Nhiều công trình giúp ĐBSCL chủ động ứng phó hạn, mặn
- Cập nhật: Thứ ba, 25/2/2020 | 11:26:30 Sáng
Hiện tại, ở ĐBSCL, xâm nhập mặn (XNM) lấn sâu vào nội đồng theo các kỳ triều cường. Cụ thể, đợt triều cường Rằm tháng Giêng âm lịch (từ ngày 8-2 đến ngày 16-2-2020) XNM cao với ranh mặn 4 gram/lít ở các cửa sông Vàm Cỏ từ 100-110km, sâu hơn trung bình nhiều năm 20-22km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 từ 4-6km, thấp hơn 15-17km so với mức sâu nhất năm 2016. Tại các cửa sông Cửu Long ở mức sâu nhất 75km, sâu hơn trung bình nhiều năm 30km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 15km, sâu hơn khoảng 4km so với mức sâu nhất năm 2016.
Nước sạch, hợp vệ sinh đã được lắp đặt và kéo về tận vùng nông thôn ở TP Cần Thơ, không để người dân thiếu nước sinh hoạt do hạn hán, XNM. Trong ảnh: Trạm cung cấp nước sạch tại xã Mỹ Khánh.
XNM lấn sâu vào nội đồng
Vùng ven biển Tây trên sông Cái Lớn: XNM 61km, sâu hơn trung bình nhiều năm khoảng 12km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 5km, thấp hơn khoảng 7km so với mức sâu nhất năm 2016. Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), trong thời gian tiếp theo của mùa khô, ở vùng các cửa sông Cửu Long, XNM sẽ tiếp tục lên cao theo các kỳ triều cường, cụ thể: từ ngày 21 đến 27-2-2020, ranh mặn vào sâu cao nhất khoảng 55km, giảm khoảng 20km so với đợt XNM giữa tháng 2-2020; từ ngày 7 đến 15-3-2020, XNM ở mức rất cao, ranh mặn 4gram/lít ở mức 80km, sâu hơn 5km so với đợt XNM giữa tháng 2-2020; từ cuối tháng 3, XNM sẽ giảm dần do các hồ chứa thượng nguồn tăng lưu lượng xả nước tương tự một số năm gần đây. Ở vùng các sông Vàm Cỏ và sông Cái Lớn, XNM sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến hết tháng 4-2020.
Bộ NN&PTNT thống kê, đến nay tổng diện tích lúa vụ mùa 2019 và đông xuân 2019-2020 ở ĐBSCL bị thiệt hại gần 29.700ha, bằng 7,3% so với tổng thiệt hại năm 2015-2016 (tổng diện tích lúa thiệt hại năm 2015-2016 là 405.000ha). Tuy nhiên, diện tích lúa đông xuân 2019-2020 xuống giống trong tháng 12-2019 sẽ bị ảnh hưởng XNM trong tháng 3-2020 là 94.000ha/318.000ha ở 9 tỉnh vùng ven biển (Long An 15.500ha; Tiền Giang 2.500ha; Trà Vinh 21.500ha; Hậu Giang 20.100ha; Sóc Trăng 15.000ha; Bạc Liêu 6.000ha; Cà Mau 10.800ha; Bến Tre 2.500ha). Đối với diện tích lúa này, các địa phương cần tích cực trữ nước và xây dựng phương án chủ động ứng phó với tình hình hạn, XNM...
Ông Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, cho biết: "Thời gian tới, diện tích đã thu hoạch lúa đông xuân các địa phương trong vùng không nên xuống giống vụ hè thu ngay. Đồng thời, ngành nông nghiệp theo dõi sát tình hình XNM và chỉ khuyến cáo, vận động nông dân xuống giống khi XNM giảm, nguồn nước bảo đảm cung cấp cho sản xuất…”.
