Minh bạch thông tin ô nhiễm môi trường sau vụ cháy nhà kho Công ty Rạng Đông

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/9/2019 | 2:19:13 Chiều

Người dân đến đăng ký khám chữa bệnh tại Trạm y tế Hạ Đình và sinh sống gần kề xung quanh khu vực cháy nhà kho Công ty Rạng Đông đều yêu cầu minh bạch thông tin về tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm thủy ngân sau vụ cháy.

Sau 14 ngày xảy ra vụ cháy tại nhà kho Công ty Rạng Đông, thông tin từ các cơ quan chức năng có sự trái ngược nhau về mức độ ô nhiễm thủy ngân, khiến người dân lo ngại về sức khỏe. Theo dự kiến của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, chiều ngày 10/9, Hà Nội sẽ thông tin báo chí liên quan đến vụ cháy nhà kho Công ty Rạng Đông, nhưng ngay sau đó lại báo hoãn để chuẩn bị đầy đủ hơn.
Theo số liệu của lực lượng Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội, trong khoảng 5 năm gần đây, bình quân mỗi năm có khoảng 700 vụ cháy, trong đó có những vụ cháy lớn như: Cháy 6 ngôi nhà liền nhau trên phố Đê La Thành ngày 17/9/2018; cháy lớn tại chợ Quang ở Thanh Trì ngày 31/3/2018; cháy xưởng sản xuất bánh kẹo, ít nhất 8 người chết ngày 29/7/2017…
Có thể thấy, vụ cháy nhà kho Công ty Rạng Đông ngày 28/8/2019 là vụ cháy đầu tiên liên quan tới hóa chất thủy ngân gây ô nhiễm môi trường, nên xử lý của các cơ quan chức năng Hà Nội khá lúng túng và "rập khuôn” cách xử lý các vụ cháy thông thường.

Anh Trần Văn Bắc, nhà ở ngõ 342 Khương Đình, khu vực tiếp giáp với nhà kho bị cháy khẳng định: "Dù chưa có thông tin về tình trạng ô nhiễm, nhưng thấy tức ngực, khó thở, mùi khét nồng nặc, nước mắt chảy thường xuyên, nên gia đình quyết định di tản cả nhà. Ba ngày đầu ở "vạ vật” khách sạn, nhà nghỉ để tìm kiếm nhà thuê, vì chủ nhà cho thuê yêu cầu đặt cọc trước cả tháng. Trước thông tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng như cảm nhận mùi khét, ô nhiễm vẫn còn; trong khi hiện trường vụ cháy chưa được dọn dẹp, tẩy độc triệt để, nên gia đình sẽ thuê nhà trọ ít nhất 2 tháng để tự bảo vệ sức khỏe...".

Theo quan sát của phóng viên, toàn bộ dãy nhà ngõ 342 Khương Đình, tiếp giáp với khu vực nhà kho bị cháy đã cơ bản di tản. Khu chung cư 54 Hạ Đình, tiếp giáp phía sau nhà kho bị cháy, người dân cũng đã di dời 90% số hộ.
Bà Nguyễn Thị Hương, tầng 12 CT1A chung cư 54 Hạ Đình cho biết: Khoảng 10% số hộ ở lại vì điều kiện kinh tế không thể đi thuê chỗ khác được, nên đành "sống chung với lũ”. Điều chúng tôi quan tâm nhất là thông tin ô nhiễm phải minh bạch để chủ động phòng ngừa. Khi gió thối hướng Bắc (hướng vào khu chung cư) thì mùi khét vẫn nồng nặc, tức ngực, chảy nước mắt… Thông tin chúng tôi tiếp nhận chủ yếu qua báo đài, nhưng các số liệu cơ quan chức năng công bố luôn mâu thuẫn. Mặc dù các đơn vị quân đội về hóa học đã vào lấy mẫu xét nghiệm, nhưng đến nay vẫn chưa công bố, nên chúng tôi tin vào số liệu do Bộ Tài nguyên Môi trường cung cấp...

Mới đây, tại cuộc họp của Hà Nội về vụ cháy tại Công ty Rạng Đông vào ngày 5/9, thành phố có yêu cầu công bố thông tin rộng rãi, nhưng thực tế từ Trạm y tế, UBND phường Hạ Đình đến quận Thanh Xuân đều từ chối cung cấp thông tin. Hiện nay, người dân mong muốn thông tin về vụ ô nhiễm phải được cập nhật thường xuyên. Việc bưng bít thông tin, trong đó có những thông tin để người dân chủ động phòng ngừa liên quan đến sức khỏe là sự thiếu trách nhiệm của các cấp quản lý.

