Xét nghiệm nước thải để cảnh báo nguy cơ COVID-19 quay trở lại

  • Cập nhật: Thứ ba, 7/4/2020 | 11:06:27 Sáng

Tạp chí khoa học Nature cho biết xét nghiệm mẫu nước thải có thể sẽ cho ra các dữ liệu cảnh báo sớm nếu virus SARS-CoV-2 quay trở lại.

Chú thích ảnh
Các nhà khoa học đã phát hiện ra SARS-CoV-2 tại một số nhà máy xử lý nước thải ở Hà Lan.
Ảnh: Getty Images

Thế giới có hơn 10 nhóm nghiên cứu đã bắt tay phân tích mẫu nước thải để tìm ca mắc COVID-19 mới. Đây là cách có thể dùng để ước đoán tổng số ca nhiễm bệnh ở một cộng đồng trong bối cảnh xét nghiệm SARS-CoV-2 vẫn chưa phổ biến.

Phương pháp này cũng có thể được dùng để xác định sự hiện diện của virus nếu bệnh dịch quay trở lại các cộng đồng. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra dấu vết của virus tại Hà Lan, Mỹ và Thụy Điển nhờ phương pháp này.

Theo Gertjan Medema, một chuyên gia vi sinh học tại Viện Nghiên cứu Nước KWR ở Nieuwegein, Hà Lan, một nhà máy xử lý có thể thu giữ lượng nước thải của trên một triệu người dân. Giám sát nguồn nước chảy từ hệ thống cống thải đến nhà máy ở quy mô này có thể sẽ cho ra các ước đoán chuẩn xác hơn về mức độ lây lan của COVID-19 so với phương pháp xét nghiệm thông thường, bởi nó mang tính đại diện cao hơn cho số người chưa được xét nghiệm, hoặc số có triệu chứng nhẹ, hay không hề có triệu chứng mắc bệnh.

Để đo đếm chính xác mức độ lây nhiễm trong một cộng đồng dân cư từ mẫu nước thải, các nhà khoa học cho biết cần phải tìm ra virus RNA (mà SARS-CoV-2 là một dạng) được bài tiết dưới dạng phân ở mức độ nào, cùng với đó là phép ngoại suy số lượng người bị nhiễm trong một cộng đồng có tập trung virus RNA trong mẫu nước thải.

Theo các nhà khoa học tại Liên minh vùng Queensland về Khoa học Y tế Môi trường ở Australia, phải bảo đảm rằng giới khoa học đang tìm kiếm  mẫu thử đại diện cho thứ được thải ra từ một cộng đồng dân cư, chứ không phải là mẫu lấy nhanh bất chợt. Cùng với đó, các xét nghiệm cộng đồng cũng cho thấy sự hiện diện của virus ở cấp độ thấp.

Nếu thành công, phương pháp này sẽ mang lại  hy vọng mới trong bối cảnh các nỗ lực giám sát virus gặp phải trở ngại khi mà các trường đại học, phòng thí nghiệm buộc phải đóng cửa, còn việc xét nghiệm trong cộng đồng rất hạn chế do thiếu nguồn cung các bộ thử, que thử. Các biện pháp kiểm soát bệnh dịch như giãn cách xã hội có thể sẽ giúp khống chế dịch bệnh, nhưng virus có thể sẽ quay trở lại khi dỡ bỏ biện pháp đó.

Bà Ana Maria de Roda Husman, nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Viện Quốc gia Hà Lan cho rằng giám sát tuần hoàn nước thải có thể sẽ là công cụ cảnh báo sớm cục bộ để giúp các cộng đồng nhận ra những ca nhiễm COVID-19 mới.

Nhóm của bà de Roda Husman đã phát hiện ra SARS-CoV-2 trong nước thải tại sân bay Schiphol ở Tilburg chỉ 4 ngày sau khi Hà Lan xác nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên.

Nhóm của Gertjan Medema thậm chí còn phát hiện ra sự hiện diện của virus này tại thành phố Amersfoort trước khi có thông tin chính thức về ca lây nhiễm trong cộng đồng dân cư này.

Phương pháp giám sát mẫu nước thải sẽ được áp dụng cho tất cả thủ phủ ở 12 tỉnh tại Hà Lan, cùng với đó là 12 khu vực khác chưa có trường hợp mắc COVID-19.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong phân của người mắc bệnh trong 3 ngày - ngắn hơn so với khoảng thời gian xuất hiện các triệu chứng bệnh đủ nặng để tới bệnh viện (thường là 2 tuần) và được chẩn đoán chính thức.

Giám sát virus trong nước thải có thể giúp giới chức ngành y tế có được thời điểm ra quyết định hợp lý để tiến hành các biện pháp kiểm soát dịch như phong tỏa hay đóng cửa  cộng đồng. Điều này có ý nghĩa bởi khi dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng thì 7-10 ngày có thể tạo ra sự khác biệt lớn về hiệu quả.

Hoài Thanh/Báo Tin tức

  •  
Các tin khác

Việc phát triển các nhà máy đốt rác phát điện trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, giải pháp mang lại hiệu quả về kinh tế, sản xuất năng lượng bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nhiều nước trên thế giới đã và đang có những giải pháp phòng, chống và giảm thiểu ngập úng đô thị khá hiệu quả, đó là các giải pháp kỹ thuật/công trình kết hợp với các giải pháp phi công trình …

Bảo vệ môi trường đang là một trong những yêu cầu đặc biệt quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thành phố Hải Phòng trong những năm qua đã có những thay đổi vượt bậc về hệ thống cơ sở hạ tầng. Các khu đô thị lớn hình thành, các khu công nghiệp mở rộng nằm bao quanh thành phố đã thu hút lượng lớn lao động trong và ngoài thành phố đến làm việc sinh sống. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gia tăng tương đối lớn về rác thải sinh hoạt (bao gồm cả khối lượng và chủng loại).