Duy mỹ như người Nhật
- Cập nhật: Thứ năm, 22/5/2014 | 8:48:38 Sáng
(CTNO) - Đặc tính nổi bật nhất của người Nhật là gì? Câu trả lời chắc hẳn không đơn giản, và còn tuỳ theo cảm nhận riêng của mỗi người. Theo cảm nhận của tôi thì đó là tính duy mỹ, thể hiện từ cái toalét cho đến nền sản xuất công nghiệp.
Nói thật, điều tôi thích đầu tiên và thích nhất khi đi du lịch Nhật Bản là cái toalét. Tôi chưa đến những nơi tập trung quá đông người như Disneyland nên không biết cái toalét ở đó thế nào, nghe nói phải chờ đợi hàng giờ mới có thể giải phóng “bầu tâm sự”, nhưng ở những điểm, những nơi mà tôi đã đặt chân đến trên đất Nhật, dù là khách sạn, nhà hàng, siêu thị lớn nhỏ, nhà ga shinkansen, sân bay, điểm tham quan, trạm dừng chân dọc đường, kể cả đền chùa, đâu đâu tôi cũng dễ dàng tìm được cái toalét sạch sẽ, thơm tho, lịch sự.
Phần lớn toalét xả nước tự động, vòi nước rửa tay sau khi đi toalét cũng tự động xả nước khi đưa tay vào, xà bông nước để rửa tay sẵn kế bên, có chỗ trước vòi nước còn ghi rõ tới mùa đông nước sẽ tự động nóng. Thậm chí, đến cái toalét trong những nhà hàng Tàu ở Nhật theo như tôi thấy cũng sạch hơn, thơm hơn những cái toalét đôi khi chật chội, khai nồng ở một số nhà hàng Tàu ở Pháp hay Ý mà tôi đã từng đi qua. Và điều quan trọng nữa là tất cả những toalét ở Nhật mà tôi đã trải qua đều miễn phí.
Người Nhật sạch sẽ và kỹ lưỡng ngay từ cái toalét, duy mỹ ngay từ chuyện mà không ít người mình nghĩ “sao cũng được” vì là chuyện thấp kém, không cần sạch, không cần đẹp. Ở ta, xây trường học có khi người ta còn không nghĩ đến xây cái toalét cho các em học sinh và thầy cô, còn nghĩ đến toalét ở những bến xe, điểm du lịch, đền chùa,… có khi rợn cả người.
Sạch sẽ, tinh tươm từ cái toalét, người Nhật sạch sẽ, tinh tươm ra ngoài đường, dù là ở thành thị hay nông thôn. Khách du lịch xứ mình đến Nhật, điều ngạc nhiên đầu tiên là “đường sá sao sạch quá”, hiếm mà thấy được cọng rác trên đường. Với những ai ghiền thuốc lá, trong nhà hàng, khách sạn, đền chùa, chỗ công cộng, không được hút thuốc đã đành, ra ngoài đường trống trải không phải chỗ nào cũng có thể hút thuốc mà phải tìm đến đúng nơi đúng chỗ có đặt những cái gạt tàn lớn, nếu không muốn bị phạt.
Khách du lịch xứ mình qua Nhật, đi xe hay có thói quen như ở nhà, xả rác xuống xe thoải mái, nghĩ rằng tài xế cuối ngày sẽ phải dọn dẹp. Được vài lần, hướng dẫn viên sẽ nhẹ nhàng, lịch sự nhắc nhở rằng mỗi ngày mỗi người khi lên xe đã được máng sẵn cho một cái bao nylon trước mặt, rác xả thì bỏ vào đó và cuối ngày khi xuống xe làm ơn xách bịch rác xuống khỏi xe, bỏ vào thùng rác khách sạn. Ai xả rác, người đó phải tự dọn dẹp. Cái duy mỹ của sự tinh tươm, sạch sẽ, thân thiện với môi trường đã trở thành cái nếp ăn sâu vào lối sống của người Nhật, vì thế mà chỗ nào cũng sạch.
Nói đến sự sạch sẽ, tinh tươm, thân thiện với môi trường, không thể không nói đến vườn Nhật Bản, vốn là một nét văn hoá đặc sắc, một nghệ thuật đỉnh cao thể hiện tính duy mỹ của người Nhật, một kết tinh triết lý nổi tiếng khiến nhiều quốc gia văn minh trên thế giới cũng học theo, hình thành nên nhiều khu vườn Nhật Bản ở châu Âu, ở Mỹ, Canada, Úc, Singapore…
Vườn Nhật Bản không chỉ là cây xanh, là hoa cỏ mà còn là sự hội tụ của nước, đá, cát, cây, hoa, cá theo nguyên tắc phong thuỷ như một cảnh sắc thiên nhiên thu nhỏ và sự tạo tác của con người với những chiếc cầu đá hoặc gỗ xinh xinh, những đèn đá, chậu đá đựng nước để khách tẩy trần, nhà thưởng trà, hàng rào, cổng… Tất cả được sắp xếp một cách tỉ mỉ, cầu kỳ, không có cái gì là ngẫu nhiên, không có cái gì thừa.
Cũng có những vườn thiền như trong ngôi chùa Long An (Ryoan-ji) theo dòng thiền Lâm Tế ở Kyoto, di sản lịch sử của cố đô Kyoto và di sản văn hoá thế giới. Cái vườn được thiết kế đến mức tối giản với chỉ một cái sân hình chữ nhật 25mx10m trải cát và sỏi nhỏ được cào đều mỗi ngày và 15 viên đá kích cỡ khác nhau được sắp xếp thành năm nhóm, một bức tường bằng đất sét màu nâu trầm bao ba phía sân. Sự tối giản nhằm giúp các nhà sư dễ dàng tập trung thiền định, bỏ qua những tạp niệm.
