Quản lý Tài nguyên Nước tích hợp toàn diện

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/3/2020 | 4:51:28 Chiều

Việc tăng cường năng lực quản lý hạn hán tích hợp, tiếp cận quản lý lũ tích hợp hướng tới quản lý và phát triển bền vững, hiệu quả các nguồn nước đang dần cạn kiệt trên toàn thế giới và đối phó với các nhu cầu đang dần bị xung đột.

Dữ liệu, thông tin khí hậu – nền tảng quản lý nguồn cung cấp nước mặt

Biến đổi khí hậu do con người gây ra, cũng như những thay đổi của khí hậu xảy ra tự nhiên, gây ra những hiện tượng như El Nino và La Nina, đều có ảnh hưởng lớn đến nước. Các hiểm họa liên quan đến nước như hạn hán và lũ lụt đang trở nên nghiêm trọng hơn, và một phần lớn của lượng mưa hàng năm hiện đang tập trung và các đợt mưa lớn thay vì trải đều ôn hòa trong suốt cả năm.

Ở nhiều nơi trên thế giới, hình thái mưa theo mùa đang trở nên thất thường hơn, ảnh hưởng đến an ninh lương thực và nông nghiệp, cũng như sinh kế của hàng triệu người gắn liền công việc và cuộc sống của mình với đồng ruộng.

Theo Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, khu vực nông thôn dự kiến sẽ bị chịu tác động lớn của nguồn cung cấp nước, an ninh lương thực, cơ sở hạ tầng và thu nhập từ nông nghiệp, bao gồm cả sự hoán đổi giữa các khu vực sản xuất cây lương thực và cây công nghiệp do biến đổi khí hậu.


Hạn hán là thảm họa thiên nhiên gây tốn kém nhất thế giới

Ở khu vực thành thị, biến đổi khí hậu được dự đoán sẽ làm gia tăng rủi ro cho người dân, tài sản, nền kinh tế và hệ sinh thái, bao gồm những rủi ro do bão và mưa lớn gây ra, lũ lụt tại khu vực ven biển và sâu trong đất liền, sạt lở đất, hạn hán, khan hiếm nước, nước biển dâng và nước dâng do bão.

Hầu hết các con sông và vùng nước ngọt trải rộng vượt qua biên giới giữa các quốc gia và quyết định của một quốc gia về quản lý tài nguyên nước thường có nhiều ảnh hưởng đối với các quốc gia khác. Chính điều đó làm cho nước trở thành nguồn cơn tiềm tàng cho cả hòa bình lẫn xung đột giữa các quốc gia láng giềng.

Chưa hết, nhiều quốc gia thiếu khả năng giám sát và phân tích dữ liệu liên quan. Điều này có nghĩa là các quyết định về các dự án cơ sở hạ tầng lớn như đập hoặc nhà máy thủy điện cũng như quy hoạch đô thị thường được đưa ra trên cơ sở thông tin lỗi thời hoặc không đầy đủ.

Cơ sở dữ liệu và thông tin khí hậu làm nền tảng cho quản lý nguồn cung cấp nước mặt và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Điều này bao gồm các tính toán về tần suất và thời gian của những đợt mưa lớn, lượng mưa lớn nhất có thể và dự báo lũ. Cơ sở dữ liệu hàng tuần, theo mùa và hàng năm và ở cấp quốc gia, khu vực và địa phương, đã trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Do đó, Khung kế hoạch toàn cầu về Dịch vụ Khí hậu của WMO coi nước là một trong những ưu tiên hàng đầu và tìm cách thúc đẩy phép tiếp cận Quản lý Tài nguyên Nước tích hợp toàn diện như là cách tốt nhất hướng tới quản lý và phát triển bền vững, hiệu quả các nguồn nước đang dần cạn kiệt trên toàn thế giới và để đối phó với các nhu cầu đang dần bị xung đột.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và Hiệp hội Đối tác Nước Toàn cầu xây dựng trên các sáng kiến hiện có, bao gồm các chương trình tích hợp về quản lý lũ lụt và hạn hán. Một cách tiếp cận tích hợp, liên ngành để quản lý tài nguyên nước giữ vai trò quan trọng bởi vì đầu tư cho nước được phủ khắp trên nhiều tổ chức và các cấp chính quyền.

