Tăng độ bền của xi-măng và bê-tông bằng tro, xỉ
- Cập nhật: Thứ hai, 13/12/2021 | 2:10:57 Chiều
Sử dụng tro, xỉ làm phụ gia sẽ giúp xi-măng và bê-tông khắc phục được hạn chế của loại vật liệu này là giòn và nhiều khi xảy ra nứt.
TS. Nguyễn Trung Thành - Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng cho biết: Vật liệu xi măng hiện đại có thể phát triển cường độ rất nhanh trong thời gian 14 ngày, thậm chí 7 ngày và nhanh hơn nữa, cho thấy phản ứng thủy hóa diễn ra khá nhanh trong thời gian đầu, đây cũng là một trong những nguyên nhân dễ gây ra nứt bê tông. Nhiều công trình, đặc biệt là công trình bê tông khối lớn mặc dù có cốt thép vẫn xảy ra nứt. Tuy nhiên, trong vài chục năm trở lại đây, sự phát triển của ngành xi măng và công nghiệp bê tông thế giới có những bước dịch chuyển lớn, đã giảm bớt tốc độ đóng rắn nhanh trong thời gian đầu của xi măng khi sử dụng một số phụ gia khoáng hoạt tính với hàm lượng nhất định.
Một trong những loại phụ gia khoáng được sử dụng rộng rãi gần đây là các loại tro bay và xỉ lò cao nghiền mịn. Sự xuất hiện của 2 loại phụ gia khoáng này đã làm cho ngành công nghiệp bê tông và xi măng của thế giới thích ứng tốt hơn với rất nhiều công trình xây dựng ở môi trường khắc nghiệt, đặc biệt là môi trường biển đảo, xâm thực… Các hạt phụ gia khoáng có tốc độ thủy hóa không nhanh như các hạt xi măng, làm cho cường độ bê tông phát triển chậm lại và làm cho sự ổn định của cấu trúc thủy hóa của xi măng trong thời gian đầu diễn ra ở mức độ có thể kiểm soát được.
Các nước trên thế giới đã sử dụng tro bay, xỉ lò cao từ những năm 1940, 1950. Tại Việt Nam những năm gần đây quan tâm sử dụng nhiều hơn tro bay, xỉ lò cao khi nguồn tro bay của các nhà máy nhiệt điện than và nguồn xỉ lò cao của các nhà máy sản xuất thép ngày một tăng.
Những kết quả trên đã được nhắc đến trong Hội thảo "Sử dụng tro, xỉ trong xi-măng và bê-tông để tăng độ bền, giảm nứt” do Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng tổ chức ngày 11/12/2021. Theo các đại biểu tham dự hội thảo: Việc sử dụng tro bay và xỉ lò cao vào sản xuất xi-măng, bê-tông mang lại lợi ích kép, một mặt giúp cho việc xử lý nứt bê-tông, tăng độ bền của bê tông, đặc biệt là bê-tông trong môi trường biển, môi trường xâm thực. Đối với vấn đề môi trường, Chính phủ và các Bộ ngành như Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Công thương cũng đang triển khai nhiều Chương trình, dự án để xử lý chất thải cũng như hạn chế mặt trái của các ngành công nghiệp nhiệt điện than, sản xuất thép.
Được biết, ngày 10/12/2021 vừa qua, Viện Vật liệu xây dựng ban hành 2 Chỉ dẫn kỹ thuật về "Sử dụng xỉ hạt lò cao nghiền mịn làm phụ gia khoáng cho bê-tông” và "Sử dụng tro bay và cát nghiền, cát biển cho chế tạo bê-tông”. TS. Nguyễn Trung Thành kỳ vọng, 2 chỉ dẫn này ra mắt kịp thời, phục vụ đông đảo cộng đồng những người hoạt động chuyên môn trong các lĩnh vực liên quan đến xi-măng và bê-tông, góp phần nâng cao hiệu quả thực tiễn trong các công trình xây dựng. Trong thời gian tới, VIBM sẽ ban hành nhiều Chỉ dẫn kỹ thuật trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.
Như Huy
Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam
Các tin khác
Vietwater 2024 không chỉ quy tụ hơn 450 nhà triển lãm hàng đầu đến từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, mà còn thu hút hơn 10.000 khách tham quan thương mại chuyên ngành.
Tên Yagi, được sử dụng để đặt cho năm cơn bão nhiệt đới ở Tây Bắc Thái Bình Dương và Nhật Bản, có nguồn gốc từ tiếng Nhật, nghĩa là “con dê” hoặc “chòm sao Ma Kết”.
Sự gia tăng nhiệt độ khiến lượng carbon thải ra từ đất tăng từ 7% đến 17% tùy mức độ ấm lên. Hiện tượng này là do các vi sinh vật trong đất hô hấp và chuyển hóa carbon thành CO2.
Tiên phong ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và công nghệ hàng đầu, Châu Âu Nam (AMACCAO) ghi dấu ấn với loạt giải pháp vật liệu, sản phẩm mới, đáp ứng xu thế phát triển ngành xây dựng, mở ra lời giải cho bài toán xây dựng bền vững, tiết kiệm.