Tòa tháp Taipei 101 hay còn được gọi là tòa tháp Đài Bắc 101, nằm ở quận Xinyi, Đài Bắc, Đài Loan
Đài Loan (Trung Quốc) thường được biết đến với những địa điểm du lịch nổi tiếng, những món ăn đường phố vô cùng hấp dẫn hay những khu chợ đêm đầy nét đẹp văn hóa. Bên cạnh những cảnh quan và nét đẹp văn hóa lâu đời, Đài Loan còn là một trong những nền kinh tế phát triển tại Châu Á với các ngành công nghiệp điện tử, dệt may, y tế…
Thành phố Đài Bắc- Mùa hoa Anh đào nở tuyệt đẹp
Đài Loan có diện tính khoảng 35.804 km2, dân số khoảng 23.937.555 người. Sự phát triển kinh tế nhanh chóng cũng mang lại những thách thức khác nhau cho Đài Loan trong đó có môi trường, đặc biệt là về vấn đề ô nhiễm và quản lý rác thải.
Về quản lý chất thải rắn (CTR), trước năm 1984, chính quyền và người dân chưa thực hiện quản lý CTR đô thị, hầu hết người dân đổ rác vào những địa điểm gần khu vực sinh sống.
Vào gần những năm 1990, nền kinh tế Đài Loan đã phát triển một cách nhanh chóng, giúp nâng cao đời sống của người dân một cách rõ rệt và khiến cho mức độ chi tiêu và sử dụng hàng hoá tăng cao, dẫn đến số lượng lượng rác thải cũng tăng theo nhưng tốc độ xử lý và thu gom rác lại không theo kịp khiến cho số lượng rác thải vô cùng lớn.
Vì vậy thời điểm đó Đài Loan được mọi người gọi với cái tên là " đảo rác”. Số lượng rác thải quá nhiều đã gây ra những cảnh quan xấu xí và mùi hôi khắp nơi. Nhiều bãi rác đã bị quá tải và gây ra các vụ cháy, nguồn nước cũng bị ô nhiễm do rò rỉ các chất thải nguy hiểm gây ảnh hưởng đến điều kiện sức khoẻ của người dân, những loại động vật cũng bị đe dọa do mất môi trường sống.
Thấy được những hậu quả từ rác thải cũng như tình trạng ngày càng khẩn cấp, Chính quyền Đài Loan đã có những giải pháp để giải quyết triệt để các vấn đề về rác thải. Các luật về tái chế và xử lý rác thải được chính phủ ban hành, người dân phải biết phân loại rác trước khi đổ, rác được phân loại thành các loại khác nhau như rác tái chế, rác hữu cơ, rác không tái chế và rác nguy hại.
Năm 1991, thay vì xử lý rác thải bằng cách chôn lấp, Đài Loan đã xử lý rác và các chất thải rắn bằng lò đốt và tận dụng những nguồn rác này thành năng lượng để cung cấp cho các nhà máy điện năng khiến cho việc xử lý rác thải được tối ưu hoá. Chính quyền Đài Loan đã triển khai những kế hoạch tái chế và xử lý rác cũng như những quy định vô cùng nghiêm ngặt đối với việc phân loại và đổ rác.
Đài Loan cũng khuyến khích người dân thu gom, phân loại rác từ gốc. Người dân phải phân rác thải thành 3 loại là rác thường (có thể bị phân hủy), rác có thể tái chế (giấy vụn, báo cũ, chai nhựa, lọ thủy tinh...) và rác thải nhà bếp (thức ăn thừa, đồ ăn quá hạn…).
Rác được người dân phân loại bọc rất cẩn thận
Thậm chí, thành phố Đài Bắc còn phân loại thêm rác thô (dùng cho phân bón) và rác thực phẩm đã qua chế biến (dùng làm thức ăn cho lợn). Hộp cơm nếu còn dầu mỡ phải dùng nước rửa chén rửa sạch, sau đó để khô rồi mới được bỏ vào túi rác.
