Khai thác, chế biến đất hiếm: Triển vọng và bài toán môi trường

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/10/2023 | 2:03:56 Chiều

Việt Nam có tiềm năng trở thành một nhà cung cấp quan trọng của nguyên liệu đất hiếm trong tương lai. Tuy nhiên môi trường là vấn đề nan giải trong ngành công nghiệp đất hiếm.

Ngày 18/10/2023, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (KHCNVN) kết hợp Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo khoa học "Đất hiếm tại Việt Nam: Thực trạng công nghệ khai thác, chế biến và triển vọng." 

GS.VS. Châu Văn Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN, cùng với đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên BCH Trung ương Đảng và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đã chủ trì hội thảo này.

Hội thảo khoa học
Hội thảo khoa học "Đất hiếm tại Việt Nam: Thực trạng công nghệ khai thác, chế biến và triển vọng."

Bài viết dưới đây sẽ trình bày những điểm nổi bật từ Hội thảo và đánh giá tình hình khai thác và chế biến đất hiếm tại Việt Nam cùng với triển vọng trong tương lai.

Tầm quan trọng và triển vọng của đất hiếm

GS.VS. Châu Văn Minh, trong phần phát biểu khai mạc, đã nêu rõ tầm quan trọng của đất hiếm trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao. Đất hiếm đóng vai trò quan trọng trong các ngành như công nghệ thông tin, y tế, năng lượng, và quốc phòng. Việt Nam với trữ lượng đất hiếm được đánh giá là lớn thứ hai thế giới, đang có tiềm năng trở thành một nhà cung cấp quan trọng của nguyên liệu đất hiếm trong tương lai.

Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam vào khoảng 22 triệu tấn. Các mỏ đất hiếm ở Việt Nam có quy mô từ trung bình đến lớn, chủ yếu là đất hiếm nhóm nhẹ (nhóm lantan – ceri), có nguồn gốc nhiệt dịch và tập trung ở vùng Tây Bắc. Các mỏ đất hiếm gốc và vỏ phong hóa phân bố ở Tây Bắc gồm Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai), Yên Phú (Yên Bái). Ngoài các mỏ đất hiếm trên, ở vùng Tây Bắc còn có nhiều điểm quặng có biểu hiện sa khoáng nhưng chưa được điều tra, đánh giá như điểm mỏ Sin Chải, Thèn Sin (Lai Châu), Làng Phát, Làng Nhẻo (Yên Bái)…

Mặc dù đã thực hiện công tác thăm dò và đánh giá trữ lượng đất hiếm trong hơn 40 năm, Việt Nam vẫn chưa thực hiện khai thác và chế biến hiệu quả mỏ đất hiếm nào. Một trong những nguyên nhân chính là thiếu công nghệ khai thác và chế biến đất hiếm, một lĩnh vực được một số quốc gia giữ độc quyền.

Theo GS. Nguyễn Quang Liêm, Việt Nam cần tập trung vào việc khai thác và chế biến đất hiếm một cách hiệu quả để mang lại lợi ích kinh tế và nâng cao năng lực trong lĩnh vực này. Cần đầu tư vào các dự án nghiên cứu và thử nghiệm để nâng cao năng lực nghiên cứu công nghệ khai thác và chế biến, đồng thời đánh giá tác động môi trường và xử lý hoàn nguyên môi trường sau khai thác và chế biến đất hiếm.

PGS. TS. Hoàng Anh Sơn nhấn mạnh về cần thiết của nghiên cứu công nghệ chế biến đất hiếm đối với kim loại quý như Nd, Dy, Pr, để phục vụ trong việc chuyển đổi năng lượng và giao thông không phát thải.

Bài toán môi trường chưa có lời giải

TS. Dương Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Vật liệu môi trường, Viện Khoa học vật liệu đề cập đến việc quản lý môi trường trong hoạt động khai thác và chế biến đất hiếm. Để thực hiện khai thác bền vững và hạn chế tác động đến môi trường, cần thực hiện công tác đánh giá tác động môi trường, giám sát môi trường, và thiết lập quy chuẩn môi trường cho ngành mỏ và khai thác đất hiếm.

Môi trường là bài toán chưa có lời giải trong công nghệ khai thác, chế biến đất hiếm tại Việt Nam
Môi trường là bài toán chưa có lời giải trong công nghệ khai thác, chế biến đất hiếm tại Việt Nam. Ảnh: ITN

Hiện nay, Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ chế biến đất hiếm, chưa chế biến được các sản phẩm thủy luyện và chiết tách các oxit đất hiếm riêng rẽ phục vụ nhu cầu trong nước và nước ngoài. Việt Nam mới chỉ dừng lại ở công đoạn chế biến tinh quặng đất hiếm có hàm lượng khoảng 30%, chưa chế biến được các sản phẩm thủy luyện và chiết tách các oxit đất hiếm riêng rẽ phục vụ nhu cầu trong nước và nước ngoài.

Nhiều chuyên gia cho rằng, khai thác đất hiếm lợi nhuận thấp, phá hoại môi trường, ô nhiễm bụi bặm. Từ quặng thô, làm giàu lên phải sử dụng rất nhiều hóa chất, lợi nhuận kinh tế rất thấp trong khi chất thải của quá trình chế biến là phóng xạ độc hại. Khâu chiết tách ra từng nguyên tố cũng đem lại lợi nhuận thấp, trong khi vẫn phải sử dụng những hóa chất độc hại.

GS.VS Châu Văn Minh đặt câu hỏi tại hội thảo: "Chúng ta có nên khai thác đất hiếm lúc này không khi mà giá trị giao dịch đất hiếm trên thế giới không phải là lớn, trong khi khai thác, chế biến đất hiếm được cho là có tác động xấu đến môi trường, môi sinh. Trong trường hợp khai thác, chúng ta nên làm đến đâu, triển vọng tự phát triển được công nghệ chế biến đất hiếm ở Việt Nam như thế nào?"
---------------
Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, giai đoạn 2021-2030, Việt Nam dự kiến triển khai thăm dò 8 đề án, với mục tiêu trữ lượng là 983.176 tấn; Giai đoạn 2031-2050 sẽ thăm dò 1 dự án với mục tiêu trữ lượng là 1,5 triệu tấn. Về khai thác, giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 2 triệu tấn quặng; Giai đoạn 2031-2050 đạt khoảng 2,1 triệu tấn quặng NK/năm. Giai đoạn 1 sẽ chế biến 22.500-62-500 tấn tổng oxit đất hiếm/năm để có thể chiết tách ra các loại đất hiếm riêng rẽ. Giai đoạn 2 chế biến khoảng 42.500-82.500 tấn tổng oxit đất hiếm/năm để có thể chiết tách ra các loại đất hiếm riêng rẽ.

TÙNG LÂM/ CT QLMT
  •  
Các tin khác

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.

Cần có chiến lược quản lý thị trường tín chỉ carbon đang nổi ở Việt Nam và dùng lợi nhuận có được từ hoạt động mua bán tín chỉ để thúc đẩy bền vững về môi trường...

Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành.

Suốt 11 năm, lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao la, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã bền bỉ tuần tra, thực hiện tháo gỡ bẫy dây, giúp giảm 40% số lượng bẫy, góp phần giảm các mối đe dọa đối với động vật hoang dã ở một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất Việt Nam.