Quyết liệt với “điểm đen” ô nhiễm
Lưu vực sông Nhuệ - Đáy bao gồm một phần Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình. Theo báo cáo tình hình triển khai các đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy năm 2013, chất lượng nước của nhiều đoạn thuộc LVS Nhuệ - sông Đáy đã bị ô nhiễm tới mức báo động, đặc biệt vào mùa khô, giá trị các thông số BOD5, COD, Coliform... tại các điểm đo đều vượt QCVN 08:2008/ BTNMT nhiêu lần. Để hạn chế ô nhiễm môi trường, Bộ TN&MT đã triển khai một cách đồng bộ và tích cực Đề án bảo vệ lưu sông Nhuệ - Đáy.
Tới nay môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy đã phần nào được cải thiện. Tính đến tháng 11 năm 2013, trên toàn bộ lưu vực sông này đã có 37/43 cơ sở được chứng nhận đã hoàn thành việc xử lý triệt để ô nhiễm môi trường theo quy định, chiếm 86,04% số cơ sở. Trong đó, nổi bật là Hà Nội với 22/23 và Ninh Bình với 8/8 cơ sở được xử lý triệt để. Riêng Hà Nam có 2/4 cơ sở, Nam Định có 4/6 và Hòa Bình có 1/2 cơ sở được xử lý triệt để. Hiện tại còn 6 cơ sở chưa hoàn thành việc xử lý triệt để theo quy định. Trong đó có hai cơ sở thuộc tỉnh Nam Định là Tổng Công ty cổ phần Dệt may Nam Định và Công ty cổ phần Dệt lụa Nam Định vẫn chưa thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm.
Thanh tra Bộ TN&MT đã ra quyết định xử phạt hành chính về bảo vệ môi trường với 2 cơ sở nói trên với tổng số tiền phạt là 120 triệu đồng. Tỉnh Hà Nam còn hai đơn vị đó là bãi chôn lấp rác thải mới tại Hà Nam và làng nghệ Nha Xá, trong đó làng nghệ Nha Xá được Bộ TN&MT hỗ trợ theo chương trình Mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường. Thủ đô Hà Nội có 1 cơ sở đó là Bệnh viện Đống Đa, đã xây dựng và vận hành trạm xử lý nước thải, đang lập hồ sơ chứng nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để. Hòa Bình có 1 cơ sở là Công ty cổ phần Giấy & Bột giấy Hòa Bình thuộc Kỳ Sơn hiện nay đã đóng cửa không hoạt động, do chưa xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo tiến độ yêu cầu.
Hiện tại có tới 9/12 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc Ngành Công Thương và các ngành khác đã được chứng nhận hoàn thành việc xử lý triệt để ô nhiễm.
Những kiến nghị
Ông Nguyễn Thượng Hiền thuộc Văn phòng các Ủy ban BVMT LVS, Tổng cục Môi trường cho rằng, từ thực tiễn triển khai bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy đã bộc lộ những việc cần phải làm đối với việc bảo vệ môi trường các lưu vực sông nói chung như: Khẩn trương thành lập các Chi cục bảo vệ môi trường các lưu vực sông; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Luật BVMT (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn; đẩy mạnh việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến BVMT LVS. Đặc biệt, kiến nghị sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước nhằm tháo gỡ các vướng mắc về tài chính thúc đẩy việc thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ thuộc các Đề án BVMT LVS. Tăng cường phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh, phân rõ trách nhiệm của từng địa phương trong công tác BVMT tổng thể toàn lưu vực. Giải quyết các điểm nóng ô nhiễm tại các sông, suối chảy qua địa bàn nhiều tỉnh; quản lý môi trường tại các khu vực giáp ranh; vận hành các hồ chứa, các công trình thủy lợi, thủy điện; xây dựng hệ thống quan trắc môi trường liên tỉnh...
Bên cạnh đó cũng cần xây dựng và triển khai Đề án thống kê, cập nhật dữ liệu nguồn nước thải, xây dựng kế hoạch quản lý, xử lý nguồn nước thải trên 3 LVS, công khai thông tin về nguồn thải trên cổng thông tin môi trường LVS. Triển khai Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020 (được phê duyệt theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ). Các địa phương tiếp tục rà soát, lập danh sách, công bố và lên kế hoạch xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường mới phát sinh theo hướng dẫn của Bộ TN&MT.
Với những kết quả bước đầu từ Đề án bảo vệ lưu vực sông Nhuệ - Đáy và những kiến nghị thiết thực được đưa ra trong quá trình triển khai, mong rằng môi trường các lưu vực sông sẽ được cải thiện.
Nguyễn Cường (TN&MT)