Sóc Trăng bảo vệ môi trường: Nhiều giải pháp giảm rác thải nhựa
- Cập nhật: Thứ năm, 7/7/2022 | 3:07:40 Chiều
Thời gian qua, Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng đã cùng với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp về thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nhựa theo quy định, góp phần bảo vệ môi trường.
Theo Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, lượng rác thải nhựa phát sinh trong sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất,... trên địa bàn tỉnh khoảng 16,5 tấn/ngày. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa, trong thời gian qua Sở TN&MT đã cùng với các sở, ngành, đoàn thể tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý rác thải nhựa theo đúng các quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ môi trường.
Ông Phạm Văn Tùng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng) cho biết: Hiện nay, việc thu gom, xử lý chất thải nhựa phát sinh đang được các cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện. Cụ thể, đối với rác thải nhựa phát sinh tại khu vực đô thị cũng như nông thôn do các công ty dịch vụ môi trường, hợp tác xã vệ sinh môi trường thực hiện; đối với rác thải nhựa y tế ở tuyến xã được xử lý thông qua lò đốt hoặc ký hợp động với đơn vị chức năng vận chuyển xử lý; đối với rác thải nhựa trong lĩnh vực công nghiệp được các công ty, doanh nghiệp thực hiện tương đối tốt công tác thu gom, phân loại, sử dụng và tái chế; hạn chế được việc chất thải nhựa phát tán vào môi trường.
Mới đây, tại Hội thảo về thực trạng rác thải nhựa do Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng tổ chức, ông Trần Trọng Khiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong năm 2021, nhằm thu gom, xử lý rác thải nhựa phát sinh trong lĩnh vực nông nghiệp, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Sở NN&PTNT và một số doanh nghiệp đã tổ chức thu gom, vận chuyển, tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại 11/11 huyện, thị xã, thành phố với tổng khối lượng hơn 5,5 tấn; đồng thời, triển khai xây dựng 235 bể chứa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thu gom, lưu chứa đúng quy định bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
Cũng tại Hội thảo, bà Trần Thị Kim Phụng - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Sóc Trăng cho biết, thời gian qua, Hội LHPN đã rất tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường nói chung, chống rác thải nhựa nói riêng trên địa bàn tỉnh. Với thế mạnh hệ thống của Hội LHPN từ tỉnh tới cơ sở cùng với mạng lưới cán bộ hội tới tận chi, tổ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa một lần; hướng dẫn hội viên sử dụng giỏ xách khi đi chợ, hạn chế sử dụng túi ni lon, hướng dẫn xử lý rác, phân loại rác tại hộ gia đình...
Cùng với đó, Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng cũng đã triển khai hàng trăm mô hình để góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, trong đó điển hình là mô hình Tổ phụ nữ biến rác thành tiền, Phụ nữ nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần, Câu lạc bộ phụ nữ xách giỏ đi chợ, Câu lạc bộ phụ nữ nói không với túi nilon... thu hút 66.959 hội viên, phụ nữ tham gia.
Hiện nay, Sở Nội vụ tỉnh Sóc Trăng đang phối hợp với Sở TN&MT dự thảo kế hoạch phát động phong trào thi đua bảo vệ môi trường, nói không với rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025 và chuẩn bị trình UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành kế hoạch này để triển khai ngay trong năm 2022.
Theo Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu gom xử lý rác thải nhựa trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, y tế,... trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều khó khăn do nguồn kinh phí hỗ trợ thu gom còn hạn hẹp; các công ty cung cấp thuốc bảo vệ thực vật chỉ tổ chức thu gom ở phạm vi nhỏ; các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối tiêu dùng vẫn còn sử dụng các loại túi nilon khó phân hủy để phục vụ nhu cầu của khách hàng, tình trạng các sản phẩm bao gói thực phẩm khó phân hủy được bày bán ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các hộ kinh doanh tại chợ dân sinh còn phổ biến.
