Theo đó, Bộ VH,TT&DL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp các sở, ban, ngành liên quan tại địa phương triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 15/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ đạo thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội trên địa bàn, đồng thời tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo phân cấp quản lý.
Chỉ đạo các đơn vị chức năng, các cấp chính quyền cơ sở xây dựng các phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông, an toàn sông nước đối với hoạt động lễ hội, thể thao, du lịch.
Bảo đảm hoạt động lễ hội được tổ chức trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển.
Lãnh đạo Bộ VH,TT&DL cũng yêu cầu quán triệt, thực hiện nghiêm nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 15/12/2023 về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực theo dõi, quản lý; chỉ đạo, phối hợp tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, bảo đảm nhân dân được đón tết vui tươi, đầm ấm, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục, tập quán, truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc.
Đối với các hoạt động văn hoá, văn nghệ, Bộ VH,TT&DL đề nghị tổ chức các chương trình văn hoá, văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân, tạo nhiều sân chơi bổ ích tại các khu vui chơi, giải trí, các trung tâm sinh hoạt cộng đồng phục vụ nhân dân với tinh thần vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Xây dựng kế hoạch tổ chức cho các đoàn nghệ thuật, đội chiếu phim, đội tuyên truyền lưu động đi biểu diễn phục vụ nhân dân, bộ đội, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, nơi biên giới, hải đảo.
Tăng cường các hình thức tuyên truyền, cổ động trực quan về thành tựu của đất nước, các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, gắn với yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, bài trừ tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan... Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động văn hoá, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá dân tộc, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần cho nhân dân.
Tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường trên địa bàn.
Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trong quản lý hoạt động kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ văn hoá, chú trọng các nhiệm vụ mới được phân cấp, uỷ quyền cho địa phương như: chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật, cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn, cuộc thi người đẹp, người mẫu, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh; giám sát, kiểm tra kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những sai phạm, không để xảy ra vụ việc phức tạp.
Chủ động, phát huy các biện pháp hiệu quả trong đấu tranh phản bác các luận điệu, thông tin xấu của các thế lực thù địch trên mạng xã hội. Nâng cao nhận thức, ý thức của các tầng lớp nhân dân, tẩy chay, ngăn chặn việc sử dụng, phát tán các sản phẩm văn hoá độc hại. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch, kinh doanh dịch vụ văn hoá, quảng cáo trong dịp Tết Nguyên đán bảo đảm vui tươi, lành mạnh, phù hợp với thuần phong mỹ tục và phong tục tập quán của từng địa phương.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, lãnh đạo Bộ đề nghị ngành văn hoá các địa phương trên cả nước tham mưu, thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định, bảo đảm các hoạt động lễ hội, vui xuân, kỷ niệm ngày truyền thống... thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hoá của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương.
Tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội; về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; hạn chế đốt đồ mã, vàng mã, bảo đảm an toàn, tiết kiệm bảo vệ môi trường…
Quản lý chặt chẽ hoạt động đăng ký và thông báo tổ chức lễ hội trên địa bàn. Chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch, phương án, điều kiện để lễ hội trên địa bàn diễn ra bảo đảm an toàn, không để xảy ra sai sót.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội: kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội; đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi; hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc; tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí.
Tham mưu UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tiễn, quyết định việc tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn phù hợp với điều kiện, khả năng của địa phương, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, không sử dụng ngân sách Nhà nước.
Xây dựng kế hoạch, hướng dẫn triển khai và tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao "Mừng Đảng, mừng Xuân” phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Nội dung tổ chức cần tập trung vào những hoạt động thi đấu thể thao quần chúng, các trò chơi vận động dân gian và các môn thể thao truyền thống phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương.
Tổ chức đa dạng các hoạt động du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mới phục vụ nhân dân dịp Tết Nguyên đán 2024.
Chỉ đạo các cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ du lịch triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho khách du lịch, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, tăng giá, ép giá; tăng cường quản lý và kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch và phương tiện phục vụ khách du lịch.
SONG LAM