Hội thảo được tổ chức tại Hội trường chính Nhà máy xe lửa Gia Lâm – Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 bởi Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội và Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam phối hợp cùng UN – Habitat, UBND Quận Ba Đình, UBND quận Hoàn Kiếm, UBND quận Long Biên, UBND quận Tây Hồ.
Bãi giữa Sông Hồng sẽ được phát triển thành công viên văn hóa đa năng. Ảnh: ITN
Hội thảo quy tụ các chuyên gia quốc tế và các lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, kinh tế và xã hội cùng chia sẻ những góc nhìn về lợi thế, tiềm năng cũng như thách thức và cơ hội khi xây dựng công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng, hướng tới việc khai thác hiệu quả quỹ đất, cải thiện cảnh quan, vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng, phù hợp với định hướng về tổ chức không gian cảnh quan của Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.
Tại hội thảo, những bài học kinh nghiệm của thế giới và trong khu vực sẽ được giới chuyên môn chia sẻ, từ đó đề xuất những giải pháp khai thác tốt các giá trị văn hóa, lồng ghép với kiến trúc sinh khí hậu, tạo ra dấu ấn bản sắc riêng cho sông Hồng và Hà Nội.
Đây cũng là cơ hội khơi gợi các ý tưởng sáng tạo của các nhà đầu tư, các statrup khởi nghiệp, góp phần xây dựng các hình mẫu không gian phát huy, phát triển các giá trị văn hoá - lịch sử, các mô hình hoạt động sáng tạo toàn diện không chỉ cho Hà Nội mà còn cho cả nước.
Nội dung chương trình sẽ gồm 2 phần:
Phần 1: Thực trạng và định hướng phát triển khu vực bãi giữa và bãi nổi sông Hồng.
Phần 2: Xây dựng công viên Văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng: Kinh nghiệm thế giới và thực nghiệm ở Việt Nam.
Khu vực bãi bồi ven sông Hồng trên địa bàn quận Long Biên thuộc 2 phường Chương Dương, Phúc Tân, có tổng diện tích dao động trong khoảng 15 - 18ha, với chiều dài bờ sông khoảng 3,8km.
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ quận Hoàn Kiếm khóa XXVI đã xây dựng chương trình về cải tạo, chỉnh trang phát triển đô thị quận và đề án phát triển bãi giữa, bãi bồi ven sông trên địa bàn quận thành công viên văn hóa và du lịch.
Theo đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, TP Hà Nội đã nghiên cứu quy hoạch 8 bãi sông Hồng. Trong đó, 6 khu vực được nghiên cứu xây dựng mới với tỷ lệ 5% (khoảng 1.590 ha) gồm: Thượng Cát - Liên Mạc, Hoàng Mai - Thanh Trì, Chu Phan - Tráng Việt, Đông Dư - Bát Tràng, Kim Lan - Văn Đức. Riêng khu vực Tàm Xá - Xuân Canh được nghiên cứu xây dựng mới với tỷ lệ 15% (khoảng 408 ha).
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/Ttg ngày 26/07/2011 đã xác định sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của Thủ đô. Trong đó cũng đề ra những định hướng cơ bản cho quy hoạch đô thị sông Hồng như: Đảm bảo hành lang, tuyến thoát lũ, bền vững đê điều được duyệt; xây dựng hệ thống công viên, cây xanh cảnh quan, công trình văn hóa, vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch và các tiện ích đô thị; đồng thời, cải tạo khu dân cư hiện hữu, đảm bảo chất lượng sống khu dân cư hai bên sông, di dời các khu nhà ở không an toàn và kém chất lượng và bên ngoài hành lang sông; tạo trục không gian văn hóa, cảnh quan sinh thái Hồ Tây – Cổ Loa; xây dựng các tuyến đường cảnh quan dành cho người đi bộ và xe đạp…
TÙNG LÂM