Côn trùng biến mất do biến đổi khí hậu khiến mùa màng tại Đông Nam Á thất thu

  • Cập nhật: Thứ bảy, 21/10/2023 | 9:14:03 Sáng

Việc mất đi các loài côn trùng thụ phấn thiết yếu do khí hậu thay đổi có thể khiến loài người đối mặt với những nguy cơ khó lường.

Việc mất đi các loài côn trùng thụ phấn thiết yếu do khí hậu thay đổi có thể khiến loài người đối mặt với những nguy cơ khó lường.

Một nghiên cứu mới trên tạp chí Science Advances tiết lộ, "số phận" nhiều loại cây trồng khác nhau như cà phê, ca cao, dưa hấu và xoài đang bị đe dọa bởi các loài thụ phấn đang bị suy giảm, đặc biệt là ở vùng nhiệt đới, do biến đổi khí hậu và thay đổi sử dụng đất nông nghiệp.


Không có côn trùng, thế giới sẽ tẻ nhạt
 
Mô phỏng của các nhà nghiên cứu cho thấy các khu vực sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do mất đi loài thụ phấn này bao gồm châu Phi cận Sahara, phía bắc Nam Mỹ và Đông Nam Á, nơi cây cà phê và ca cao được trồng chủ yếu.

Các nhà khoa học đã xem xét hàng ngàn loài và các địa điểm. Họ nhận thấy khi nhiệt độ ấm lên vượt quá phạm vi bình thường kết hợp với môi trường sống của thực vật có hoa bị thu hẹp, số lượng côn trùng thụ phấn cho những cây đó giảm mạnh 61%.

Theo nhà côn trùng học Douglas Tallamy của Đại học Delaware (không tham gia trong công trình nghiên cứu), điều làm cho nghiên cứu này trở nên đặc biệt là nó tập trung vào vùng nhiệt đới mà các nghiên cứu về côn trùng khác chưa có.

Tim Newbold, nhà nghiên cứu chính về di truyền, tiến hóa và môi trường tại Đại học College London, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết, côn trùng thụ phấn ở vùng nhiệt đới có thể bị ảnh hưởng nặng nề hơn những nơi khác. Lý do là vì côn trùng ở đây chịu gần giới hạn nhiệt độ, còn côn trùng ở vùng ôn đới thích nghi hơn với sự thay đổi nhiệt độ lớn do nhiệt độ vùng ôn đới vẫn ở ngưỡng an toàn hơn.

Tác giả chính của nghiên cứu Joe Millard, nhà sinh thái học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London, cho biết mất môi trường sống là nguyên nhân chính khiến số lượng loài thụ phấn bị thu hẹp do nguồn thức ăn ít đi; thêm vào đó là biến đổi khí hậu, ký sinh trùng, dịch bệnh và thuốc trừ sâu ngày càng trầm trọng hơn. Và trong khi tất cả các loài côn trùng đều gặp rắc rối thì các loài thụ phấn lại gặp vấn đề tồi tệ hơn ở nhiệt độ ấm hơn và các nhà khoa học vẫn đang cố gắng lý giải.

Cả Millard và Newbold cho biết, có thể là do cơ thể và chân chúng có nhiều lông hơn để giúp vận chuyển phấn hoa nên việc trao đổi nhiệt kém hơn. Newbold so sánh: "Nó giống như việc bạn bị buộc phải mặc một chiếc áo khoác lông to và trời đang trở nên nóng bức”.

Tim Newbold cho biết: "Chúng tôi đã điều tra sự thay đổi của số lượng loài thụ phấn trong nông nghiệp và biến đổi khí hậu. Sau đó, chúng tôi so sánh những nơi mà chúng tôi ước tính sự sụt giảm lớn về số lượng loài thụ phấn với nơi chúng tôi trồng các loại cây cần động vật thụ phấn. Từ đó, chúng tôi ước tính những nơi có thể nguy cơ đối với việc sản xuất các loại cây trồng này. Kết quả cho thấy rằng những khu vực dự kiến trồng cà phê và ca cao sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Nếu những loại cây trồng này ngày càng trở nên khan hiếm do biến đổi khí hậu, chúng có thể ngày càng đắt đỏ nếu cầu vượt quá cung. Từ đó, Newbold đánh giá: "Thật khó để quy bất kỳ thay đổi nào về giá cà phê/ca cao mà chúng tôi đã thấy là do tổn thất thụ phấn so với các yếu tố khác, chẳng hạn như ảnh hưởng của thời tiết/biến đổi khí hậu hoặc ảnh hưởng từ các yếu tố thị trường. Tuy nhiên, nếu trong tương lai, chúng ta mất đi các loài thụ phấn, thì như kết quả thể hiện, chúng ta sẽ chứng kiến giá các loại cây trồng như cà phê và ca cao sẽ tăng".