Danh mục rác tái chế ở Đài Loan có đến 14 loại từ giấy, nhựa, thủy tinh, kim loại, đến pin, bóng đèn, băng đĩa, xe máy, đồ điện máy, linh kiện điện thoại, linh kiện máy tính... với những quy định "hướng dẫn chuẩn bị trước khi bỏ" rất chi tiết, cụ thể.
Việc thu gom, rác thải được các hộ gia đình phân loại thành các loại riêng, nếu không đúng, đơn vị làm công tác vệ sinh môi trường sẽ từ chối thu gom
Người dân Đài Loan rất có ý thức trong việc phân loại rác thải. Ảnh TL
Xe rác thường có dòng chữ "Không phân loại rác, không được vứt rác". Khi xe rác đến, túi rác tái chế sẽ được đưa tận tay cho nhân viên vệ sinh, rác không tái chế có thể trực tiếp vào xe, còn xô thức ăn thừa thì đổ vào thùng đựng rác nhà bếp phía sau xe rác.
Các thùng phân loại rác ở Đài Loan. TL
Người dân có thể tra cứu xem xe chở rác đang ở vị trí nào qua ứng dụng trên smartphone. Nhiều khu vực dân cư tại Đài Loan đã lắp camera nhằm đảm bảo các hộ dân thực hiện đúng quy trình phân loại rác thải. Những người vi phạm lần đầu sẽ 11 được nhắc nhở bằng thông báo, nếu tái diễn thì họ sẽ bị phạt. Chính phủ cũng khuyến khích người dân tố cáo khi tặng 50% phí phạt cho người tố giác.
Đối với việc xử lý rác thải, từ năm 1991, Đài Loan đã áp dụng xử lý chất thải rắn bằng lò đốt rác thay cho phương thức chôn lấp. Hiện có 26 lò đốt rác (5 lò của tư nhân, 1 lò của nhà nước) xử lý rác gia đình và rác công nghiệp. Những lò đốt này biến rác thành năng lượng và cung cấp cho các nhà máy điện năng.
Nhà máy đốt rác phát điện Bắc Đầu (Đài Bắc) với công suất 1.500 tấn/ngày/đêm
Rác thái hữu cơ như khoai đậu, rau cải chưa nấu chín... sẽ được thu gom và xử lý thành phân bón vi sinh. Cơm thừa, canh cặn, xương vụn, thịt dư hoặc đồ ăn quá hạn phải bỏ đi đều được trộn đều, nấu nhừ, sát khuẩn trước khi bán cho các hộ gia đình và công ty chăn nuôi.
Một yếu tố nữa góp phần làm nên thành công của ngành tái chế rác tại Đài Loan là sự tài trợ của những nhà sản xuất hoặc kinh doanh sản phẩm tái chế, như các công ty nước ngọt có sử dụng nguyên liệu nhựa tái chế PET để đóng chai. Nguồn tài chính từ tài trợ này cũng góp phần trợ cấp cho những người bị ảnh hưởng từ ngành tái chế rác thải, như người nhặt rác rong hay những hộ gia đình lấy thức ăn thừa để chăn nuôi lợn.
Chất thải sau khi được tái chế thành vật liệu xây dựng
Năm 2017, hơn 10 năm sau khi Chính quyền Đài Loan bắt buộc thu gom chất thải sinh hoạt riêng, chưa đến 19% trong số 3 triệu tấn chất thải thực phẩm được EPA báo cáo đã được tái chế thành phân trộn và thức ăn cho lợn.
Với công nghệ phân hủy kỵ khí phù hợp, chất thải thực phẩm Đài Loan tạo ra khoảng 33 Gigawatt giờ điện mỗi năm, chiếm 1,2% tổng sản lượng điện của Đài Loan năm 2016. Chi phí cho mỗi kilowatt giờ thấp hơn so với điện năng từ gió và chi phí lắp đặt rẻ hơn cả năng lượng gió và mặt trời. Thời gian hoàn vốn ngắn, từ ba đến sáu năm.
