Khai thác tài nguyên sông rạch hiệu quả

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/10/2019 | 2:49:58 Chiều

(Tapchicapthoatnuoc.vn)- Sông Sài Gòn dài 256km, đoạn qua TPHCM dài 80km với diện tích mặt nước 5.000km2. Ngoài ra, TPHCM có 65% vùng đất thấp, trong đó sông ngòi chiếm 16,7% diện tích. Tuy nhiên, thời gian qua việc khai thác quỹ đất, không gian sông nước ở TPHCM chưa được hiệu quả.

Còn nhiều tồn tại, hạn chế

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), hiện nay việc quản lý, khai thác bờ sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố còn nhiều hạn chế do các quy định của pháp luật còn bất cập.
 
Giai đoạn trước năm 2004, vì chưa có quy định về hành lang bảo vệ sông rạch nên đã có một số dự án khu nhà ở, khu du lịch được giao đất và xây dựng sát cạnh mép bờ cao sông Sài Gòn.
 
Chưa có quy hoạch sử dụng đất đối với quỹ đất hành lang bảo vệ sông rạch, để có cơ sở cho phép khai thác sử dụng hiệu quả quỹ đất, mặt nước, phục vụ lợi ích công cộng và phát triển kinh tế, du lịch.
 
Ngoài ra, hầu hết hệ thống cầu bắc qua kênh rạch nội thành có độ tĩnh không thông thuyền rất thấp, làm cản trở hoạt động giao thông đường thủy và khó phát triển du lịch đường sông.
 
Hệ thống nước thải đô thị chưa được thu gom để xử lý tập trung mà phần lớn đang xả thải trực tiếp vào sông rạch, vừa gây ô nhiễm môi trường và làm tăng độ bồi lắng lòng sông, vừa cản trở hoạt động du lịch đường sông.

Hiện nay, TPHCM chưa có cơ chế, chính sách để khuyến khích xã hội hóa việc kè bờ sông rạch trong nội thành (nhất là tại những vị trí có nguy cơ bị sạt lở), đi đôi với khai thác hiệu quả quỹ đất thuộc hành lang sông rạch và cả một số vị trí mặt nước có thể phát triển kinh doanh dịch vụ phục vụ lợi ích công cộng theo quy hoạch.
 
Các dự án khu đô thị, khu nhà ở chỉ được giao đất đến ranh hành lang bảo vệ mép bờ cao sông rạch, nên chủ đầu tư không có quyền và cũng không có trách nhiệm xây dựng bờ kè hoặc đầu tư đường giao thông, lối đi bộ, mảng xanh hoặc đầu tư các công trình dịch vụ, tiện ích phục vụ lợi ích công cộng. Hậu quả, hành lang bảo vệ sông rạch bị hoang hóa, sạt lở.

Ví dụ, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng được giao đất đến ranh cách mép bờ cao sông rạch khoảng 10m. Việc quản lý mép bờ cao sông rạch còn cứng nhắc, chưa linh hoạt trong việc cho phép làm kè bờ kết hợp với nắn lại mép bờ cao theo phương pháp bù trừ để chỉnh trị dòng chảy và làm đẹp cảnh quan.
 
Phải sửa nhiều quy định
 
Theo các chuyên gia, để khắc phục những tồn tại trên nhằm khai thác có hiệu quả không gian, cảnh quan cũng như quỹ đất dọc sông rạch, cơ quan chức năng cần sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng quy định giao đất cho chủ đầu tư dự án đến mép bờ cao sông rạch; đồng thời quy định cơ chế quản lý quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch.
 
Cần sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng theo hướng có quy định thực hiện quy hoạch chi tiết phân khu đối với bờ kè và hành lang bảo vệ sông rạch trên địa bàn đô thị nhằm tôn tạo cảnh quan, môi trường, phát huy lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội trong quá trình khai thác, sử dụng quỹ đất ven sông rạch và nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước. Xây dựng quy chế quản lý, sử dụng, khai thác kinh doanh đối với quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch, để thực hiện thống nhất.
 
HoREA đề nghị TPHCM cần điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM và sửa đổi, bổ sung Quyết định 22/2017 của UBND TPHCM để thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước, khai thác nguồn lực kinh tế của quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch.
 
Hiện nay, thành phố đang trong quá trình điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM. Đây là cơ hội để thành phố chỉ đạo rà soát kỹ quy hoạch hành lang bảo vệ sông rạch, trước hết là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và các kênh, rạch nội thành.
 
Theo nhiều chuyên gia, không để tiếp tục tình trạng phát triển các tòa nhà cao tầng quá dày đặc, lấn át sông Sài Gòn, hoặc biến một phần không gian sông Sài Gòn thành không gian riêng của dự án nhà ở.
 
Thành phố phải khai thác hiệu quả quỹ đất ven sông rạch vì lợi ích công cộng, đảm bảo cảnh quan, môi trường và phát triển bền vững. Đề nghị giao đất dự án cho chủ đầu tư đến mép bờ cao sông rạch; quy định chủ đầu tư dự án có trách nhiệm đầu tư xây dựng bờ kè bảo vệ, đường ven sông, công viên, mảng xanh, các công trình dịch vụ phục vụ lợi ích công cộng trong khu vực quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch và được quyền khai thác, kinh doanh có thời hạn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
 
Đối với các dự án cũ trước đây chưa giao quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch, đề nghị có cơ chế, chính sách khuyến khích các chủ đầu tư dự án hoàn thiện hệ thống hạ tầng, không xả thải ra sông rạch, đầu tư xây dựng bờ kè, đường ven sông, công viên, thảm cỏ, các công trình dịch vụ phục vụ lợi ích công cộng và được quyền khai thác, kinh doanh có thời hạn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
 
Thành phố thực hiện phổ biến hình thức đấu thầu rộng rãi các quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch (còn lại) để lựa chọn nhà đầu tư khai thác, kinh doanh quỹ đất này có thời hạn. Tổ chức đấu thầu rộng rãi lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực để thực hiện các dự án thu gom nước thải đô thị đưa về nhà máy xử lý nước thải tập trung, kết hợp với kè bờ kênh rạch...
 
Đỗ Trà Giang (sggp.org.vn)
  •  
Các tin khác

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.

Cần có chiến lược quản lý thị trường tín chỉ carbon đang nổi ở Việt Nam và dùng lợi nhuận có được từ hoạt động mua bán tín chỉ để thúc đẩy bền vững về môi trường...

Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành.

Suốt 11 năm, lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao la, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã bền bỉ tuần tra, thực hiện tháo gỡ bẫy dây, giúp giảm 40% số lượng bẫy, góp phần giảm các mối đe dọa đối với động vật hoang dã ở một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất Việt Nam.