Thực trạng và giải pháp ô nhiễm nguồn nước tại Việt Nam
- Cập nhật: Thứ tư, 15/4/2020 | 5:16:22 Chiều
Hiện nay, môi trường nước ở nhiều đô thị, khu công nghiệp và làng nghề ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi nước thải, khí thải và chất thải rắn.
Thực trạng
Ở các thành phố lớn, hàng trăm cơ sở sản xuất công nghiệp đang gây ô nhiễm môi trường nước do không có công trình và thiết bị xử lý chất thải. Với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hoá khá nhanh cùng sự gia tăng dân số là nguyên nhân chính gây áp lực ngày càng nặng nề đối với tài nguyên nước.
Liên tiếp trong thời gian qua, trên địa bàn cả nước, hiện tượng ô nhiễm môi trường nước đã làm cho hiện tượng cá chết bất thường hàng loạt. Mặc dù các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường nhưng tình trạng ô nhiễm nước là vấn đề rất đáng lo ngại.
Dòng nước trong bãi rác của Nhà máy xử lý rác TP.Cà Mau. Ảnh: Gia Bách
Trước đó, vào năm 2008 vụ thảm họa xả thải trên dòng sông Thị Vải (sông Đồng Nai), do nhà máy Vedan làm, khiến tôm cá chết hết. Thực sự đây là nỗi niềm lo lắng, trăn trở không chỉ của người dân tại đấy mà còn là vấn đề môi trường chung của con người. Đặc biệt là khi nguồn nước đó lại phục vụ nhu cầu cuộc sống của con người dân Việt Nam. Ngoài sông thị Vải ra, còn không ít các con sông khác cũng đang phải chịu chung thảm cảnh đó.
Theo Unicef cho biết, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam đang đứng TOP 5, chỉ sau Trung Quốc, Philippines, Indonesia,Thái Lan có lượng rác thải đổ ra sông, ra biển nhiều nhất thế giới hiện nay. Theo như Trung tâm Tư vấn Phát triển bền vững Đà Nẵng cho biết, có khoảng 19 ngàn tấn rác thải nhựa trên ngày, cho thấy môi trường nước đang phải gồng mình để chịu đựng sự ô nhiễm nghiêm trọng.
Ngoài ra, theo báo cáo mới đây nhất của Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường có tới 17 triệu người dân Việt chưa tiếp cận được với nước sạch. Họ phải chung sống với nước giếng khoan, nước mưa, nước máy lọc không an toàn với sức khỏe. Đặc biệt, con số này chưa dừng lại, mỗi ngày nó đều tăng lên và đang ở mức báo động đáng lo ngại về thực trạng ô nhiễm nước tại Việt Nam.
Ô nhiễm nguồn nước xuất phát từ việc các ao, hồ, sông tiếp nhận nhiều loại nguồn thải, môi trường nước mặt đang ở tình trạng ô nhiễm tại nhiều nơi. Tuy nhiên, nguồn thải chính tác động đến môi trường nước mặt ở nước ta là nước thải nông nghiệp, công nghiệp và nước thải sinh hoạt. Mức độ gia tăng các nguồn nước thải hiện nay ngày càng lớn với quy mô rộng ở hầu hết các vùng miền trong cả nước.
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiều ngành công nghiệp được mở rộng quy mô sản xuất cũng như phạm vi phân bố. Cùng với đó là sự gia tăng lượng nước thải lớn, trong khi đó, mức đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải chưa đáp ứng yêu cầu.
Hậu quả
Khi chung sống với nguồn nước ô nhiễm, con người dễ bị mắc các bệnh liên quan đến vấn đề về da, tiêu hóa, tiêu chảy và nguy cơ mắc bệnh ung thư là khá cao.
Đánh giá chung của các chuyên gia y tế, tại một số địa phương, những ca bị mắc ca mắc bệnh ung thư hay viên miễn phụ khoa, tiêu hóa đường ruột hay da thường cao hơn so với những nơi có nguồn nước sạch. Tỉ lệ người mắc thường chiếm tới 40-50% một con số cực kỳ cao, đáng báo động khi nguồn nước sử dụng đang bị ô nhiễm.
Nước sông Đáy, đoạn qua xã Lam Điền đã bị biến màu đen, hôi tanh
Theo Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cứ trung bình mỗi năm có khoảng 9 ngàn người chết vì nguồn nước bẩn và vệ sinh kém chất lượng; số ca mắc ung thư tới 100 ngàn người. Trong đó, nguyên nhân tìm ra là do nguồn nước ô nhiễm, không bảo vệ sinh và độ an toàn cho người sử dụng. Bên cạnh đó, WHO cũng cho biết, tại Việt Nam có khoảng 44% trẻ nhỏ bị nhiễm giun sán, 27% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng.
