Hà Nội: Dự án xử lý nước thải… bỏ hoang?
- Cập nhật: Thứ năm, 13/10/2022 | 9:33:22 Sáng
Trong khi tỉ lệ nước thải ở Hà Nội được xử lý chưa đến 30%, một số dự án trạm xử lý nước thải phục vụ khu dân cư, khu đô thị, cụm công nghiệp, làng nghề ở Hà Nội lại bỏ hoang, gây lãng phí lớn.
Đầu tháng 10/2022, trạm xử lý nước thải tại Khu đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) im lìm sau lớp tường rào. Từ bên ngoài nhìn vào, khó có thể hình dung đó là Trạm xử lý nước thải cho hàng nghìn hộ dân Khu đô thị Việt Hưng, bởi nhiều khu vực trong khuôn viên cỏ dại mọc cao lút đầu người. Hai công nhân đang sửa chữa phần mái tôn lợp trên bể chứa nước trong trạm.
Tìm hiểu thực tế thấy, trạm được Tổng Cty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) xây dựng đã nhiều năm, nhưng chưa chuyển giao được cho chính quyền. Người trông coi trạm cho biết, trạm vẫn hoạt động, xử lý nước thải bình thường, chỉ vướng mắc ở việc bàn giao cho chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, trạm được đầu tư khá đồng bộ, có hai bể chứa nước cùng hàng loạt các hạng mục liên quan như máy ép bùn, bể khử trùng… Nhiều hạng mục đã cũ. Hai bể nước cũng phủ rêu xanh, nước có vẻ tù đọng lâu ngày.
Tại Cụm làng nghề xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội), nhiều chủ doanh nghiệp và người dân còn không biết có sự tồn tại của trạm xử lý nước thải phục vụ làng nghề. Theo tìm hiểu, trạm được đầu tư xây dựng từ năm 2008, nhưng đến nay chưa hoạt động, để hoang hoá, xuống cấp. Một số hạng mục rất kiên cố, trải qua mưa, nắng đã gỉ sét, bong tróc, không còn hình dạng ban đầu. Thậm chí, nhiều chỗ trong khuôn viên trạm này đã bị cây dại xâm lấn.
Liên quan đến vấn đề này, Đoàn Giám sát của HĐND thành phố cho biết, nhiều dự án xây dựng trạm xử lý nước thải được đầu tư xây dựng nhưng không đấu nối, không đi vào hoạt động.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay, hệ thống thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn thành phố mới có 6 nhà máy, trạm xử lý được đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành với tổng công suất xử lý hơn 276 nghìn m3/ngày - đêm, chiếm khoảng 28,8% khối lượng nước thải cần xử lý. Tỷ lệ này còn thấp so với mục tiêu.
Theo thống kê từ lực lượng chức năng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động nhưng tính đến tháng 8/2022, có 30 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, còn 11 cụm công nghiệp đang được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố tập trung thực hiện, dự kiến hoàn thành đưa vào hoạt động trong năm 2022.
Lúng túng xử lý nước thải làng nghề
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về Trạm xử lý nước thải tại Cụm công nghiệp làng nghề Tân Triều, ông Đặng Ngọc Quyền, Chủ tịch UBND xã Tân Triều xác nhận, Trạm xử lý nước thải tại Cụm công nghiệp làng nghề Tân Triều hiện hoang hoá, không hoạt động.
Theo ông Quyền, sau khi được xây dựng, đơn vị được giao quản lý, vận hành trạm này đã không thực hiện được nhiệm vụ, sau đó, đơn vị được chuyển giao cũng không vận hành được do hệ thống máy móc đã hư hỏng.
Dù có trạm xử lý nước thải, nhưng không hoạt động, nên theo ông Quyền, các doanh nghiệp, đơn vị trong Cụm công nghiệp làng nghề Tân Triều phải tự xử lý nước thải, trước khi đổ ra hệ thống thu gom nước thải của thành phố.
Về giải pháp lâu dài, ông Quyền cho biết, xã sẽ phá bỏ trạm xử lý nước thải này để bố trí dành quỹ đất cho hạng mục khác như đất cây xanh, công cộng. "Chúng tôi sẽ có văn bản xin phép đấu nối trực tiếp hệ thống nước thải của Cụm công nghiệp làng nghề Tân Triều ra hệ thống thu gom của Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá”, ông Quyền thông tin.
Liên quan đến vấn đề này, theo cơ quan chuyên môn thuộc Sở Xây dựng Hà Nội, đơn vị này chỉ phụ trách đầu tư xây dựng các Nhà máy xử lý nước thải, thoát nước chung của thành phố.
Các khu đô thị, cụm công nghiệp, làng nghề phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải của khu vực mình quản lý, thực hiện nhiệm vụ xử lý nước thải trước khi chảy vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải của thành phố.
"Vấn đề này sẽ được xử lý một cách cơ bản khi các nhà máy xử lý nước thải tập trung của thành phố hoàn thành, đưa vào sử dụng”, vị này nói.
Các tin khác
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.
Cần có chiến lược quản lý thị trường tín chỉ carbon đang nổi ở Việt Nam và dùng lợi nhuận có được từ hoạt động mua bán tín chỉ để thúc đẩy bền vững về môi trường...
Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành.
Suốt 11 năm, lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao la, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã bền bỉ tuần tra, thực hiện tháo gỡ bẫy dây, giúp giảm 40% số lượng bẫy, góp phần giảm các mối đe dọa đối với động vật hoang dã ở một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất Việt Nam.