Triển khai nhiều giải pháp
Nhằm giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng hiện đang triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, Sở TN&MT tập trung tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về tác hại của rác thải nhựa; đẩy mạnh phong trào "Chống rác thải nhựa”; hạn chế sử dụng và tiến tới nói không với việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai có hiệu quả mục tiêu của tỉnh Sóc Trăng về quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa.
Cùng với đó, Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể và địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động công chức, viên chức và người lao động gương mẫu, tích cực và tiên phong trong việc giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa như túi nilon khó phân hủy, bao gói nhựa thực phẩm, chai lọ nhựa, ống hút, hộp xốp đựng thực phẩm, hạn chế sử dụng các vật dụng văn phòng, văn phòng phẩm làm từ chất liệu nhựa, ưu tiên lựa chọn sử dụng các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.
Song song với sự chủ động của Sở TN&MT, các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh Sóc Trăng cũng đang triển khai các giải pháp nhằm góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. Ông Trần Trọng Khiêm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tăng cường các biện pháp thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp; khuyến khích các cá nhân, tổ chức ưu tiên sử dụng vật tư thân thiện với môi trường trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.
Đồng thời, Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cũng sẽ phối hợp với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp vận chuyển, tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thủy sản, thuốc thú y sau sử dụng; xây dựng thêm các bể chứa ở những vùng trọng điểm chăn nuôi, trồng trọt và nuôi thủy sản và kho lưu chứa rác thải nhựa để thu gom, tập kết, rác thải nhựa từ lĩnh vực nông nghiệp để mang đi xử lý, tiêu hủy theo quy định.
Theo Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và phân phối tiêu dùng thực hiện cam kết về chống rác thải nhựa và thực hiện lộ trình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm dần tỷ lệ nguyên liệu nhựa trong sản xuất và giảm sản xuất các sản phẩm nhựa dùng một lần khó phân hủy; đồng thời, vận động các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi phấn đấu duy trì sử dụng túi nilon dễ phân hủy, thân thiện với môi trường.
Cùng với đó, Sở Công Thương đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ giảm 50% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh; từng bước thay thế túi nilon khó phân hủy, nhựa sử dụng một lần bằng các sản phẩm nguyên liệu từ thiên nhiên, thân thiện môi trường, như: lá sen, lá chuối, túi phân hủy sinh học, màng bọc thực phẩm sinh học; có chương trình khuyến khích các khách hàng tham gia sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; không sử dụng ống hút nhựa, cốc nhựa, thìa nhựa... phục vụ khách hàng.
Còn bà Trần Thị Kim Phụng - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng cho hay, trong thời gian tới, để phong trào "Chống rác thải nhựa” thực sự đi vào cuộc sống của mỗi gia đình, Hội LHPN tỉnh sẽ tập trung xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ với Sở TN&MT cùng với các ban ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa từ mỗi người dân, mỗi hộ gia đình và tranh thủ các nguồn lực để hỗ trợ hộ gia đình thực hiện có hiệu quả các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa.
Nguồn TN&MT
Các tin khác
Tác động môi trường lớn nhất của việc sản xuất giấy vệ sinh xuất phát từ lượng điện khổng lồ mà các cơ sở sản xuất cần để làm nóng bột giấy, nước và hóa chất, sau đó làm khô cuộn giấy.
Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc lần đầu thông qua nghị quyết về suy thoái đất, kêu gọi các nỗ lực quốc tế nhằm chống sa mạc hóa và suy thoái đất đai, thúc đẩy bảo tồn và quản lý đất đai bền vững.
Ngày 9/2, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia do tình trạng mất điện nghiêm trọng trên toàn quốc và nhấn mạnh việc thiếu điện đang gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với nền kinh tế và cơ cấu xã hội.
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La vừa tổ chức thành công Gian hàng Trái tim xanh, kết hợp thu gom chai nhựa giấy vụn để đổi lấy cây xanh.