Nhiều công trình ứng phó
Để hạn chế tác hại do hạn hán, XNM gây ra, Bộ NN&PTNT đã đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi, kịp thời tham gia kiểm soát mặn, ngọt ngay trong mùa khô 2019-2020. Qua đó, đã đưa 5 dự án đưa vào tạm thời vận hành phòng, chống XNM: Cống Âu Ninh Quới (hệ thống thủy lợi Quản Lộ- Phụng Hiệp); Trạm bơm Xuân Hòa (tỉnh Tiền Giang); các cống Tân Dinh, Bông Bót, Vũng Liêm (hệ thống thủy lợi Nam Mang Thít), 18 cống kiểm soát mặn thuộc Dự án Bắc Bến Tre giai đoạn 1; nạo vét kênh Mây Phốp- Ngã Hậu... Các công trình này đã chủ động trực tiếp kiểm soát XNM khoảng 83.000ha và hỗ trợ kiểm soát ảnh hưởng XNM đến 300.000ha.
Ngoài ra, tại các địa phương trong khu vực cũng chủ động thực hiện nhiều công trình, dự án ứng phó khô hạn, XNM. Tại tỉnh Bến Tre đã trang bị thiết bị lọc nước nhiễm mặn RO cho 12/35 trạm cấp nước để tạo đủ nguồn nước ngọt cung cấp cho người dân; Hải đội Bộ Tư lệnh 2 đã dùng tàu hải quân chở 250m3 nước ngọt dự trữ cho người dân 3 xã: Tân Thủy, An Thủy, An Hòa Tây (huyện Ba Tri). Tỉnh Sóc Trăng đã mở rộng được 115km mạng lưới đường ống cấp nước cho khoảng 4.000 hộ dân và sẽ tiếp tục hoàn thiện thêm 604km đường ống để bảo đảm cấp nước cho 22.400 hộ dân bị thiếu. Tỉnh Kiên Giang bố trí kinh phí đầu tư mở rộng mạng lưới đường ống, nâng công suất nhà máy cấp nước để bảo đảm cung cấp cho 9.000 hộ. Tỉnh Bạc Liêu ứng vốn trước đầu tư mở rộng 36km mạng lưới đường ống và khoan bổ sung 4 giếng nước ngầm để cấp nước cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Long An hỗ trợ kinh phí mua 160 bồn trữ nước cấp cho các hộ nghèo, cận nghèo thuộc huyện Cần Giuộc đang bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt. Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang đã lắp đặt 50 vòi nước công cộng đảm bảo khắc phục hoàn toàn tình trạng thiếu nước của 2.200 hộ dân trong các ngày XNM lên cao. Tại TP Cần Thơ cũng tăng cường nạo vét, bơm tát, giữ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân…
Ông Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, cho biết: "Mùa khô 2020, ĐBSCL dự báo có khoảng 79.700 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt (Bến Tre 12.700 hộ, Sóc Trăng 24.400 hộ, Kiên Giang 11.300 hộ, Cà Mau 20.100 hộ, Bạc Liêu 3.300 hộ, Long An 7.900 hộ). Nhờ các giải pháp ứng phó, khắc phục kịp thời của các địa phương nên tình trạng trên sẽ được hạn chế…”.
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT phối hợp các địa phương trong vùng xây mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước tập trung (Cà Mau 30 công trình, Sóc Trăng 3 công trình, Kiên Giang 5 công trình); mở rộng, kéo dài tuyến ống cấp nước cho cho các hộ dân khu vực lân cận (Long An mở rộng cho 32.350 hộ dân, Bến Tre mở rộng 40km đường ống, Kiên Giang mở rộng cho 7.880 hộ dân), Tiền Giang mở rộng 200km đường ống. Đề xuất Ngân hàng Thế giới hỗ trợ dự án cấp nước và vệ sinh nông thôn cho các tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, trong đó có khu vực ĐBSCL; phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện dự án cấp nước cho các đô thị khu vực đồng bằng và tiếp tục thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu…
Các tin khác
Chiều ngày 14/6, tại Hà Nội, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức Gặp mặt nhân Kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024).
Chiều ngày 3/6/2024, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp UBND Huyện Thường Tín , Hội Doanh nghiệp huyện Thường Tín tổ chức Lễ khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình ông Bùi Văn Thực.
UBND Quận Hai Bà Trưng vừa ban hành kế hoạch về thí điểm “Quản lý, phân loại và thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Quận Hai Bà Trưng năm 2024 - 2025”.
Ngày 19/1/2024, tại Nhà hát Âu Cơ, Thủ đô Hà Nội đã diễn ra Lễ trao giải “Cây chổi vàng” – Tôn vinh những công nhân vệ sinh môi trường – Lần thứ 4 – Năm 2023.