Giải bài toán nước sạch ở đồng bằng sông Cửu Long
- Cập nhật: Thứ hai, 16/5/2022 | 8:57:46 Sáng
Ðồng bằng sông Cửu Long hiện có khoảng 13 triệu dân sống ở nông thôn, tuy nhiên tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia chỉ đạt hơn 55%.
Cống Cái Lớn-Cái Bé - công trình thủy lợi lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long góp phần ngăn mặn, trữ ngọt. (Ảnh KHÁNH THÙY)
Mỗi khi vào mùa khô, đồng bằng sông Cửu Long có hàng chục nghìn hộ thiếu nước sinh hoạt phải sử dụng nước sông hồ, kênh rạch. Dù các địa phương đã rất nỗ lực nhưng khô hạn kéo dài hơn sáu tháng khiến nguồn nước mặt bị cạn kiệt, nơi còn thì cũng bị mặn xâm nhập. Bên cạnh nguồn nước mưa dự trữ, người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm cho sinh hoạt.
Hiểm họa từ ô nhiễm nguồn nước
Ở đồng bằng sông Cửu Long rất dễ dàng gặp cảnh những người dân hằng ngày dùng nước sông, rạch, ao hồ phục vụ cho nh u cầu sinh hoạt. Gặp bà Bạch Thị Anh đang ngồi rửa rau, rửa chén nơi con kênh nước trước nhà ở Long Bình, xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, chúng tôi được biết, mấy chục năm nay người dân nơi đây vẫn sử dụng nguồn nước này. Còn bà Nguyễn Thanh Vân, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Ðiền, thành phố Cần Thơ vừa giặt giũ xong giỏ quần áo lại tranh thủ xách thùng nước đục lờ lờ từ sông về đổ vào chum vại để cả nhà dùng. Bà than phiền: "Tháng mưa thì tôi hứng nước mưa để xài, tháng này không mưa thì tôi lóng nước (trữ nước sông, hồ cho lắng cặn). Tháng này nước còn trong, chứ tháng sau nước đen thui, xài không được. Cứ xài vậy chứ cũng sợ bệnh tật cho con cháu nhưng nếu không cũng chả biết lấy nước ở đâu. Nghe nói sẽ có nước sạch vô mà chả biết đến chừng nào?”...
Một thống kê gần đây cho thấy, trong tổng số 13 triệu dân ở nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long có khoảng tám triệu người sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung, năm triệu người sử dụng nước quy mô hộ gia đình từ giếng khoan, dụng cụ trữ nước mưa, từ kênh, rạch, ao, hồ. Toàn vùng có khoảng 3.900 công trình cấp nước tập trung nông thôn, trong đó hàng trăm công trình hoạt động không hiệu quả hoặc ngưng hoạt động.
Nguồn nước ngọt tại đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai sẽ ngày càng suy giảm về số lượng và chất lượng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và sự gia tăng sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn. Ðiều này làm tăng nguy cơ thiếu nước ngọt cho sinh hoạt vào mùa khô, đặc biệt tình hình hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn vào sâu tại các cửa sông ở các tỉnh: Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Long An và Trà Vinh.
Hiện nay, nguồn nước trên địa bàn đồng bằng sông Cửu Long được cung cấp phục vụ cho ba mục đích chính: đô thị, sản xuất công nghiệp và nông thôn. Các nghiên cứu đánh giá cho thấy, trong toàn vùng nguồn nước khai thác đang bị ô nhiễm, xâm nhập mặn, suy thoái; chất lượng một số công trình cấp nước tập trung xuống cấp và niên hạn sử dụng hơn 15 năm, quy mô công trình cấp nước nhỏ, công nghệ xử lý lạc hậu hoặc không có hạng mục xử lý; mô hình cộng đồng và UBND xã thực hiện quản lý vận hành công trình cấp nước thiếu chuyên nghiệp; hoạt động quản lý, giám sát chất lượng nước sinh hoạt từ công trình cấp nước quy mô hộ gia đình chưa thường xuyên; công tác bảo trì, sửa chữa nhỏ chưa được quan tâm và triển khai đúng định kỳ... Mặt khác, diễn biến thời tiết cũng ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt nông thôn, khiến phần lớn các công trình cấp nước tập trung bị sụt giảm công suất, thậm chí có những công trình ngừng hoạt động.
