Long An: Hơn 42ha đất ô nhiễm nằm trong các khu công nghiệp

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/8/2024 | 3:45:07 Chiều

Theo kết quả thực hiện dự án điều tra, đánh giá ô nhiễm đất trên địa bàn tỉnh Long An, các huyện nằm ở hạ nguồn hoặc tập trung các khu, cụm công nghiệp có diện tích đất ô nhiễm, cận ô nhiễm cao hơn.

Ngày 4/8, thông tin từ UBND tỉnh Long An cho biết đã UBND tỉnh Long An ban hành Quyết định 7620/QĐ-UBND công khai kết quả thực hiện dự án điều tra, đánh giá ô nhiễm đất trên địa bàn tỉnh.

Kết quả có nhiều điểm đáng chú ý khi có 31/812 mẫu đất cho ra kết quả bị ô nhiễm, chiếm 3,82% các mẫu đất được điều tra. Trong số này có đến 21 mẫu đất bị ô nhiễm cadimi.

Số mẫu đất bị ô nhiễm này phân bố ở 10 huyện, thị xã. Một số huyện ở hạ nguồn sông Vàm Cỏ có nhiều mẫu đất bị ô nhiễm hơn các huyện, thị ở phía thượng nguồn. Như Cần Đước có 7 mẫu đất bị ô nhiễm, Tân Trụ 6 mẫu, Cần Giuộc 4 mẫu...

Bên cạnh đó còn có 81/812 mẫu đất bị cận ô nhiễm, chiếm 9,98%. Trong đó có đến 48 mẫu đất cận ô nhiễm asen (As), 31 mẫu cận ô nhiễm cadimi (Cd).

Một số địa phương có mẫu đất cận ô nhiễm nhiều như Cần Đước 23 mẫu, Châu Thành 11 mẫu, Tân Hưng 11 mẫu, Đức Hòa 8 mẫu...

Điều tra 372 mẫu nước cũng cho ra kết quả có 111 mẫu nước bị ô nhiễm, chiếm 29,84%. Trong đó ô nhiễm các chất hữu cơ chiếm tỉ lệ cao, như 90 mẫu nhiễm BOD5, 89 mẫu nhiễm COD, 64 mẫu nhiễm NH4+...

Các mẫu nước bị ô nhiễm xuất hiện nhiều ở các huyện Cần Đước (18 mẫu), Cần Giuộc (15 mẫu), Tân Thạnh (12 mẫu), Tân Hưng (12 mẫu), Tân Trụ (9 mẫu)...

Đáng chú ý, kết quả tổng hợp đánh giá theo nguồn gây ô nhiễm còn cho thấy có đến hơn 42ha đất ô nhiễm và hơn 352ha đất cận ô nhiễm nằm trong các khu công nghiệp; hơn 40ha đất ô nhiễm và 201ha đất cận ô nhiễm nằm trong các cụm công nghiệp.

Nguồn ô nhiễm từ các nghĩa trang, nghĩa địa cũng khiến hơn 67ha đất ô nhiễm và hơn 133ha đất cận ô nhiễm.

Các bãi rác, xử lý rác thải khiến hơn 79ha đất bị ô nhiễm và hơn 33ha đất cận ô nhiễm. Các cơ sở y tế cũng khiến hơn 30ha đất bị ô nhiễm, hơn 134ha đất cận ô nhiễm.

Đặc biệt, các khu vực thâm canh cao, sản xuất sử dụng nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật khiến hơn 239ha đất bị ô nhiễm, hơn 318ha đất bị cận ô nhiễm.

Diện tích đất nuôi trồng thủy sản có đến hơn 600ha ô nhiễm, hơn 582ha cận ô nhiễm, trong đó chủ yếu là ô nhiễm và cận ô nhiễm kim loại nặng.

Đánh giá theo địa bàn cho thấy các huyện nằm ở hạ nguồn hoặc tập trung các khu, cụm công nghiệp có diện tích đất ô nhiễm, cận ô nhiễm cao hơn. Như Cần Đước có hơn 673ha, Đức Hòa hơn 376ha, Cần Giuộc hơn 306ha, Bến Lức hơn 275ha, Châu Thành hơn 229ha...

Kết quả điều tra cũng đưa ra cảnh báo ô nhiễm tại các khu vực và vùng lân cận:

Khu công nghiệp Đức Hòa 1, Chỉnh trang Đức Hòa Hạ, Khu công nghiệp Lê Long (bị ô nhiễm hơn 11ha), khu vực Khu công nghiệp Tân Đức, Hải Sơn, Tân Đô (bị ô nhiễm hơn 30ha). Cụm công nghiệp Liên Minh, Liên Hưng, Đức Hòa Hạ (ô nhiễm hơn 8,51ha), khu vực Cụm công nghiệp Hoàng Gia (hơn16 ha), Cụm công nghiệp Anova Group (hơn 5ha), Cụm công nghiệp Thiên Lộc Thành (hơn 9ha).

Bệnh viện Xuyên Á (hơn 4ha), Bệnh viện Đa khoa Mộc Hóa (hơn 11ha), Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười (hơn 15ha).

Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa (hơn 11ha), bãi rác Long Hòa (hơn 21ha).

Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Hậu Nghĩa (hơn 30ha), Nghĩa trang xã Vĩnh Thạnh (hơn 8ha), Nghĩa trang xã Nhựt Tảo ( hơn 7ha), Nghĩa trang xã Khánh Hưng (hơn 8ha), Nghĩa trang xã Tân Thành (hơn 12ha).

Khu vực khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng Mỹ Thạnh Bắc (hơn 5ha).

Các khu vực đất trồng lúa, cây hằng năm huyện Bến Lức (hơn 15ha), Cần Đước (hơn 64ha), Cần Giuộc (hơn 79ha), Châu Thành (hơn 57ha), Thạnh Hóa (hơn 21ha).

Các khu vực nuôi trồng, chế biến thủy sản huyện Cần Đước (hơn 131ha), Cần Giuộc (hơn 98ha), Châu Thành (hơn 23ha), Đức Hòa (hơn 5ha), Đức Huệ (hơn 9ha), Tân Hưng (hơn 45ha), Mộc Hóa (hơn 24ha), Tân Thạnh (hơn 54ha), Tân Trụ (hơn 104ha), Thạnh Hóa (hơn 15ha), Vĩnh Hưng (hơn 24ha), TP Tân An (hơn 13ha) và thị xã Kiến Tường (hơn 28ha). Khu vực cảng Thiên Lộc Thành (hơn 15ha).

Trước thực trạng nhiều vùng đất bị ô nhiễm, UBND tỉnh Long An cũng đưa ra các giải pháp bảo vệ sử dụng đất bền vững như: Giải pháp về tuyên truyền và phổ biến pháp luật trong bảo vệ môi trường; giải pháp về chính sách; giải pháp về quản lý tài nguyên và môi trường; giải pháp kỹ thuật.

UBND tỉnh Long An cũng đề nghị các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ kết quả, số liệu điều tra, đánh giá ô nhiễm đất trên địa bàn tỉnh để chủ động xây dựng phương án, biện pháp quản lý, khai thác, sử dụng đất hợp lý, đảm bảo có hiệu quả và bền vững.

TRÂM ANH
  •  
Các tin khác

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.

Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...