Rác đem đến nhà máy đốt rác phát điện là rác khô, đã được phân loại
Không còn bãi rác bốc mùi hay núi rác chất đống lâu ngày ở nơi tập kết… Thay vào đó là những tuyến phố có nhiều cây xanh, các tuyến giao thông công cộng như xe bus, xe bus 2 tầng và tàu điện ngầm được người dân sử dụng khá phổ biến vì sự tiện lợi lại giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trườnglà hình ảnh thường thấy ở Đài Loan hiện nay.
Điều khiến cho nhiều người lần đầu khi đến Đài Loan cảm thấy bất ngờ và thú vị khi nghe thấy âm thanh được phát ra từ những chiếc xe rác. Các xe thu gom rác tại Đài Loan sử dụng âm thanh với những bản nhạc cổ điển để nhắc nhở mọi người đổ rác và nổi tiếng nhất có thể kể đến là bản nhạc "Thư gửi Elise" (Für Elise) của Beethoven.
Điều này đã tạo một nét đặc biệt trong văn hóa đời sống của người dân Đài Loan và hơn hết là tạo nên một thói quen, khi nghe những âm thanh này người dân sẽ biết là xe rác sắp đến và chuẩn bị mang rác ra ngoài.
Các xe rác tại Đài Loan sử dụng âm thanh với những bản nhạc cổ điển để nhắc nhở mọi người đổ rác
Ngày nay, vấn đề về xử lý rác thải và bảo vệ môi trường luôn là vấn đề mà các Chính quyền Đài Loan quan tâm và ưu tiên, các chính sách về hạn chế sử dụng túi nilong hoặc các dụng cụ ăn dùng một lần ngày càng nhiều. Chính quyền Đài Loan đã đưa các luật về việc hạn chế và cấm các sản phẩm dùng một lần hay các ly nhựa, ống hút nhựa tại các cửa hàng trà sữa và chuyển sang các sản phẩm thân thiện với môi trường như giấy hoặc gạo…
Những quy định nghiêm ngặt này đã mang lại những kết quả tích cực và thể hiện rõ nhất đó là hình ảnh một Đài Loan vô cùng xanh, sạch và đẹp. Hơn hết giúp người dân nâng cao ý thức và xây dựng một lối sống văn minh, biết bảo vệ môi trường sống xung quanh.
Nhờ những nổ lực không ngừng, Đài Loan đã thay đổi diện mạo của mình từ một "đảo rác" thành một nơi với một môi trường vô cùng sạch đẹp và bền vững. Các chiến lược đúng đắn và quản lý hiệu quả, Đài Loan cũng trở thành một ví dụ điển hình trong việc giải quyết các vấn đề rác thải, cho thế giới thấy bằng sự cam kết và hợp tác của chính quyền và xã hội, con người có thể tạo ra những thay đổi tích cực cho môi trường và cuộc sống.
Một số hình ảnh Đoàn VURIEA thăm quan và làm việc với nhà máy đốt rác phát điện Bắc Đầu, Thành phố Đài Bắc, Đài Loan ngày 19/3/2024:
----------------------------------------------
Một số dấu mốc nổi bật trong công tác quản lý chất thải tại Đài Loan
Trong suốt gần 2 thập kỷ, quản lý CTR ở Đài Loan có thể chia làm 4 giai đoạn chính: Từ năm 1981 - 1989: Người dân có thể thải bỏ, chôn lấp tại bất kỳ địa điểm nào; Từ năm 1990 - 1997: Cơ quan BVMT Đài Loan (EPA) thông báo tới người dân và các nhà máy thực hiện phân loại rác thải; Từ năm 1998 - 2002: Tổ chức các nhóm phân loại, lập quỹ tái chế được quản lý bởi Chính phủ; Từ năm 2003 - 2020: Không rác thải rắn đô thị.
