Hải Dương: Sớm có phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/6/2022 | 9:18:34 Sáng

Tỉnh Hải Dương có tiềm năng rất lớn về khoáng sản làm vật liệu xây dựng, vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan trong hoạt động quản lý, những năm gần đây, tình trạng khai thác, tiêu thụ trái phép diễn biến phức tạp, làm thất thu ngân sách.

Nguồn khoáng sản này tập trung chủ yếu ở các mỏ thuộc huyện Kinh Môn và TP. Chí Linh, trong đó đáng chú ý nhất là đá vôi xi măng, sét xi măng, phụ gia xi măng, sét trắng, cao lanh, sét chịu lửa và các khoáng sản sản xuất vật liệu xây dựng thông thường như đá xây dựng, đất sét gạch ngói, cát xây dựng.
11-1-.jpg
Hoạt động khai thác trái phép khoáng sản ngay dưới đất ruộng của một hộ gia đình tại phường Cộng Hòa, TP. Chí Linh.

Tháng 9/2021, TP. Chí Linh đã tổ chức lực lượng liên ngành kiểm tra nhiều đợt tại các khu vực thường xuất hiện khai thác khoáng sản trái phép như các khu vực Bến Mú (phường Văn Đức), Cầu Dòng, Nam Thắng (phường Cộng Hòa), Trung Quê (xã Lê Lợi)... Qua kiểm tra, đã phát hiện 1 tổ chức và 32 cá nhân khai thác, vận chuyển, mua bán, tàng trữ, tiêu thụ tài nguyên khoáng sản trái phép. Chính quyền các cấp đã xử phạt những trường hợp này với số tiền gần 126 triệu đồng.

Trong khi các cá nhân, hộ gia đình vi phạm chủ yếu là khai thác đất đồi, đất sét, than, sít than qua hình thức xin hạ thấp độ cao đất thổ cư, tận thu khi cải tạo ao nuôi cá, đào trộm khoáng sản phía dưới đất ruộng... thì một số sai phạm, tồn tại của các tổ chức, doanh nghiệp là khai thác chưa đúng thiết kế mỏ hoặc không có phương án cải tạo, phục hồi môi trường hoặc không nộp đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định, chưa đóng cửa mỏ theo quy định.

Trong năm 2021, Sở TN&MT tỉnh đã yêu cầu 3 doanh nghiệp dừng khai thác khoáng sản; báo cáo đề nghị UBND tỉnh xem xét, đề nghị Bộ TN&MT yêu cầu 1 doanh nghiệp dừng hoạt động khai thác khoáng sản; thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt 3 đề án đóng cửa mỏ khoáng sản; điều chỉnh 1 quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản; cho phép trả lại 1 giấy phép khai thác khoáng sản; phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 3 khu vực, số tiền 1.578.419.900 đồng.

 

Một số nguyên nhân được chỉ ra do việc thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng của tỉnh Hải Dương chưa được quy hoạch chi tiết. Hoạt động cấp phép thăm dò, khai thác và sử dụng chủ yếu căn cứ vào nhu cầu thực tế của nhà đầu tư với những công trình cụ thể, chưa có những đánh giá khoa học, chưa phân tích thực trạng nguồn tài nguyên khoáng sản. Nhiều mỏ khoáng sản có giá trị cao, lại nằm đan xen trong vùng dân cư, cùng với việc kiểm tra, xử lý, xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc chưa quyết liệt là nguyên nhân gia tăng việc khai thác khoáng sản trái phép, gây lãng phí, thất thoát nguồn tài nguyên và ảnh hưởng đến môi trường.

11-2-.jpg
Lãnh đạo phường Cộng Hòa, TP. Chí Linh kiểm tra xử lý vi phạm.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 6 (lần 2, ngày 10/6/2022), cho ý kiến vào báo cáo phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh, ông Lưu Văn Bản - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giao Sở TN&MT tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp. Trong đó, cần làm rõ hơn danh mục, vị trí, quy mô các điểm, khu vực khoáng sản cần bảo vệ, sau đó chuyển về các địa phương. Trên cơ sở đó, các địa phương rà soát, bổ sung danh mục và phương án bảo vệ gửi Sở TN&MT thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt.

Trước thực trạng đó, TP. Chí Linh đã có đề nghị các cấp có thẩm quyền phê duyệt tổng thể, thống nhất các quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng; quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn; có cơ chế, chính sách cụ thể để tháo gỡ vướng mắc trong xử lý các trường hợp vận chuyển đất đồi dư thừa ra khỏi đất gia đình khi cải tạo đất ở, phát triển kinh tế đồi rừng.

 

Sở TN&MT tỉnh đã chủ động phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường quản lý, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; Đề xuất các khu vực hoạt động khoáng sản để xây dựng kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Chỉ đạo thực hiện rà soát một số quy hoạch khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Hoàn thiện dự án khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản... do đó, trong những tháng đầu năm 2022 tình trạng khai thác khoáng sản trái phép đã giảm rõ rệt.

Bà Ngô Thị Thảo - Phó Trưởng phòng Phụ trách Tài nguyên Khoáng sản, Nước, Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở TN&MT tỉnh Hải Dương cho biết, Sở đang báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổng thể về công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn.

Những tháng cuối năm 2022, Sở TN&MT đặt kế hoạch thực hiện tốt việc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực TN&MT. Phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã rà soát, tổng hợp các dự án đã được giao đất có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai, khoáng sản và môi trường. Tham mưu xử lý những tồn tại trong công tác khai thác khoáng sản của một số tổ chức, đồng thời tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản, tiếp tục rà soát, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản; theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.


Nguồn TN&MT

 
  •  
Các tin khác

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.

Cần có chiến lược quản lý thị trường tín chỉ carbon đang nổi ở Việt Nam và dùng lợi nhuận có được từ hoạt động mua bán tín chỉ để thúc đẩy bền vững về môi trường...

Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành.

Suốt 11 năm, lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao la, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã bền bỉ tuần tra, thực hiện tháo gỡ bẫy dây, giúp giảm 40% số lượng bẫy, góp phần giảm các mối đe dọa đối với động vật hoang dã ở một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất Việt Nam.