Tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đấu đến năm 2025, sử dụng 100% túi ni-lông, bao bì thân thiện môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni-lông khó phân hủy.
Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh
Theo thống kê, hiện tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ở TP. Huế khoảng 407 tấn/ngày, trong đó rác thải nhựa chiếm hơn 15%, chỉ đứng thứ hai sau thành phần rác hữu cơ. Trong đó, khối lượng rác thải nhựa thất thoát vào môi trường ở thành phố ước tính vào khoảng 3,13% so với tổng khối lượng rác thải phát sinh. Hoạt động sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần là nguồn gây ô nhiễm rác thải nhiều nhất, kể cả về số lượng và khối lượng.
Nhằm đạt mục tiêu đã đề ra: "Từ năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại không sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần; đến năm 2025 cùng với cả nước không sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, ngày 19/11/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Kế hoạch số 359/KH-UBND (Kế hoạch) về việc tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch nhằm định hướng xây dựng cơ chế, quy định của địa phương về quản lý chất thải nhựa; sản xuất và tiêu thụ túi ni-lông khó phân hủy sử dụng trong sinh hoạt; sản phẩm nhựa dùng một lần sử dụng trong sinh hoạt, tiêu dùng thông thường cũng như triển khai đẩy mạnh nhằm đạt mục tiêu đã đề ra.
Nhằm góp phần cùng cả nước xây dựng mô hình nền kinh tế tuần hoàn với định hướng giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy, tăng cường tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đấu đến năm 2025, sử dụng 100% túi ni-lông, bao bì thân thiện môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni-lông khó phân hủy; bảo đảm thu gom, tái sử dụng, tái chế; xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn trên địa bàn tỉnh không sử dụng túi ni-lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng, người dân trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa, túi ni-lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.
Thời gian thực hiện Kế hoạch là từ năm 2021 đến năm 2026. Sau 5 năm triển khai, Kế hoạch sẽ tổ chức tổng kết, cùng cả nước hoàn thành nhiệm vụ theo Đề án "Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021.
Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất thải nhựa
Huế phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn trên địa bàn tỉnh không sử dụng túi ni- lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.
Để Kế hoạch có thể đạt hiệu quả cao và đưa vào thực tiễn cuộc sống của người dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đề ra các giải pháp thực hiện như sau:
Giải pháp nguồn nhân lực, bao gồm: chuyên gia ở các viện, trường đại học, cơ quan quản lý và các hội nghề nghiệp liên quan quản lý, phòng chống rác thải nhựa tham gia tuyên truyền sâu rộng nội dung Kế hoạch đến cộng đồng dân cư. Lực lượng cán bộ công chức, viên chức, người lao động tại các sở, ngành trên địa bàn tỉnh; cán bộ Mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh; Lực lượng cán bộ ngành giáo dục, học sinh sinh viên các cấp học là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền.
Giải pháp về kinh phí: kinh phí thực hiện Kế hoạch lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và được huy động từ các nguồn tài trợ, đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và các nguồn hợp pháp khác. Tranh thủ các nguồn hợp tác quốc tế.
Giải pháp về tổ chức thực hiện: các sở ban ngành, tổ chức chính trị xã hội các cấp chủ trì triển khai Kế hoạch một cách đồng bộ, bảo đảm thực tế, hiệu quả. Công tác truyền thông sâu rộng là giải pháp tối ưu để mọi người thay đổi thói quen. Các sở ban ngành, tổ chức chính trị xã hội các cấp, các cơ quan báo chí, hệ thống truyền thanh, truyền hình cấp huyện, xã cùng nhau phối kết hợp để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông của Kế hoạch đến được với cộng đồng người dân. Lồng ghép các hoạt động của Kế hoạch với các chương trình, đề án, dự án tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật khác có liên quan.
Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong các hoạt động để truyền tải nội dung Kế hoạch nhằm tăng cường sự tiếp cận rộng rãi của mọi đối tượng.
Thực hiện thành công kế hoạch với ba giải pháp nói trên là việc làm thiết thực của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai Đề án: "Tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam” do Chính phủ đề ra.
Lam Vy
Nguồn Chuyên trang Quản lý Môi trường