Sở GTVT Hà Nội cho biết, để mở rộng lòng đường, giảm xung đột giao thông và ùn tắc, trong tháng 12/2023, các đơn vị duy tu, quản lý đường hiện thực hiện duy tu, mở rộng lòng đường, xén dải phân cách trên 83 tuyến ở các quận, huyện.
Cụ thể: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Ba Đình, Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông và các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Mê Linh, Sóc Sơn, Thường Tín, Đan Phượng, Ứng Hòa, Phúc Thọ, Chương Mỹ. Kinh phí dự kiến khoảng 700 tỷ đồng.
Theo ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, giao thông Hà Nội ngày càng đông đúc, việc cải tạo lại bề mặt nhiều tuyến đường với mục tiêu đảm bảo cho người dân đi lại thuận lợi, tránh va chạm.
"Các tuyến đường trục chính, đường nhánh sẽ thường xuyên được Sở giao cho đơn vị duy tu, quản lý đường hàng ngày phải rà soát và có kế hoạch để đề xuất chỉnh sửa lại nhằm đảm bảo lưu thông thuận tiện, an toàn", ông Bảo nhấn mạnh.
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet
Trước một số ý kiến lo ngại số lượng các tuyến đường duy tu, sửa chữa rất lớn, song việc thi công trong thời gian ngắn chỉ từ đầu tháng 11 đến ngày 31/12 liệu có đảm bảo được chất lượng, ông Trần Hữu Bảo cho hay, công tác thi công từ cấp phép, nguồn vật liệu, quá trình xây dựng đều có hàng trăm kỹ sư giám sát kỹ lưỡng.
Sau khi thi công còn có địa phương, Phòng quản lý giám sát chất lượng công trình giao thông thuộc Sở GTVT Hà Nội kiểm tra, đảm bảo chất lượng mới nghiệm thu hoàn thành.
"Quy trình chặt chẽ là vậy nên nhà thầu, đơn vị chủ đầu tư phải chấp hành, tuân thủ nghiêm, không có chuyện đường vừa làm xong đã hư hỏng", ông Bảo cho hay.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thủy, chuyên gia giao thông cho rằng, rất nhiều tuyến đường nhánh ở trung tâm Thủ đô từ lâu đã xuống cấp, gồ ghề, gây mất mỹ quan, chưa kể nguy cơ mất an toàn cao.
"Việc sửa chữa đường lần này đảm bảo kịp thời, được quan tâm thực hiện nhiều hơn so với những năm trước đây", bà Thủy đánh giá và góp ý thêm, hiện tại vẫn còn một số vị trí trên các tuyến đường Phạm Hùng, Tố Hữu, Lê Văn Lương, Giảng Võ… có dấu hiệu xuống cấp. Vì thế, thành phố cần sớm xem xét, bố trí ngân sách để cải tạo.
Đại diện phía Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội cũng cho biết, đặc thù các công trình giao thông Hà Nội phải thi công vào ban đêm. Tuy nhiên, đơn vị vẫn đều đặn cử giám sát giàu kinh nghiệm kiểm soát từng hạng mục của dự án.
MINH THƯ (T/h)