Ngoài vấn đề về sức khỏe con người bị ảnh hưởng thì ô nhiễm nước còn gây tổn thất nghiêm trọng tới kinh doanh, sản xuất (trồng lúa, hoa màu), chăn nuôi và thủy sản…..
Một điều đáng lo ngại hiện nay là tỉ lệ người mắc các loại bệnh ung thư cực kỳ cao. Theo như nhiều nghiên cứu khoa học, nguồn nước mà trong đó có lượng asen có tỉ lệ mắc bệnh ung thư cực lớn, thường gặp nhất là ung thư da. Bên cạnh đó, nó còn gây ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn của con người, dù 1 lượng asen cực nhỏ là 0,1mg/l. Vì thế, khi phát hiện nước bị nhiễm độc cần xử lý trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn.
Chưa hết, một số dấu hiệu nhiễm bệnh dễ thấy khi sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm đó là:
+ Nhiễm chì hay gặp các bệnh về thận, thần kinh
+ Nhiễm Amoni làm da xanh, cơ thể thiếu sức sống
+ Nhiễm Natri gây bệnh về cao huyết áp, tim mạch
+ Nhiễm Cadimi có thể gây đau lưng hoặc thoái hóa đốt sống
+ Các hợp chất hữu cơ, thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản thực vật gây cảm giác ói, nôn hoặc cao hơn là ngộ độc.
Nước thải sinh hoạt chiếm trên 30% tổng lượng thải trực tiếp ra các sông hồ hay kênh rạch dẫn ra sông. Theo số liệu tính toán của cơ quan môi trường cho thấy Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng là 2 vùng tập trung nhiều lượng nước thải sinh hoạt nhất cả nước.
Vùng Đông Nam bộ với toàn bộ các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi tập trung các KCN lớn, là vùng có lượng phát sinh nước thải công nghiệp lớn nhất cả nước. Số lượng KCN có hệ thống xử lý nước thải vẫn đang ở mức trung bình (50-60%), hơn nữa, 50% trong số đó vẫn chưa hoạt động hiệu quả.
Theo các nghiên cứu tác động Môi trường của cơ quan Tổng cục Môi trường cho thấy: ở ngành công nghiệp dệt may, ngành công nghiệp giấy và bột giấy, nước thải thường có độ pH trung bình từ 9-11; chỉ số nhu cầu ôxy sinh hoá (BOD: Biochemical oxygen Demand - là lượng oxy cần thiết cung cấp cho vi sinh vật để oxi hóa các chất hữu cơ), nhu cầu ôxy hoá học (COD: Chemical oxygen Demand - là khối lượng oxy cần tiêu hao trên 1 lít nước thải) có thể lên đến 700mg/1 và 2.500mg/1; hàm lượng chất rắn lơ lửng... cao gấp nhiều lần giới hạn cho phép. Hàm lượng nước thải của các ngành này có chứa xyanua (CN-) vượt đến 84 lần, H2S vượt 4,2 lần, hàm lượng NH3 vượt 84 lần tiêu chuẩn cho phép nên đã gây ô nhiễm nặng nề các nguồn nước mặt trong vùng dân cư.
Bên cạnh những nguồn thải nêu trên, nước thải nông nghiệp cũng là vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Đó là nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đến nguồn nước tại những địa phương có nền kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh như vùng ĐBSCL. Nước thải từ hoạt động nông nghiệp có chứa hóa chất bảo vệ thực vật hay thuốc trừ sâu là thành phần độc hại cho môi trường và sức khỏe con người. Đặc biệt, các khu vực này, đời sống dân cư vẫn gắn với nguồn nước sông, dùng làm nước sinh hoạt hay sử dụng để nuôi trồng thủy sản.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nước như sự gia tăng dân số, mặt trái của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ sở hạ tầng yếu kém, lạc hậu: nhận thức của người dân về vấn đề môi trường còn chưa cao…
Hành vi đổ trộm dầu bẩn khiến nước đầu nguồn sông Đà ô nhiễm. Ảnh: Hồng Quang
Bên cạnh đó, các quy định về quản lý và bảo vệ môi trường nước còn thiếu, cơ chế phân công và phối hợp giữa các cơ quan, các ngành và địa phương chưa đồng bộ, còn chồng chéo, chưa quy định trách nhiệm rõ ràng. Chưa có chiến lược, quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo lưu vực và các vùng lãnh thổ lớn. Chưa có các quy định hợp lý trong việc đóng góp tài chính để quản lý và bảo vệ môi trường nước gây nên tình trạng thiếu hụt tài chính, thu không đủ chi cho bảo vệ môi trường nước.
