Trong một thông báo mới đây, Chính phủ Trung Quốc công bố nhà máy xử lý chất thải phóng xạ thành thủy tinh của nước này chính thức đi vào hoạt động từ ngày 11/09. Nhà máy đặt trụ sở tại Quảng Nguyên, tỉnh Tứ Xuyên, thuộc khu vực Tây Nam Trung Quốc.
Sự kiện khai trương nhà máy đã giúp nước này xướng tên trong danh sách một số ít các quốc gia trên thế giới thực hiện được kỹ thuật này.
Nhà máy hoạt động như thế nào?
Xử lý chất thải là công đoạn cuối cùng và khó khăn nhất trong quá trình sử dụng năng lượng hạt nhân an toàn. Giải pháp xử lý trước đây là nghiền chất thải hạt nhân và trộn lẫn với nước, sau đó lưu trữ trong thùng chứa kim loại. Nhưng phương pháp này vẫn có độ rò rỉ phóng xạ cao, gây quan ngại về môi trường cũng như sức khỏe.
Để giải quyết thách thức này, nhà máy mới của Trung Quốc sẽ trộn và nấu chảy chất thải lỏng với vật liệu thủy tinh ở mức trên 1100 độ C, sau đó để nguội và tạo thành thủy tinh. Thủy tinh tạo ra sẽ được chôn trong kho chứa sâu hàng trăm mét dưới lòng đất, do đó các chất phóng xạ sẽ cách ly hoàn toàn với sinh quyển.
Giải pháp biến chất thải thành thủy tinh bằng cách nung nóng được đánh giá là công nghệ mang tính đột phá, đặt nền móng vững chắc cho việc sử dụng năng lượng hạt nhân an toàn trong tương lai.
Nhà máy "thủy tinh hóa" chất thải hạt nhân tại Quảng Nguyên, tỉnh Tứ Xuyên. Ảnh: Weibo
Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, ý tưởng này đã ấp ủ từ lâu, nhưng việc ứng dụng vào thực tiễn không hề dễ dàng. Khoảng một nửa trong số 10 nhà máy thủy tinh hóa thành lập trong 4 thập kỷ qua đã buộc phải đóng cửa do khó khăn về kỹ thuật hoặc tài chính.
Dự án nhà máy Quảng Nguyên được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc (CAEA) phê duyệt từ năm 2009, là kết quả của quá trình hợp tác nghiên cứu giữa kỹ sư Trung Quốc và các chuyên gia Đức. Mỗi năm, cơ sở này dự kiến có thể xử lý vài trăm mét khối chất thải hạt nhân thể lỏng có mức phóng xạ cao.
Kế hoạch phát triển nhà máy
Được biết nhà máy sẽ có vai trò quan trọng giúp Trung Quốc đối phó với lượng chất thải phóng xạ ngày càng tăng. Với tốc độ xây dựng 7-8 nhà máy điện hạt nhân mỗi năm, Trung Quốc được dự báo sẽ tạo ra lượng chất thải hạt nhân khổng lồ trong những năm tới.
Liu Yongde, Kỹ sư trưởng tại CAEA, cho biết Cơ quan này sẽ thúc đẩy tốc độ quá trình xử lý chất thải phóng xạ để hỗ trợ Trung Quốc đạt mục tiêu giảm mạnh phát thải carbon dioxide vào năm 2030 và đạt mức trung hòa trước năm 2060.
Bên trong nhà máy thủy tinh hóa hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc. Ảnh: Weibo
Cho đến nay, cách tiếp cận này của Trung Quốc để xử lý chất thải hạt nhân là phương pháp tiên tiến nhất trên thế giới. Trước đây chỉ có Mỹ, Pháp, Đức và một số nước khác làm chủ được kỹ thuật này.
Mặc dù hiện có ít nhà máy điện hạt nhân hơn so với Pháp hoặc Mỹ, song Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng áp dụng công nghệ này như một phần của nỗ lực hiện thực hóa tham vọng sử dụng năng lượng hạt nhân bền vững.
Phạm Thu Thanh
Nguồn Người Đưa Tin (South China Morning Post)