Tăng cường năng lực quản lý hạn hán tích hợp

Theo thống kê, hạn hán là thảm họa thiên nhiên gây tốn kém nhất thế giới, chiếm 6-8 tỷ đô la Mỹ hàng năm và ảnh hưởng đến nhiều người hơn bất kỳ loại hình thảm họa tự nhiên nào khác. Kể từ năm 1900, hơn 11 triệu người đã chết vì hạn hán và 2 tỷ người đã bị ảnh hưởng. Kể từ những năm 1970, diện tích đất bị khô hạn bởi hạn hán đã tăng gấp đôi, làm suy yếu sinh kế, đảo ngược lợi ích phát triển và làm gia tăng nghèo đói đối với hàng triệu người sinh sống phụ thuộc trực tiếp vào đất đai.


Hạn hán làm gia tăng đói nghèo

Mặc dù vậy, các nước trên thế giới đang thiếu các chính sách quản lý hạn hán hiệu quả. Ứng phó với hạn hán có xu hướng riêng lẻ và bị động, chứ chưa có sự chủ động cần thiết.

Trong bối cảnh đó, WMO và Các đối tác nước toàn cầu đưa ra chương trình quản lý hạn hán tích hợp (IDMP) nhằm đẩy mạnh hợp tác với nhiều đối tác để hỗ trợ các bên liên quan bằng cách cung cấp cho họ các hướng dẫn về chính sách và quản lý, chia sẻ các kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất nhằm tăng cường năng lực quản lý hạn hán tích hợp.

Sáng kiến này dựa trên 3 trụ cột: Hệ thống giám sát và cảnh báo sớm để giám sát các chỉ số hạn hán (lượng mưa, nhiệt độ, độ ẩm đất, thảm thực vật, dòng chảy và nước ngầm) và phân tích các chỉ số hạn hán, phổ biến bản tin dự báo hạn hán cho người dùng một cách kịp thời. Tiếp đó,  đánh giá tính dễ bị tổn thương và tác động trên cơ sở xem xét các yếu tố xã hội, kinh tế và môi trường để xác định mức độ nhạy cảm của cộng đồng đối với các rủi ro từ hạn hán. Cuối cùng là giảm nhẹ và ứng phó.

Tiếp cận quản lý lũ tích hợp

Nếu như hạn hán là thảm họa thiên nhiên gây tốn kém nhất thế giới thì lũ lụt là hiểm họa tự nhiên nguy hiểm nhất, xảy ra tại nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới hàng năm. Trong những thập kỷ qua, thiệt hại do lũ lụt gây ra có xu hướng tăng theo cấp số nhân.


Lũ lụt là hiểm họa tự nhiên nguy hiểm nhất

Đây là hệ quả của tần suất mưa lớn ngày càng tăng, việc thay đổi sử dụng đất ở thượng nguồn và sự tập trung dân số và tài sản liên tục gia tăng ở các khu vực dễ bị lũ lụt. Việc xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý lũ chưa đầy đủ và toàn diện sẽ làm cho ảnh hưởng của lũ lụt càng trở nên trầm trọng hơn.

Lũ lụt là một phần không thể thiếu trong chế độ tự nhiên của một dòng sông. Điều này có nghĩa là quản lý lũ lụt đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ người dân và cơ sở hạ tầng khỏi lũ và lụt. Việc tích hợp các rủi ro lũ lụt vào việc quản lý tài nguyên nước là căn cứ hợp lý để thay đổi từ một cách tiếp cận tập trung độc lập - như kiểm soát lũ lụt - sang phương pháp tiếp cận quản lý lũ tích hợp. WMO đã đưa ra sáng kiến về Chương trình liên kết về quản lý lũ lụt, Hệ thống hướng dẫn lũ quét (FFGS).
 

-    Hàng năm, tình trạng mất an ninh nguồn nước gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 500 tỷ đô la.
-    20 triệu người có khả năng bị tác động bởi lũ lụt với thiệt hại liên quan ước tính gần 80 tỷ USD.

Theo Báo Tài nguyên môi trường

  •  
Các tin khác

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.

Cần có chiến lược quản lý thị trường tín chỉ carbon đang nổi ở Việt Nam và dùng lợi nhuận có được từ hoạt động mua bán tín chỉ để thúc đẩy bền vững về môi trường...

Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành.

Suốt 11 năm, lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao la, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã bền bỉ tuần tra, thực hiện tháo gỡ bẫy dây, giúp giảm 40% số lượng bẫy, góp phần giảm các mối đe dọa đối với động vật hoang dã ở một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất Việt Nam.