan có trách nhiệm trong việc xử phạt  các hành vi vi phạm để làm gương. Cần lắm thái độ ứng xử văn minh đô thị của những công dân của thành phố đối với thiên nhiên, môi trường, cụ thể là cây xanh, vườn hoa, công viên.

HÀ VY
  •  
Các tin khác

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.

Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...