Nhà vệ sinh… trong suốt
Nhìn từ bên ngoài, khi không có người dùng, những nhà vệ sinh này hoàn toàn trong suốt với thiết kế cửa kính bao quanh. Tuy nhiên, khi có người sử dụng (bước vào và đóng cửa), hệ thống sẽ ngay lập tức kích hoạt lớp phủ kín đáo. Vào ban đêm, hệ thống sẽ có thêm tính năng phát sáng.
Hệ thống này gọi là "Kính thông minh” (smart glass), là thiết kế độc đáo của KTS. Shigeru Ban nhằm giải quyết hai vấn đề quan trọng nhất của toilet công cộng - sạch sẽ và riêng tư. Một nhà vệ sinh trong suốt toàn cửa kính sẽ "phơi bày” thực trạng bên trong, buộc người dùng phải có ý thức giữ gìn vệ sinh chung sau khi sử dụng và người dọn dẹp cũng không thể làm hời hợt. Tính năng kín-hở của toilet cũng báo cho người có nhu cầu sử dụng biết có người bên trong hay không.
Về mặt thẩm mỹ, những nhà vệ sinh này có màu sắc hết sức hài hòa nổi bật, từ xa không khác gì những biển hiệu quảng cáo cỡ lớn.
Thiết kế độc đáo nhằm giải quyết hai vấn đề quan trọng nhất của toilet công cộng là sự sạch sẽ và tính riêng tư
Những thiết kế đậm nét văn hóa Nhật Bản
Lấy cảm hứng từ nghệ thuật gói quà Origata, nữ KTS Nao Tamura đã thiết kế ra nhà vệ sinh "gấp” độc đáo. Toàn bộ cấu trúc và mặt ngoài của thiết kế được dựng từ các tấm thép, mô phỏng các nếp gấp và sơn màu đỏ đậm. Theo Nao Tamura, màu đỏ tạo ra sự nổi bật cho thiết kế, các nếp gấp bên ngoài mỗi phòng tạo không gian riêng tư và an toàn cho người dùng, đặc biệt là phụ nữ.
Toilet lấy cảm hứng từ nghệ thuật gói quà Origata
Một nhà vệ sinh khác không kém phần độc đáo là công trình Kawaya đặt ở công viên Ebisu. Công trình này lấy cảm hứng từ những căn chòi thời kỳ Jomon (thời đồ đá ở Nhật), được xây đơn giản từ đất và gỗ. Kawaya được hiện đại hóa với 15 bức tường bê tông dày, bề mặt mô phỏng theo những tấm gỗ, và cách âm hiệu quả.
Toilet bằng bê tông mô phỏng những bức tường đá thời cổ xưa
Nếu toilet được xây ở một nơi nhiều cây thì nên tận dụng cảnh quan đó thế nào? Tadao Ando, Fumihiko Maki và Shigeru Ban đã sử dụng chất liệu kính mài mờ (frosted glass) màu xanh làm khung ngoài và khung cửa sổ cho một toilet công cộng. Người dùng có thể thấy bóng cây in lên cửa kính, cảm giác như bước vào một khu rừng và thực hiện nghi lễ Shinrin-yoku (tắm rừng) vậy.
Toilet tận dụng cây cối xung quanh biến không gian bên trong thành một khu rừng
Các kiến trúc sư tham gia trong dự án này cho biết, những thiết kế của họ nhằm tạo ra một không gian công cộng văn minh, giảm bớt định kiến của mọi người về nhà vệ sinh công cộng, như bẩn thỉu, bốc mùi, dễ lây bệnh… Không chỉ sạch đẹp, những nhà vệ sinh này còn thân thiện với mọi tầng lớp người sử dụng, bất kể là giới tính hay tình trạng thân thể (luôn có phòng dành cho người khuyết tật). Đây là một định hướng rất nhân văn và có ý nghĩa trong việc nâng cao hình ảnh của thành phố dịp thế vận hội Olympics và bối cảnh dịch bệnh toàn cầu.
Một số công trình khác nằm trong dự án The Tokyo Toilet nhằm xóa bỏ định kiến của người dùng về nhà vệ sinh công cộng
Lộc Liên
Nguồn Tiền Phong (Nippon, Archdaily)