Chính sự tối giản ấy lại làm nên cái đẹp và làm nổi bật tính duy mỹ của người thiết kế. Trong một chiều ghé thăm chùa, tôi đã thấy nhiều khách ngồi trên bậc thềm hojo, ngôi nhà cũng được thiết kế tối giản của sư trụ trì, nhìn xuống sân mà chiêm ngắm cát sỏi và những viên đá để mong lòng lắng lại và đạt tới cõi chân, thiện, mỹ.
… đến chuyện gói quà và nền sản xuất công nghiệp
Nhưng gần gũi hơn, có thể dễ dàng nhận ra tính duy mỹ của người Nhật qua nghệ thuật ẩm thực và qua cách họ gói quà. Nhiều người Việt giờ cũng đã biết nhiều về cách chế biến, phối hợp các món ăn và cách bày biện bàn ăn đẹp mắt của người Nhật nên bài này sẽ không nói thêm, nhưng nếu bạn có thăm Nhật và ghé vào một cửa hàng mua quà lưu niệm, tôi tin bạn không thể không ấn tượng với cái cách họ gói quà. Tôi có cô bạn bán hàng ở chợ Bến Thành đã mấy chục năm, có bán cho cả khách Nhật nữa, nhưng qua đến Nhật, thấy cái cách họ gói quà, cô không thể không xuýt xoa khâm phục.
Có thể nói, mỗi món quà họ gói là một tác phẩm nghệ thuật, dù quà bên trong là gì. Cũng là những tờ giấy gói in sẵn bông hoa, hoa văn, màu sắc, đường nét như ở nơi khác; cũng là những sợi dây nhũ vàng hoặc màu sắc khác, nhưng họ gói xong, bạn không thể không hài lòng. Điều quan trọng góp phần làm nên sự hài lòng của bạn là cái thái độ tỉ mỉ, chăm chút, trọng thị với khách khi họ gói quà, nó như một thứ giá trị gia tăng được họ kèm theo món hàng họ bán.
Trong lối sống, người Nhật có những quan niệm về cái đẹp và cách truy tìm cái đẹp đôi khi đến mức bạo liệt, như nghi lễ mổ bụng tự sát vì danh dự (seppuku hay hara-kiri) được chuẩn bị kỹ lưởng của các võ sĩ mà trường hợp của nhà văn Yukio Mishima, tác giả của Kim Các Tự, hồi năm 1970 khiến không ít người bàng hoàng.
Nhưng tính duy mỹ, sự đề cao và truy tìm cái đẹp, cái hoàn hảo của người Nhật không chỉ thể hiện qua nghệ thuật hay qua lối sống. Nếu chỉ có thế, Nhật Bản đã không thể trở thành một nước phát triển hàng đầu thế giới như hiện nay. Điều quan trọng là họ đã biết chuyển cái tính duy mỹ đó, sự tìm kiếm cái đẹp và sự hoàn hảo đó vào trong sản xuất, nhất là sản xuất công nghiệp. Trong sản xuất công nghiệp, tính duy mỹ đã chuyển thành tính hiệu quả, đẹp là hiệu quả, hiệu quả là đẹp.
Một trong những phát kiến của người Mỹ (công ty Ford) nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong sản xuất nhưng lại được người Nhật đưa lên đỉnh cao là triết lý JIT (just-in-time): sản xuất, cung ứng đúng sản phẩm cần, đúng lúc, đúng số lượng, để sao cho dòng sản phẩm làm ra chạy đều, không có tồn kho.
Và phần lớn người tiêu dùng thích hàng Nhật không chỉ vì thiết kế nhỏ, gọn, xinh đẹp mà còn vì tính hiệu quả về chức năng hoạt động và tiết kiệm năng lượng của chúng. Nói chung, đó là chất lượng, và chất lượng là gì nếu không phải là sự tỉ mỉ, sự hoàn hảo đến từng chi tiết?
Tất nhiên người còn nhiều đặc tính hay đức tính tinh thần khác, như tính trung thực, tính kỷ luật (thể hiện rất rõ trong hoàn cảnh gặp thiên tai)… Và cũng như mọi dân tộc khác, có lẽ họ cũng có những nhược điểm. Nhưng điều quan trọng là học những đức tính tốt đẹp của người khác để sửa mình, khắc phục những nhược điểm và tính xấu của chính mình, điều mà nhiều tờ báo có tinh thần trách nhiệm gần đây đang làm. Liệu một vài nhận xét có thể còn chủ quan trên đây có giúp gì được vào nỗ lực chung ấy chăng?
Các tin khác
Chiều ngày 14/6, tại Hà Nội, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức Gặp mặt nhân Kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024).
Chiều ngày 3/6/2024, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp UBND Huyện Thường Tín , Hội Doanh nghiệp huyện Thường Tín tổ chức Lễ khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình ông Bùi Văn Thực.
UBND Quận Hai Bà Trưng vừa ban hành kế hoạch về thí điểm “Quản lý, phân loại và thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Quận Hai Bà Trưng năm 2024 - 2025”.
Ngày 19/1/2024, tại Nhà hát Âu Cơ, Thủ đô Hà Nội đã diễn ra Lễ trao giải “Cây chổi vàng” – Tôn vinh những công nhân vệ sinh môi trường – Lần thứ 4 – Năm 2023.