Trungnam Group khánh thành nhà máy điện gió công suất 46,2MW
- Cập nhật: Thứ hai, 15/11/2021 | 3:57:23 Chiều
Dự án Nhà máy điện gió số 5 Ninh Thuận có công suất 46,2MW với tổng vốn đầu tư 1.633 tỷ đồng, góp phần đưa Ninh Thuận đến gần với mục tiêu trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) vừa tổ chức khánh thành dự án Nhà máy điện gió số 5 Ninh Thuận, tại xã Phước Hữu (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận). Dự án điện gió số 5 có tổng số vốn đầu tư 1.633 tỷ đồng, tổng công suất 46,2MW, quy mô 11 trụ, sản lượng khai thác dự kiến là 136.281 MWh/năm.
Toàn bộ 11 tuabin của dự án được cung cấp bởi Công ty Enercon (Cộng hòa Liên bang Đức) có công nghệ không hộp số với ưu điểm có thể hoạt động với tốc độ gió thấp từ 2 - 2,5m/s góp phần đáng kể trong việc khai thác hiệu quả tài nguyên quốc gia.
Theo Trungnam Group, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thi công dự án. Tuy nhiên, với kinh nghiệm thi công nhiều công trình nhà máy năng lượng tái tạo quy mô lớn trên khắp các tỉnh, thành trên cả nước, công ty đã vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành vận hành thương mại dự án Nhà máy điện gió số 5 trước thời hạn.
Nhà máy điện gió số 5 Ninh Thuận đi vào hoạt động chính là cột mốc đặc biệt cho chiến dịch hoàn thành 200MW điện gió và 650MW điện mặt trời của Trungnam Group tại Ninh Thuận, góp phần đưa Ninh Thuận đến gần với mục tiêu trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
Chỉ tính riêng tại Ninh Thuận, đến thời điểm này, Trungnam Group đã có các dự án tiêu biểu như điện gió số 5 Ninh Thuận với công suất 46,2MW; Điện gió Thuận Bắc với công suất 151,95MW; DMT Thuận Nam với công suất 450MW; DMT Thuận Bắc với công suất 204MW. Tổng sản lượng đạt tổng sản lượng: 2,25 tỷ kwh/năm. Tổng mức đầu tư đa lĩnh vực của Trungnam Group tại Ninh Thuận đã lên tới con số 2 tỷ USD.
Bên cạnh việc thực hiện nhiều dự án năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận, Trungnam Group còn đồng hành với địa phương bằng nhiều chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội bằng 83 dự án với số tiền hơn 109 tỷ đồng, giúp nâng cao chất lượng sống của người dân qua các dự án hỗ trợ cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế... Đặc biệt, trong sự kiện khánh thành dự án Nhà máy điện gió số 5, Trungnam Group đã tặng 10 căn nhà tình nghĩa trị giá 500 triệu đồng cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Ninh Phước.
Được biết, trong năm 2021, Trungnam Group đã hoàn thành 3 dự án điện gió lớn, trong đó Dự án điện gió Ea Nam (Đắk Lắk) trở thành dự án nhà máy điện gió trên bờ có công suất lớn nhất Việt Nam hiện nay với 400MW; Dự án Đông Hải 1 Trà Vinh trở thành dự án điện gió trên biển lớn nhất với công suất 100MW. Tính đến thời điểm hiện tại, Trungnam Group là doanh nghiệp có tổng số lượng dự án năng lượng tái tạo lớn nhất tại Việt Nam.
Thời gian tới, Trungnam Group sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến trình hiện thực hóa các mục tiêu, năng lượng tiếp tục là ngành kinh doanh mũi nhọn với các dự án trọng điểm đã hoàn thành tiêu biểu như: Nhà máy điện gió Ea Nam Đắk Lắk công suất 400MW; trang trại điện mặt trời Thuận Nam công suất 450MW lớn nhất Việt Nam… với doanh thu dự kiến đến năm 2025 là hơn 1,5 tỷ USD/năm, giữ vững vị thế là nhà đầu tư năng lượng tái tạo số 1 tại thị trường Việt Nam và Đông Nam Á.
Dự kiến đến năm 2025, Trungnam Group sẽ nâng mức công suất sở hữu lên thành 3,8GW năng lượng tái tạo và 1,5GW điện khí LNG, đóng góp vào tiến trình giảm phát thải carbon tương đương hơn 13 triệu tấn carbon so với điện than, đồng thời duy trì tăng trưởng ít nhất 20% mỗi năm./.
Nguồn Reatimes
Các tin khác
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.
Cần có chiến lược quản lý thị trường tín chỉ carbon đang nổi ở Việt Nam và dùng lợi nhuận có được từ hoạt động mua bán tín chỉ để thúc đẩy bền vững về môi trường...
Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành.
Suốt 11 năm, lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao la, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã bền bỉ tuần tra, thực hiện tháo gỡ bẫy dây, giúp giảm 40% số lượng bẫy, góp phần giảm các mối đe dọa đối với động vật hoang dã ở một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất Việt Nam.