Lào Cai bảo vệ an ninh nguồn nước cho phát triển bền vững

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/3/2022 | 4:23:19 Chiều

Thời gian qua, Lào Cai đã thực hiện nhiều giải pháp cũng như đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng bảo vệ an ninh nước đầu nguồn.

Là tỉnh có vị trí địa chính trị quan trọng liên quan đến nhiều địa phương, lĩnh vực, trong đó có an ninh nguồn nước, thời gian qua, Lào Cai đã thực hiện nhiều giải pháp cũng như đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng bảo vệ an ninh nước đầu nguồn. Báo TN&MT đã phỏng vấn ông Hồ Cao Khải (ảnh), Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lào Cai về vấn đề này.

PV: Là tỉnh điểm đầu của Tổ quốc, do đó việc bảo vệ an ninh nguồn nước tại Lào Cai có tác động không nhỏ đến sức khỏe người dân và sự phát triển bền vững của nhiều tỉnh, thành phía hạ lưu. Xin ông cho biết, tỉnh Lào Cai đã triển khai những giải pháp gì trong công tác bảo vệ an ninh nguồn nước?

Ông Hồ Cao Khải: Lào Cai là tỉnh có số lượng sông suối rất lớn, theo thống kê, hiện tại, tỉnh Lào Cai có 5 sông suối liên quốc gia; 8 sông suối liên tỉnh. Trong các sông liên quốc gia chảy qua địa bàn tỉnh Lào Cai, sông Hồng là sông có vai trò rất quan trọng về vấn đề an ninh nguồn nước và sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Trung du và vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Nhận thức tầm quan trọng của vấn đề này, cùng với các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ..., tỉnh Lào Cai đã chủ động, tích cực đề xuất với các bộ, Chính phủ về vấn đề thành lập Ủy ban Sông Hồng để tăng cường trao đổi thông tin về nguồn nước và phối hợp khai thác nguồn nước sông Hồng hợp lý, đảm bảo lợi ích của các tỉnh liên quan cũng như 2 quốc gia Việt Nam - Trung Quốc. UBND tỉnh Lào Cai cũng chủ động đưa nội dung an ninh nguồn nước hợp tác với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Từ năm 2020 đến nay, phía Trung Quốc đã cung cấp thông tin về lưu lượng, lượng mưa của sông Hồng với tần suất 2 lần/ngày vào các tháng của mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10).

 
thumbnail_anh-1.jpg
Ông Hồ Cao Khải, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lào Cai

Nói về vấn đề an ninh nguồn nước là phải nói đến trữ lượng và chất lượng của nguồn nước. Vấn đề an ninh nguồn nước sông Hồng đã được Chính phủ, các bộ, ngành liên quan rất quan tâm, chú trọng đầu tư để nắm bắt sức sống của nguồn nước sông Hồng như: Xây dựng Trạm thủy văn Cốc Lếu để đo lưu lượng của nguồn nước; trạm quan trắc nước sông xuyên biên giới tại phường Cốc Lếu, TP. Lào Cai vận hành năm 2009, để kiểm tra, đánh giá chất lượng nguồn nước…

Sở TN&MT tỉnh Lào Cai cũng thường xuyên, liên tục theo dõi diễn biến chất lượng nguồn nước sông Hồng; định kỳ đánh giá chất lượng nước sông Hồng. Khi xảy ra các hiện tượng bất thường, chủ động báo cáo Bộ TN&MT cùng các tỉnh hạ du sông Hồng để có kế hoạch ứng phó kịp thời.

PV: Bên cạnh những đóng góp tích cực, các nhà máy công nghiệp khai khoáng, luyện kim, chế biến hóa chất tại Lào Cai trong quá trình hoạt động đã không ít lần để xảy ra sự cố môi trường, làm suy giảm chất lượng nguồn nước. Xin ông cho biết, tỉnh Lào Cai đã thực hiện những giải pháp nào để ràng buộc trách nhiệm tham gia BVMT của các doanh nghiệp?

 

Ông Hồ Cao Khải: Hoạt động công nghiệp khai khoáng, luyện kim, chế biến hóa chất là những hoạt động thiết yếu để phục vụ cho nhu cầu sản xuất công nghiệp và các lĩnh vực khác phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước. Tuy nhiên, hoạt động này khó tránh khỏi các nguy cơ ô nhiễm môi trường, làm suy giảm chất lượng nguồn nước. Do vậy, thời gian qua, nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố làm suy giảm chất lượng nguồn nước, tỉnh Lào Cai đã chủ động triển khai, thực hiện nhiều giải pháp để buộc các doanh nghiệp, nhà máy hoạt động sản xuất trong khu công nghiệp chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) như: Đầu tư 2 hệ thống xử lý nước thải tập trung và yêu cầu các doanh nghiệp kết nối để thu gom xử lý nước mặt chảy tràn; đầu tư 2 trạm quan trắc tự động môi trường không khí xung quanh để theo dõi, cảnh báo các chỉ tiêu thông số khí thải tiệm cận ngưỡng hoặc vượt ngưỡng để có cảnh báo và quy trách nhiệm cho các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

thumbnail_anh-2.jpg

Yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện việc khắc phục các tồn tại trong việc chấp hành các quy định pháp luật về BVMT; lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục và kết nối về Sở TN&MT để theo dõi, quản lý.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về BVMT tại các cơ sở sản xuất kinh doanh. Qua các cuộc thanh, kiểm tra đã phát hiện các tồn tại, từ đó yêu cầu các doanh nghiệp phải khắc phục và đầu tư cho công tác BVMT.

 

PV: Xin ông cho biết kiến nghị, đề xuất của Lào Cai nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ an ninh nguồn nước?

Ông Hồ Cao Khải: Để công tác bảo vệ an ninh nguồn nước đạt được hiệu quả cao nhất đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trung du và vùng đồng bằng Bắc Bộ, tỉnh Lào Cai tiếp tục đề nghị thành lập Ủy ban Sông Hồng Việt Nam. Đây sẽ là cơ quan nghiên cứu, đề xuất Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành, liên quốc gia trên lưu vực sông Hồng. Đề nghị các địa phương và các ngành liên quan chủ động tham mưu cho Bộ TN&MT và Chính phủ thông qua con đường ngoại giao, đàm phán với nước bạn Trung Quốc trao đổi thông tin, giải pháp liên quan đến nguồn nước của sông Hồng, sông Chảy như: Lưu lượng, chất lượng, các hoạt động khai thác, sử dụng nước thượng lưu sông Hồng, sông Chảy.

Bên cạnh đó, Lào Cai đề nghị Bộ TB&MT quan tâm đầu tư kinh phí nâng cấp trạm quan trắc nước sông Hồng; hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống quan trắc tài nguyên nước; kinh phí cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước…

PV: Trân trọng cảm ơn ông!


Nguồn TN&MT

  •  
Các tin khác

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.

Cần có chiến lược quản lý thị trường tín chỉ carbon đang nổi ở Việt Nam và dùng lợi nhuận có được từ hoạt động mua bán tín chỉ để thúc đẩy bền vững về môi trường...

Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành.

Suốt 11 năm, lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao la, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã bền bỉ tuần tra, thực hiện tháo gỡ bẫy dây, giúp giảm 40% số lượng bẫy, góp phần giảm các mối đe dọa đối với động vật hoang dã ở một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất Việt Nam.