Lập bản đồ tài nguyên nước toàn lãnh thổ Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ ba, 9/11/2021 | 8:41:57 Sáng

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang xây dựng và hoàn thiện Đề án: "Điều tra, đánh giá, lập bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1:100.000 lãnh thổ Việt Nam".

Mục tiêu trọng tâm là thành lập được bộ bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1:100.000 và hệ thống lưu trữ, quản lý thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước trên nền tảng số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh.

Một góc sông nước Đồng bằng sông Cửu long
Một góc sông nước Đồng bằng sông Cửu long

Yêu cầu lập bản đồ tài nguyên nước trên toàn quốc phải đảm bảo áp dụng chuyển đổi số, đồng bộ về thông tin, số liệu; bao quát thống nhất về phạm vi phân chia các nguồn nước trên các vùng lãnh thổ và phản ánh đúng hiện trạng nguồn nước trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, thiết lập được hệ thống lưu trữ, quản lý thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu tài nguyên nước với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, phục vụ quy hoạch, quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp, toàn diện và hiệu quả cao nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia cho trước mắt và lâu dài, góp phần phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh trước diễn biến của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sự suy giảm nguồn nước.

Phạm vi thực hiện của Đề án bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên lãnh thổ Việt Nam. Đối với tài nguyên nước mặt: là các sông, suối, kênh, rạch, hồ, đầm, phá, công trình khai thác sử dụng nước mặt trên các lưu vực thuộc lãnh thổ Việt Nam; đối với tài nguyên nước dưới đất: là các thành tạo chứa nước trên toàn bộ diện tích tự nhiên thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Đề án tập trung vào 5 nội dung trọng tâm là xây dựng bộ công cụ hỗ trợ tác nghiệp số trong công tác điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên nước; công cụ thu thập, thu nhận, chuẩn hóa, tích hợp, lưu trữ, khai thác thông tin dữ liệu.

Thu thập, tổng hợp, chuẩn hóa thông tin, dữ liệu tài nguyên nước và xây dựng hệ thống lưu trữ thông tin phục vụ khai thác dữ liệu số về tài nguyên nước. Điều tra, khảo sát, đo đạc bổ sung; phân tích, đánh giá tài nguyên nước và khả năng đáp ứng nguồn nước cho các mục đích phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. Biên tập, xây dựng và hoàn thiện bộ bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1:100.000 lãnh thổ Việt Nam. Tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá, lập bản đồ tài nguyên nước của Đề án; kết nối, tích hợp, trao đổi thông tin, dữ liệu tài nguyên nước với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Sản phẩm của Đề án bao gồm: Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện Đề án "Điều tra, đánh giá, lập bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1:100.000 lãnh thổ Việt Nam”; Báo cáo kết quả điều tra, đánh giá lập bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1:100.000 cho từng lưu vực sông; các báo cáo chuyên đề, thuyết minh bản đồ theo từng lưu vực sông và theo từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1:100.000; Bộ bản đồ điện tử (Atlas) tài nguyên nước mặt và nước dưới đất lãnh thổ Việt Nam, theo từng lưu vực sông và theo từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hệ thống thông tin dữ liệu về tài nguyên nước kết nối, trao đổi với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; Các mô hình đánh giá tài nguyên nước; Phần mềm phục vụ công tác điều tra, khảo sát.

Liên quan về tài nguyên nước dưới đất, đến nay, nước ta mới hoàn thành công tác thành lập bản đồ địa chất thủy văn toàn lãnh thổ Việt Nam tỷ lệ 1:500.000 (năm 1985), biên hội bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000 trên toàn quốc (năm 2018), các tỷ lệ điều tra đánh giá nguồn nước dưới đất, lập bản đồ địa chất thủy văn chi tiết hơn (ở tỷ lệ 1:100.000 đến 1:25.000) mới hoàn thành trên 26% diện tích toàn quốc và đang thực hiện trên các vùng lãnh thổ khác với khoảng 23% diện tích toàn quốc.

Các kết quả trên cần được kế thừa và thực hiện điều tra bổ sung, đồng bộ hóa dữ liệu tài nguyên nước dưới đất để lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Đồng Xuân
  •  
Các tin khác

Ngày Nước Thế giới năm nay được LHQ phát động ̣với chủ đề “Nước cho hòa bình” tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới.

Chiến dịch cho Ngày Nước Thế giới năm 2023 hiện đang hoạt động. Trọng tâm của chiến dịch này là thúc đẩy thay đổi để giải quyết cuộc khủng hoảng nước và vệ sinh.

Hiện trạng khai thác và sử dụng nước mặt tại Việt Nam

Tài nguyên nước mặt của Việt Nam đang được khai thác và sử dụng phục vụ những mục đích khác nhau, từ nông nghiệp, công nghiệp, thuỷ điện đến sinh hoạt.

Những con số thống kê về nước của Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nói lên vai trò chủ đạo của nước trong phát triển kinh tế - xã hội.