Tìm giải pháp chia sẻ tài nguyên nước mùa khô

  • Cập nhật: Thứ sáu, 6/3/2020 | 3:33:34 Chiều

Chiều 5/3, tại TP. Đà Nẵng, Ban Điều phối về Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam-Đà Nẵng tổ chức hội thảo tổng kết, đánh giá hoạt động trong năm 2019 và kế hoạch cho năm 2020.

Toàn cảnh cuộc họp - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Tại cuộc họp, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đều nhận định tình hình cấp nước của năm 2020, đặc biệt là mùa khô năm 2020, sẽ vô cùng khó khăn.

Theo đại diện Đài khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, năm 2019, tình hình thủy văn trên lưu vực sông Vu Gia-Thu bồn diễn biến rất phức tạp, mực nước trung bình hằng tháng hầu hết đều thấp hơn giá trị trung bình nhiều năm, cá biệt tại Giao Thủy, mực nước xuống thấp hơn giá trị thấp nhất lịch sử trong hơn 40 năm qua. Xâm nhập mặn sâu vào hạ lưu các sông với độ mặn rất cao. Đặc biệt, trong mùa mưa lũ gần như không xuất hiện lũ.

Hiện nay, lưu lượng dòng chảy trên sông Vu Gia-Thu Bồn đã xuống rất thấp, một số hồ chưa phải hạn chế phát điện để trữ nước phục vụ chống hạn khi có yêu cầu. Hiện tại, mực nước tại các hồ chứa chỉ đạt 68-89% so với dung tích ứng với mực nước dâng bình thường. Lượng dòng từ thượng nguồn về thấp, mực nước vùng trung lưu xuống thấp kỷ lục so với trung bình nhiều năm cùng kỳ, làm tăng mức độ xâm nhập mặn ở vùng hạ du.

Dự báo, trong những tháng đầu năm 2020, hiện tượng ENSO tiếp tục ở trạng thái trung bình nhưng nghiêng về pha nóng và có khả năng duy trì trạng thái này trong những tháng tiếp theo của nửa cuối năm 2020.

Bên cạnh đó, lượng dòng chảy tại sông Vu Gia-Thu Bồn sẽ bị thiếu hụt từ 40-90% tùy nơi, mực nước trung bình sẽ xuống thấp hơn nhiều so với giá trị trung bình nhiều năm. Nhiều khả năng, nguy cơ xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu hụt nguồn nước và xâm nhập mặn diễn ra phức tạp. Tình trạng xâm nhập mặn vùng cửa sông khả năng sớm hơn và ở mức cao tương đương hoặc cao hơn năm 2019.

Cần sớm thống nhất nhu cầu sử dụng

Ông Vũ Xuân Khu, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết các đơn vị thủy điện phải gánh 2 vai, vừa phải cấp nước cho hạ du, vừa phải phát điện lên lưới điện quốc gia.

Do lượng nước về hồ thiếu hụt rất nhiều, trong khi mùa khô đang đến gần, nên lãnh đạo Trung tâm kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam và UBND TP. Đà Nẵng sớm thống nhất nhu cầu sử dụng nước từ các hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia-Thu bồn cho thời gian còn lại của mùa khô trên cơ sở phù hợp với tình hình thủy văn hiện tại và đặc điểm tiêu thụ điện; có tính đến các tình huống lũ về muộn hoặc không có lũ và về lâu dài cần có giải pháp về công trình, giảm phụ thuộc vào chế độ vận hành của các hồ chứa thủy điện.

"Trung tâm Điều độ điện quốc gia luôn sát cánh cùng địa phương, cùng các hồ chứa để vận hành hiệu quả các hồ chứa, bảo đảm cấp nước an toàn cho mùa khô năm 2020”.

Ông Ngô Xuân Thế, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thủy điện A Vương bày tỏ lo lắng khi lượng nước về hồ A Vương hiện tại chỉ bằng 1/3 so với trung bình nhiều năm.

"Mặc dù lượng nước trong hồ tích tốt hơn mọi năm nhưng với lượng nước hiện tại mà chạy với công suất tối đa thì chỉ 24 ngày là sẽ cạn hết nước. Vì hiện các hồ gần như đang nằm thấp hơn mực nước dưới theo quy trình điều tiết đã đề ra nên lưu lượng tăng trung bình không bảo đảm được quy trình liên hồ. Dù không vận hành đúng quy trình liên hồ nhưng cần thiết phải có những văn bản của các cấp có thẩm quyền để hồ thủy điện có cơ sở vận hành bảo đảm cung cấp nước an toàn đến cuối mùa khô", ông Ngô Xuân Thế cho biết.

Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đại diện cho lãnh đạo 2 địa phương, cho rằng chính vì có sự chia sẻ lợi ích giữa tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng trong vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nên Ban Điều phối về Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam-Đà Nẵng ra đời để 2 địa phương cùng chia sẻ lợi ích từ tài nguyên nước.

Năm 2020, lãnh đạo 2 địa phương thống nhất đánh giá tác động của việc điều tiết các nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn đến tình hình xâm nhập mặn vùng hạ du; tăng cường quản lý các nguồn nước thải lớn, quản lý ô nhiễm lưu vực sông tại các địa phương; bảo đảm đầu tư hiệu quả và đạt tiến độ đối với Dự án đầu tư 2 trạm quan trắc tự động môi trường nước, phục vụ công tác quản lý môi trường của 2 địa phương; đề xuất dự án đánh giá sức chịu tác của lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn; khảo sát tình hình sạt lở khu vực miền núi lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn.

Hai địa phương cũng thống nhất với đề xuất cần phải theo dõi và đánh giá quy trình điều tiết liên hồ chứa, nếu chưa phù hợp thì có thể kiến nghị để sửa đổi.
 
Theo Báo Chính Phủ
  •  
Các tin khác

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.

Cần có chiến lược quản lý thị trường tín chỉ carbon đang nổi ở Việt Nam và dùng lợi nhuận có được từ hoạt động mua bán tín chỉ để thúc đẩy bền vững về môi trường...

Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành.

Suốt 11 năm, lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao la, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã bền bỉ tuần tra, thực hiện tháo gỡ bẫy dây, giúp giảm 40% số lượng bẫy, góp phần giảm các mối đe dọa đối với động vật hoang dã ở một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất Việt Nam.