Siobhan Madeson, nhà nghiên cứu về địa lý tại Đại học Cardiff nhận định: "Sự suy giảm của các loài thụ phấn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh lương thực và dinh dưỡng”.

Bà Medeson phân tích: "Con người sẽ không chết đói trong bối cảnh các loài thụ phấn suy giảm vì hầu hết các nguồn cung cấp calo chính của thế giới đều không phụ thuộc vào các loài thụ phấn, ví dụ như lúa mì, ngô và gạo. Thế nhưng, hầu hết các loại cây trồng chủ chốt có giá trị kinh tế cho các nhà sản xuất và có vai trò dinh dưỡng quan trọng đối với người dùng trên toàn thế giới, lại đều phụ thuộc vào loài thụ phấn. Chúng gồm nhiều loại trái cây, rau, quả hạch, gia vị và cà phê".

Bà Madeson cho biết thêm: "Cũng có những thách thức cộng sinh đe dọa cây trồng toàn cầu, vì biến đổi khí hậu là mối đe dọa đối với các loài thụ phấn và cũng liên quan đến việc gia tăng sâu bệnh gây thiệt hại cho cây trồng. Sản xuất thực phẩm công nghiệp ngày càng phụ thuộc vào sự thụ phấn có kiểm soát. Tuy nhiên, điều này rất rủi ro, do số lượng loài thụ phấn đang ngày càng giảm".

Các nhà nghiên cứu đang hy vọng tìm ra cách bảo vệ các loài thụ phấn khỏi biến đổi khí hậu và tác động của nền nông nghiệp hiện đại nhằm bảo tồn các loại cây trồng hữu ích. Bà Madeson khuyến cáo: "Để giúp các loài thụ phấn, cần có một số thay đổi quan trọng: đảm bảo môi trường sống lành mạnh, đa dạng cho loài thụ phấn; kết hợp các biện pháp bảo vệ đa dạng sinh thái vào sản xuất lương thực, chẳng hạn như trồng trọt hỗn hợp và khuyến khích sản xuất quy mô nhỏ đa dạng, gắn liền với việc tăng cường sản xuất".

Bà Madeson cho biết nạn phá rừng nhiệt đới cũng là một nguy cơ nghiêm trọng đối với các loài thụ phấn và cây cà phê cũng như các loại cây trồng nhiệt đới khác. Do vậy, việc bảo vệ đa dạng sinh thái có liên quan chặt chẽ đến sự toàn vẹn của hoạt động thụ phấn trong tự nhiên.

Cuối cùng, nhà nghiên cứu về địa lý tại Đại học Cardiff kết luận: "Một điều không kém phần quan trọng là mọi người nên làm mọi thứ trong khả năng của mình để ngăn chặn biến đổi khí hậu. Đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hệ thống lương thực của chúng ta, do tác động của chính nó và khi nó kết hợp với những thách thức khác đối với nguồn cung cấp thực phẩm, chẳng hạn như sự suy giảm côn trùng thụ phấn".

Theo Anh Tú / Một thế giới
  •  
Các tin khác

Vietwater 2024 không chỉ quy tụ hơn 450 nhà triển lãm hàng đầu đến từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, mà còn thu hút hơn 10.000 khách tham quan thương mại chuyên ngành.

Tên Yagi, được sử dụng để đặt cho năm cơn bão nhiệt đới ở Tây Bắc Thái Bình Dương và Nhật Bản, có nguồn gốc từ tiếng Nhật, nghĩa là “con dê” hoặc “chòm sao Ma Kết”.

Sự gia tăng nhiệt độ khiến lượng carbon thải ra từ đất tăng từ 7% đến 17% tùy mức độ ấm lên. Hiện tượng này là do các vi sinh vật trong đất hô hấp và chuyển hóa carbon thành CO2.

Sản phẩm cấu kiện bê tông thương hiệu AMACCAO

Tiên phong ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và công nghệ hàng đầu, Châu Âu Nam (AMACCAO) ghi dấu ấn với loạt giải pháp vật liệu, sản phẩm mới, đáp ứng xu thế phát triển ngành xây dựng, mở ra lời giải cho bài toán xây dựng bền vững, tiết kiệm.