Một số nguyên nhân cụ thể:
1. Nước thải sinh hoạt: Nhu cầu thải nước thải sinh hoạt hàng ngày, thông qua ăn uống, sinh hoạt, vệ sinh hàng ngày... Nước thải sinh hoạt tại gia đình, trường học, bệnh viện ở các khu nông thôn cho tới thành phố vẫn chưa được xử lý. Thường là được đổ thẳng ra ngoài cống rãnh hoặc kênh mương, ao hồ bị thiếu hụt ô-xy khiến cho các động vật, thực vật khó tồn tại.
2. Nước thải công nghiệp: Đến từ các nhà máy, khu chế xuất hoặc sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… So với nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp có những thành phần khác nhau, do phải phụ thuộc vào ngành sản xuất của họ. Nếu như đơn vị sản xuất thực phẩm thì thành phần bên trong nước thải sẽ chứa nhiều chất hữu cơ. Nếu như đơn vị chuyên sản xuất vải, thành phần nước thải sẽ chứa nhiều hóa chất như chì, crom, thủy ngân, asen… Biết là nước thải công nghiệp hiện đại độc hại nhưng các đơn vị, cơ sở sản xuất công nghiệp, khu chế xuất vẫn chưa có bể xử lý trước khi thải ra ngoài. Điều này ảnh hưởng tới môi trường, hệ sinh thái và đặc biệt là sức khỏe của con người.
3. Nước thải y tế: Chủ yếu xuất phát từ bệnh viện ở các khu phòng phẫu thuật, thí nghiệm, nhà vệ sinh, giặt là, rửa thực phẩm… Nước thải ý tế chứa nhiều vi rút, vi rút cực kỳ nguy hiểm và có tốc độ lây lan phát triển mạnh. Các mầm bệnh khi đã cư trú tại cơ thể lại dễ bộc phát và lan thành dịch bệnh. Vì thế, nước thải từ khu truyền nhiễm, lây truyền bị coi là bỏ lỏng hiện nay.
4. Nước thải nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi): Các hoạt động trồng trọt có sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học… có thể gây ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm. Ngoài ra, trong quá trình chăn nuôi gia súc, phân - nước tiểu - thức ăn thừa của động vật, không xử lý cũng làm ảnh hưởng đến môi trường nước bị ô nhiễm.
Giải pháp
Từ góc độ nhìn nhận nguyên nhân gây ra vấn đồ ô nhiễm nguồn nước, chúng ta cần có kế hoạch để xử lý. Biện pháp khắc phục này không chỉ đến từ một cá nhân mà hơn thế còn là cả cộng đồng và các cơ quan quản lý có chức trách. Nhằm chung tay để khắc phục tình trạng ô nhiễm nước mang tới nguồn nước sạch, bảo vệ sức khỏe chính mình và những người thân yêu.
Thứ nhất: Đối với các đơn vị, ban ngành chỉ đạo phải đưa ra các đạo luật cụ thể, cứng rắn và tuân thủ đúng luật. Đối với các trường hợp vi phạm cần xử lý nghiêm minh, thẳng thắn để răn đe, làm gương cho các đối tượng khác.
Thứ hai: Đối với các đơn vị sản xuất cần nghiêm chỉnh chấp hành luật, thực hiện đúng biện pháp để xử lý nước thải công nghiệp trước khi thải ra ngoài (xây hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn). Đó chính là cách để doanh nghiệp phát triển bền vững và cũng bảo vệ chính mình.
Thứ ba: Đối với cá nhân phải thay đổi ý thức về việc bảo vệ nguồn nước. Nghiêm cấm tình trạng vứt rác bừa bãi ra đường, xuống cống rãnh hoặc sông. Hạn chế sử dụng túi nilong, thay vào đó là sử dụng túi giấy hoặc túi bảo vệ môi trường là tốt nhất.
Thứ tư: Ngoài ra, mỗi điểm cần xây dựng điểm thu gom rác thải tập trung (có thùng đựng rác và phân loại rác trước khi xử lý). Đối với những nguồn nước bị ô nhiễm trước cần tìm cách để "hồi sinh”, tái tạo lại hệ sinh thái ở xung quanh đó.
Các tin khác
Việc phát triển các nhà máy đốt rác phát điện trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, giải pháp mang lại hiệu quả về kinh tế, sản xuất năng lượng bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nhiều nước trên thế giới đã và đang có những giải pháp phòng, chống và giảm thiểu ngập úng đô thị khá hiệu quả, đó là các giải pháp kỹ thuật/công trình kết hợp với các giải pháp phi công trình …
Bảo vệ môi trường đang là một trong những yêu cầu đặc biệt quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Thành phố Hải Phòng trong những năm qua đã có những thay đổi vượt bậc về hệ thống cơ sở hạ tầng. Các khu đô thị lớn hình thành, các khu công nghiệp mở rộng nằm bao quanh thành phố đã thu hút lượng lớn lao động trong và ngoài thành phố đến làm việc sinh sống. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gia tăng tương đối lớn về rác thải sinh hoạt (bao gồm cả khối lượng và chủng loại).