Hà Nội: Đẩy mạnh công nghệ xử lý rác thải tiên tiến

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/12/2021 | 3:55:52 Chiều

Việc chậm triển khai các khu xử lý đang gây áp lực lớn đối với công tác xử lý rác thải của thành phố Hà Nội. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến được coi là lời giải cho bài toán xử lý rác thải của Thủ đô.


Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (QH 609), thành phố sẽ có 17 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, được chia thành 3 vùng: Phía Bắc, phía Nam và phía Tây. Trong đó, 8 khu được nâng cấp, mở rộng và 9 khu đầu tư mới. Công nghệ xử lý áp dụng là chế biến thành phân vi sinh, đốt thu hồi năng lượng, tái chế, chôn lấp hợp vệ sinh.

Hiện trạng các khu xử lý chất thải của Hà Nội

Theo khảo sát, tại Hà Nội hiện có 6 khu xử lý chất thải nhỏ đã đầy và đóng bãi là Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm), Cao Dương (huyện Thanh Oai), Hợp Thanh, Mỹ Thành (huyện Mỹ Đức), Tây Đằng (huyện Ba Vì), Vân Đình (huyện Ứng Hòa). 6 khu này, người dân đều có ý kiến không đồng thuận xây dựng dự án xử lý do ô nhiễm từ bãi chôn lấp cũ. 3 khu đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác nhưng công suất nhỏ, công nghệ lựa chọn không phù hợp nên chưa hoạt động hoặc đã dừng hoạt động. 2 khu xử lý Phù Đổng (huyện Gia Lâm), Đồng Ké (huyện Chương Mỹ), thành phố giao UBND huyện đầu tư hạ tầng làm cơ sở kêu gọi nhà đầu tư. 4 khu xử lý đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư song nơi thì người dân phản đối nên dừng triển khai, nơi thì chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng...

Hiện toàn bộ khối lượng rác thải phát sinh trên địa bàn thành phố (khoảng 6.500-7.000 tấn/ngày) đang dồn về 2 khu xử lý chính là Nam Sơn và Xuân Sơn. Tuy nhiên cả 2 khu xử lý này đều đưa vào hoạt động từ năm 1999, hiện đang quá tải. Việc quản lý vận hành tại các khu xử lý gặp nhiều khó khăn, bị động do tiến độ các dự án xây dựng ô chôn lấp, nhà máy đốt rác phát điện bị chậm, trong khi vẫn phải chôn lấp rác trong tình trạng thiếu các vị trí đổ rác, lưu chứa nước rác.

Vấn đề giải phóng mặt bằng, công nghệ, kinh nghiệm thực hiện dự án của chủ đầu tư, người dân chưa đồng thuận… là những nguyên nhân chính khiến các dự án xử lý rác chậm triển khai.

Đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, UBND thành phố định hướng trong giai đoạn 2021-2025 sẽ đẩy mạnh áp dụng công nghệ, tiên tiến có thu hồi năng lượng để phát điện với các nhà máy hiện đại như: Nhà máy điện rác Sóc Sơn tại Nam Sơn công suất 4.000 tấn/ngày, theo kế hoạch bắt đầu vận hành trong tháng 1-2022; Nhà máy Seraphin sử dụng công nghệ đốt rác phát điện tại Xuân Sơn công suất 1.500 tấn/ngày, dự kiến khởi công xây dựng trong quý I-2022.

Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng báo cáo, đề xuất UBND thành phố ưu tiên hoàn thành dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và giải phóng mặt bằng để kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác công nghệ hiện đại tại 3 khu xử lý theo quy hoạch: Núi Thoong (huyện Chương Mỹ) công suất 2.000 tấn/ngày; Châu Can (huyện Phú Xuyên) công suất 1.000 tấn/ngày, Phù Đổng (huyện Gia Lâm) công suất khoảng 1.000 tấn/ngày. Việc triển khai 3 dự án trên sẽ giúp hợp lý hóa trong phân luồng xử lý rác từ các quận, huyện, thị xã; giảm cự ly vận chuyển, bảo đảm việc tiếp nhận, xử lý rác đến năm 2025 và các năm tiếp theo.

Tại khu xử lý Núi Thoong, nhà đầu tư đang đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư, chuyển đổi công nghệ hiện đại, đốt rác phát điện. Người dân đồng thuận nên đã giải phóng mặt bằng được 10,3ha. Sở cũng đã làm việc với Bộ Xây dựng rà soát quy hoạch chuyên ngành, đẩy nhanh tiến độ triển khai nhà máy xử lý rác ở Đồng Ké... Sở Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương thông tin để người dân hiểu, ủng hộ các dự án xử lý rác thải...

Được biết Thành phố Hà Nội đã giao Sở Xây dựng chủ trì, rà soát, cập nhật tiến độ quy hoạch các khu, dự án xử lý rác thải trên toàn địa bàn. Dự kiến, trong quý I-2022 có thể trình phê duyệt điều chỉnh, bổ sung vào Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội làm cơ sở để kêu gọi đầu tư, triển khai các dự án trong thời gian tới.

Bắc Lãm (T/H)

Nguồn Chuyên trang Quản lý Môi trường
  •  
Các tin khác

Tác động môi trường lớn nhất của việc sản xuất giấy vệ sinh xuất phát từ lượng điện khổng lồ mà các cơ sở sản xuất cần để làm nóng bột giấy, nước và hóa chất, sau đó làm khô cuộn giấy.

Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc lần đầu thông qua nghị quyết về suy thoái đất, kêu gọi các nỗ lực quốc tế nhằm chống sa mạc hóa và suy thoái đất đai, thúc đẩy bảo tồn và quản lý đất đai bền vững.

Ngày 9/2, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia do tình trạng mất điện nghiêm trọng trên toàn quốc và nhấn mạnh việc thiếu điện đang gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với nền kinh tế và cơ cấu xã hội.

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La vừa tổ chức thành công Gian hàng Trái tim xanh, kết hợp thu gom chai nhựa giấy vụn để đổi lấy cây xanh.