 

iễn biến sự việc:
- Chiều tối ngày 28/8 đã xảy ra vụ cháy tại Công ty Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông. 6.000 m2 nhà xưởng đã bị cháy rụi.
- Ngày 30/8, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ghi nhận số liệu về chất lượng không khí. Bộ Tài nguyên Môi trường và Viện Sức khỏe Nghề nghiệp, Bộ Y tế cũng lấy mẫu không khí, đất và nước về phân tích hàm lượng thủy ngân.
- Chiều ngày 30/8, Bệnh viện Bạch Mai đã đưa ra những cảnh báo đầu tiên liên quan đến sức khỏe và ai là người cần đi khám, xét nghiệm.
- Cũng trong ngày 30/8, Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông thông báo họ đã dùng Amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng từ năm 2016.
- Chiều tối ngày 4/9, tại cuộc họp báo Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố số liệu thủy ngân phát tán ra môi trường sau vụ cháy của Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, nguồn thủy ngân có thể phát tán là khoảng 15,1 kg đến 27,2 kg. Điểm quan trắc tại sông Tô Lịch, cách cống xả nước thải của Công ty ngõ 320 Khương Đình 1km có giá trị thủy ngân cao nhất, vượt quy chuẩn 6,1 lần. Kết quả so sánh với các tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO và châu Âu cho thấy hàm lượng thủy ngân vượt ngưỡng từ 10 đến 30 lần.
- Ngày 5/9, thành phố Hà Nội tổ chức họp với các đơn vị liên quan để xác định nguyên nhân vụ cháy. Cuộc họp hạn chế báo chí dự. Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhận định nguyên nhân bước đầu vụ cháy từ trong kho chứa nguyên vật liệu của Công ty Rạng Đông và sẽ mời đơn vị độc lập là Viện Hàn lâm khoa học công nghệ lấy mẫu xét nghiệm.
- Ngày 7/9, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội tiếp tục công bố chỉ số ô nhiễm ở mức an toàn. Công ty Rạng Đông đã thực hiện một số yêu cầu từ khuyến cáo của Sở Tài nguyên Môi trường như thực hiện để đảm bảo cô lập, tránh phát tán thủy ngân ra môi trường sau sự cố cháy xảy ra. Các giải pháp này là đặt lưới tại các điểm cống xả nước thải, che chắn các điểm sát với khu vực dân cư để tránh phát tán hóa chất ra môi trường xung quanh, phun sương và xây chắn xung quanh khu vực xảy ra cháy.
- Ngày 8/9, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) công bố qua đấu tranh, lãnh đạo Công ty Rạng Đông đã thừa nhận 480.000 bóng đèn bị cháy có sử dụng thủy ngân lỏng. Thủy ngân lỏng có độc tính cao hơn. Hai khu vực tiếp giáp với nhà kho là ngõ 342 Khương Đình và chung cư 54 Hạ Đình, nhiều cửa hàng tạm thời đóng cửa và chuyển đi nơi khác. Trường tiểu học Hạ Đình cũng có hơn 300 học sinh nghỉ học tạm thời (chiếm khoảng hơn 20%). Cuộc sống người dân quanh khu vực nhà máy đã thực sự bị đảo lộn. Người dân cần có những thông tin minh bạch và được đảm bảo quyền lợi khi các cơ quan xử lý vụ việc này.
 


  •  
Các tin khác

Chiều ngày 14/6, tại Hà Nội, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức Gặp mặt nhân Kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024).

Chiều ngày 3/6/2024, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp UBND Huyện Thường Tín , Hội Doanh nghiệp huyện Thường Tín tổ chức Lễ khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình ông Bùi Văn Thực.

UBND Quận Hai Bà Trưng vừa ban hành kế hoạch về thí điểm “Quản lý, phân loại và thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Quận Hai Bà Trưng năm 2024 - 2025”.

Ngày 19/1/2024, tại Nhà hát Âu Cơ, Thủ đô Hà Nội đã diễn ra Lễ trao giải “Cây chổi vàng” – Tôn vinh những công nhân vệ sinh môi trường – Lần thứ 4 – Năm 2023.