Thông tư mới tạo sự thông thoáng về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản

  • Cập nhật: Thứ bảy, 17/9/2022 | 10:06:42 Sáng

Ngày 16-9, tại Hà Nội, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức hội thảo "Góp ý cho dự thảo của Thông tư về quản lý, truy xuất nguồn gốc gỗ rừng trồng tại Việt Nam".

Thông tư mới sẽ thay thế Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản (Thông tư 27) nhằm tăng cường kiểm soát của chuỗi cung, bao gồm gỗ rừng trồng.

Xuất khẩu gỗ là ngành hàng nhiều triển vọng với doanh thu lên tới hàng tỷ đô la mỗi năm. Theo đại diện các Hiệp hội gỗ địa phương, các thị trường có giá trị cao như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu đều có yêu cầu ngặt nghèo về truy xuất nguồn gốc gỗ, gỗ từ rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, bảo vệ môi trường... Bởi vậy, nếu doanh nghiệp Việt không đáp ứng được điều kiện này sẽ tự mất đi lợi thế cạnh tranh.

tm-img-alt
Quang cảnh hội thảo

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Việt Nam hiện có khoảng 4,4 triệu ha rừng trồng và con số này bao gồm trên 1 triệu ha rừng trồng của 1,1 triệu hộ gia đình. Hằng năm, diện tích đó đang cung cấp khoảng trên dưới 30 triệu m3 gỗ quy tròn. Nguồn gỗ này chiếm phần lớn nguồn cung gỗ đầu vào cho các doanh nghiệp trong ngành, bao gồm các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ, sử dụng gỗ rừng trồng làm đồ gỗ nội địa, xuất khẩu gỗ dăm, viên nén và ván ép, ván bóc.

Năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 27, quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc lâm sản. Nhìn chung, thông tư này đi theo hướng đưa ra các quy định thông thoáng về chuỗi cung gỗ rừng trồng trong nước, bao gồm từ khâu khai thác tới khâu cuối cùng của chuỗi.

 

Tuy nhiên, tính hợp pháp của gỗ rừng trồng trong chuỗi cung không chỉ ràng buộc bởi Thông tư 27 mà còn phụ thuộc vào khâu trung gian tham gia chuỗi cung thực hiện các nghĩa vụ pháp lý ra sao. Đặc biệt là các trách nhiệm về thuế được quy định trong các thông tư của Bộ Tài chính, nhất là Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân với hộ kinh doanh.

Thực tế hiện nay cho thấy, các doanh nghiệp có các sản phẩm gỗ xuất khẩu sử dụng gỗ rừng trồng đang gặp khó khăn trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là các ách tắc trong việc xác định nguồn gỗ rừng trồng và tính pháp lý trong các giao dịch ở các khâu trung gian trong chuỗi cung. Nhiều diện tích rừng hiện còn thiếu các bằng chứng pháp lý về nguồn đất đai, như thiếu sổ đỏ, đất có tranh chấp; diện tích đất trên sổ khác với diện tích thực tế, đất mua đi bán lại, giữa các bên theo hình thức không chính thống, chưa sang tên đổi sổ chính thức…

Để giải quyết vướng mắc, Tổng cục Lâm nghiệp đang dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ NN-PTNT về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, đồng thời, xin ý kiến rộng rãi của các Bộ, ban, ngành, hiệp hội liên quan. Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Bùi Chính Nghĩa, mục tiêu hàng đầu của thông tư mới là tạo sự thông thoáng cho việc quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản. Bên cạnh đó, Thông tư mới cần đảm bảo hài hòa với các quy định của quốc tế.

 

"Dự thảo Thông tư mới gồm 7 Chương 40 Điều và 3 Phụ lục, trọng tâm là quản lý sản phẩm gỗ khai thác theo chuỗi. Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn từ Bộ NN&PTNT, ngành lâm nghiệp chủ trương quản lý chặt gỗ rừng tự nhiên, gỗ nhập khẩu, đồng thời, khuyến khích xây dựng thương hiệu để truy xuất, quản lý gỗ bền vững", ông Nghĩa cho biết.

Thông tư mới có đưa ra quy định, thực vật rừng ngoài gỗ sẽ không bao gồm củi. Việc đo tính củi nếu đủ quy cách thì đo đếm như gỗ, bằng không sẽ đo theo đơn vị ste để đổi ra m3. Việc xác định khối lượng cây thân gỗ phải được tính khi còn cả gốc, rễ, thân, cành lá. Thông tư cũng sẽ phân chia cụ thể các quy định dựa trên 3 loại rừng hiện nay gồm: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, thay vì chia thành rừng trồng và rừng tự nhiên như trước.

Các loại gỗ có nguy cơ rủi ro cũng được chỉ rõ là: Gỗ khai thác từ rừng tự nhiên trong nước, gỗ nhập khẩu không thuộc vùng địa lý tích cực hoặc gỗ thuộc loại rủi ro theo quy định của Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam. Thực vật rừng ngoài gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và Phụ lục CITES khai thác từ tự nhiên...

 

Theo TS. Tô Xuân Phúc, Cố vấn Forest Trend, trong xác minh nguồn gốc gỗ, chính quyền địa phương cần xác nhận tính hợp pháp của chủ hộ dựa trên các diện tích đất trồng trong ngắn hạn. Trong dài hạn, cơ quan quản lý cần thực hiện cấp sổ, điều chỉnh sai sót giữa sổ và thực địa, và hợp pháp hóa những diện tích canh tác lâu năm. Bên cạnh đó, cần giảm thuế đối với các hộ sản xuất gỗ nhỏ lẻ, hoạt động phi chính thức có doanh thu thấp hơn 1 tỷ đồng/năm, nhằm tạo động lực sản xuất cho người dân.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Dịnh nhận định, Thông tư 27 tạo điều kiện cho người trồng rừng, doanh nghiệp khai thác chế biến, nhưng thực tế việc truy xuất còn khó khăn vì hầu hết các bản kê lâm sản là tư hợp đồng thương mại, doanh nghiệp rất khó chứng minh nguồn gốc, gây ra sai phạm. Doanh nghiệp kỳ vọng, Thông tư mới sẽ giúp doanh nghiệp tránh không sai phạm, tăng cường tính minh bạch.


Minh Anh



Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam

  •  
Các tin khác

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.

Cần có chiến lược quản lý thị trường tín chỉ carbon đang nổi ở Việt Nam và dùng lợi nhuận có được từ hoạt động mua bán tín chỉ để thúc đẩy bền vững về môi trường...

Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành.

Suốt 11 năm, lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao la, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã bền bỉ tuần tra, thực hiện tháo gỡ bẫy dây, giúp giảm 40% số lượng bẫy, góp phần giảm các mối đe dọa đối với động vật hoang dã ở một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất Việt Nam.