Năm 1998, Luật Tái chế chất thải được ban hành và Cơ quan BVMT Đài Loan (EPA) đã triển khai Chương trình tái chế tại nguồn (4 trong 1), trong đó có 4 thành phần tham gia trong 1 chương trình bao gồm: Thực hiện tái chế bằng cách tích hợp các yếu tố cộng đồng dân cư, thiết lập các tổ chức tái chế dựa vào cộng đồng dân cư; Các công ty tái chế thu gom và tái chế các loại rác thải; Chính quyền địa phương phân chia và hướng dẫn loại rác thải tái chế, sau đó, thu thập và gửi tới công ty tái chế; Quỹ tái chế nhằm thực hiện tái chế và giảm thiểu rác thải. Chương trình thực hiện đã tăng được tỷ lệ tái chế chất thải trên toàn lãnh thổ.
Năm 2001, Chính quyền Đài Loan quyết định thực hiện Chương trình khuyến khích tái chế rác thải nhà bếp. Rác thải nhà bếp được thực hiện phân thành 2 nguồn: Rác thải có thể sử dụng làm thức ăn cho gia súc; Rác thải được thu gom để sản xuất phân vi sinh.
Giai đoạn đầu của Chương trình được thực hiện tại 7 thành phố và 10 tỉnh. Đài Loan - quốc gia đi đầu trong việc quản lý CTR
Năm 2002, sau khi thực hiện thành công Chương trình tái chế rác thải tập trung vào rác thải nhà bếp, EPA đã bước đầu thực hiện đạo luật về tái chế, tái sử dụng tại nguồn các loại rác thải như: Túi nilông, các loại cốc, đĩa, thìa, đũa dùng 1 lần. Sau 4 năm thực hiện và áp dụng Chương trình, đến tháng 7/2006, EPA yêu cầu các cơ quan Chính phủ ngừng sử dụng đồ dùng một lần và đến tháng 9/2006 lệnh cấm này được thực hiện trên toàn bộ các trường học. Từ tháng 7/2007, cốc giấy không được phép sử dụng trong các cơ quan chính phủ và trường học.
Tháng 7/2008 chuỗi cửa hàng đã ngừng sử dụng, cung cấp các loại đũa, thìa, cốc… sử dụng 1 lần. Gần đây nhất, trong nỗ lực nhằm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, tiến tới năm 2030 sẽ loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng nhựa và thay bằng những sản phẩm có thể tái sử dụng và phân hủy được.
Từ ngày 1/7/2019, chính quyền Đài Loan cấm các cơ quan chính quyền, trường học, khu mua sắm, cửa hàng bách hóa, chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh cung cấp ống hút nhựa cho khách hàng. Những cơ sở này, nếu bị phát hiện cung cấp ống hút cho khách hàng, sẽ bị cảnh báo ở lần vi phạm đầu tiên. Nếu tái phạm, họ sẽ bị phạt từ 1.200 - 6.000 Đài tệ (39 - 190 đô la Mỹ).
Ủng hộ quy định cấm này, chuỗi nhà hàng McDonald’s bắt đầu chấm dứt sử dụng ống hút nhựa ở Đài Loan. McDonald’s cũng giới thiệu nắp đậy mới của các hộp đựng đồ uống, cho phép người tiêu dùng uống trực tiếp, không cần ống hút. Nếu khách hàng vẫn muốn ống hút, các nhà hàng McDonald’s sẽ cung cấp ống hút giấy.
Chuỗi nhà hàng KFC cũng đã ngừng cung cấp ống hút nhựa ở các nhà hàng tại Đài Loan. Các khách hàng là người già, trẻ em và người tàn tật có thể yêu cầu cung cấp ống hút giấy hoặc mua một ống hút kim loại có thể sử dụng nhiều lần với giá 99 Đài tệ (3 đô la Mỹ).
THANH LOAN - PHƯƠNG LINH