Loay hoay gỡ khó
Trong điều kiện ngân sách khó khăn, việc xã hội hóa, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực cấp nước là một hướng đi. Thế nhưng, không phải địa phương nào cũng thu hút được đầu tư vào lĩnh vực này. Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Lồng cho biết, tổng nhu cầu vốn đầu tư nước sạch giai đoạn 2016-2020 của Hậu Giang là hơn 600 tỷ đồng nhưng chỉ bố trí được hơn 100 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 22%, nên việc đầu tư công trình cấp nước còn hạn chế.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, Tô Quốc Nam, nguồn lực của chương trình mục tiêu quốc gia trước đây mỗi tỉnh cũng chỉ được cấp năm đến bảy tỷ đồng/năm. Còn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Lương Minh Quyết phân tích: Các doanh nghiệp bao giờ cũng muốn đầu tư vào vùng đông dân cư, đô thị để mau lấy vốn, chỉ sau năm đến bảy năm là thu hồi được. Còn nước sinh hoạt nông thôn thì do người dân ở rất nhỏ lẻ, 1 km đường ống chỉ phục vụ 20-30 hộ dân, thu hồi vốn lâu, nên việc kêu gọi đầu tư, xã hội hóa rất khó khăn.
Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu, Bộ Xây dựng đã phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương trong vùng và một số tổ chức quốc tế nghiên cứu giải pháp cấp nước sinh hoạt cho đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có việc xem xét khả năng đầu tư xây dựng các hệ thống cấp nước sạch tập trung liên vùng. Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, việc đầu tư xây dựng là chưa khả thi về mặt tài chính và khả năng chi trả của người dân. Tuy nhiên, đây đang là nhiệm vụ hết sức cấp bách, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng. Do vậy, để các dự án cấp nước vùng có cơ sở triển khai một cách hiệu quả, khoa học và đồng bộ, việc kịp thời tổ chức điều chỉnh quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 2140/QÐ-TTg là rất cần thiết.
Tháng 11/2020, Bộ Xây dựng đã phối hợp UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức hội nghị tham vấn điều chỉnh quy hoạch này với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, 13 tỉnh, thành phố trong khu vực và đông đảo chuyên gia. Các ý kiến tập trung đánh giá, đề xuất về định hướng phát triển hạ tầng cấp nước cũng như ý kiến, đề xuất của một số địa phương về việc đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước thô liên tỉnh... Theo đó, để giảm chi phí mua nước cho nhân dân trong khu vực vốn còn nhiều khó khăn, Chính phủ cần đầu tư tuyến ống truyền tải, còn nhà đầu tư thì đầu tư nhà máy cấp nước và trạm bơm tăng áp. Về lâu dài, các ngành hữu quan cần nghiên cứu giải pháp đắp đập giữ ngọt, phòng, chống xâm nhập mặn trên các tuyến sông ngòi vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm giải quyết căn cơ bài toán thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai và phát triển bền vững...
Theo PGS, TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu, Trường đại học Cần Thơ, có nhiều cách để bảo đảm nguồn nước sạch, an toàn trong sinh hoạt, sản xuất, đó là: Cần đánh giá lại tất cả tài nguyên nước hiện có trong vùng, dự báo thay đổi, nhu cầu trong tương lai. Có chiến lược phát triển hệ thống cấp nước sạch ở khắp nơi. Có giải pháp trữ nước trong mùa mưa vì đây là nguồn nước sạch dồi dào cho sinh hoạt. Tăng cường nhận thức của người dân trong tiết kiệm và sử dụng nước sạch hợp lý; điều chỉnh sản xuất, không nên sản xuất nông nghiệp sử dụng nhiều nước ngọt. Cần tính đến những biện pháp kỹ thuật khác như xây dựng nhà máy xử lý nước mặn, nước lợ thành nước ngọt; bảo tồn, phổ cập nguồn nước ngầm ở đồng bằng sông Cửu Long...
Ðể giải quyết bài toán nước sạch cho đồng bằng, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất đầu tư, nối dài đường ống, nâng cao công suất các nhà máy cấp nước. Một số nhà máy xử lý nước tập trung đầu tư hồ trữ nước. Những hộ dân sống xa nguồn cấp nước tập trung thì xem xét xây hồ trữ hoặc khoan giếng. Theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu được thông qua, trong năm 2023 sẽ có thêm khoảng 100.000 hộ dân được cấp nước sạch. Ðến năm 2025, người dân đồng bằng sông Cửu Long sẽ không phải lo thiếu nước sạch khi xảy ra hạn hán hoặc xâm nhập mặn.
Nguồn Nhân Dân
Các tin khác
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.
Cần có chiến lược quản lý thị trường tín chỉ carbon đang nổi ở Việt Nam và dùng lợi nhuận có được từ hoạt động mua bán tín chỉ để thúc đẩy bền vững về môi trường...
Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành.
Suốt 11 năm, lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao la, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã bền bỉ tuần tra, thực hiện tháo gỡ bẫy dây, giúp giảm 40% số lượng bẫy, góp phần giảm các mối đe dọa đối với động vật hoang dã ở một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất Việt Nam.