Tây Nguyên oằn mình trong khô hạn
- Cập nhật: Thứ hai, 30/3/2020 | 2:32:06 Chiều
Mùa khô đến với các tỉnh Tây Nguyên mang theo hàng loạt lo lắng khi các hồ, đập dần cạn nước. Nhiều dòng sông chủ đạo sắp trơ đáy còn bị “cát tặc” oanh tạc tan nát. Ở nhiều huyện giáp danh biên giới xuất hiện thêm sương muối khiến hoa màu không thích ứng được, chết dần, chết mòn.
Thiệt hại nặng nề
Kéo dài từ huyện biên giới Ea Súp đến các huyện Ea Kar, KRông Năng (Đắc Lắc) các ao, hồ tích nước phục vụ cho tưới tiêu hoa màu lâm vào tình trạng cạn kiệt. Để cứu những rẫy cà phê, đậu phộng… người dân dòng những ống bơm dài vài trăm mét để dẫn nước, nhưng cũng chỉ nhỏ giọt. Các giếng khoan, không trúng mạch nước ngầm, số tiền bỏ ra thuê nhân công coi như mất trắng, đời sống càng trở nên bí bách hơn.
Ông Nguyễn Văn Trực, canh tác gần 6 héc ta cà phê ở xã Ea Đăh, Krông Năng sốt ruột, cho biết: Nếu không có mưa lớn thì chỉ ít ngày nữa cà phê héo rũ hết. Vào đợt ra hoa là thời tiết bắt đầu khô, tận dụng tối đa các nguồn nước cũng không đủ. Tỷ lệ đậu quả rất thấp, ước năng suất chỉ bằng gần một nửa các năm trước. Trừ mọi chi phí đầu tư, không lời lãi gì. Hạn hán kéo dài thêm thì gánh nhiều khoản nợ. Hàng trăm chủ rẫy khác cũng khó khăn như vậy.
Theo UBND xã Ea Đăh: Toàn xã có khoảng 3.000 héc ta cây trồng các loại, trong đó có nhiều giống cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu. Vậy nhưng, khả năng nước tưới trong các công trình thủy lợi, suối, ao ở địa bàn giờ chỉ đáp ứng được dưới 100 héc ta. Có tiết kiệm tối đa mà thời tiết không thay đổi thì nhiều ruộng hoa màu thiệt hại thôi.
Ông Y Xanh và nhiều hộ dân ở xã Ea Rôk (huyện Ea Súp) nhận định: Mùa khô năm nay đến sớm quá, người dân trở tay không kịp. Nhiều kênh mương thủy lợi tuy có được cải thiện nhưng mực nước ngầm suy giảm mạnh. Sương muối nhiều, người dân chỉ tưới nhỏ giọt dưới gốc nên lá cây dần bị úa vàng, tỉ lệ quả cũng không đạt.
Theo đánh giá của Sở NNPTNT tỉnh Đắc Lắc, hiện tại chưa thống kê được đầy đủ mức thiệt hại vì diễn biến của thời tiết vẫn khó lường. Việc trước mắt cần làm nhanh là điều tiết hệ thống nước tưới để tránh bớt thiệt hại cho người dân, nhất là ở các huyện trọng điểm về trồng trọt, các vùng sản xuất. Bên cạnh đó, khảo sát, đánh giá trữ lượng nước ngầm để có hướng dẫn cho người dân cách tưới tiết kiệm.
Tại tỉnh Đắc Nông, hơn 230 hồ chứa nước trong toàn tỉnh thì nhiều hồ nước đã tụt xuống đến mức báo động. Có hơn 15.000 héc ta cây trồng các loại bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều huyện trọng điểm về trồng trọt như: Huyện Cư Jut có khoảng 5.100 héc ta bị ảnh hưởng; Huyện Krông Nô trên 2.500 héc ta bị ảnh hưởng; Huyện Đắk Mil cũng có hơn 1.000 héc ta đang thiếu nước nghiêm trọng.
Người dân gặp khó khăn
Hàng vạn hộ dân ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai dốc cạn tiền bạc để đầu tư các trang trại chăn nuôi, trồng trọt giờ đối mặt với nợ nần vì vật nuôi gầy mòn, ruộng rẫy khô khốc.
Ông Cao Văn Tùng ở xã Tú An (thị xã An Khê, Gia Lai) từng là nông dân sản xuất giỏi giờ cũng phải thảng thốt, lo âu: Chưa bao giờ thấy khó khăn như năm nay. Tiền nợ ngân hàng giờ không biết xoay chuyển nguồn nào để trả. Tết Nguyên đán xong đã hanh khô đến rộc cả người. Gần chục héc ta mía nguyên liệu như các năm trước đạt 40-50 tấn, năm nay chỉ được hơn 10 tấn, không đủ tiền nhân công và phân bón. Hàng trăm hộ trồng mía khác cũng lâm cảnh như vậy. Ước tính có 1.200 hộ dân ở An Khê bị ảnh hưởng nặng nề bởi khô hạn.
Thống kê của UBND thị xã An Khê cho thấy, toàn thị xã có trên 3.000 héc ta mía nguyên liệu. Ảnh hưởng của thời tiết đã làm sản lượng tụt giảm đi khoảng hơn một nửa. Hơn 160 công trình thủy lợi trải đều trên địa bàn thì hàng loạt công trình đã cạn, một số công trình còn nước thì tỷ lệ rất thấp nên cung ứng không đủ cho nhu cầu của người dân.
Chung cảnh buồn như An Khê, hơn 500 giếng đào ở huyện Chư Sê (Gia Lai) cũng cạn kiệt nước tưới, 5.000 hộ dân trực tiếp trồng trọt hoa màu ở các điểm khô hạn thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Các huyện Ayun Pa, Đăk Pơ, Krông Pa cũng đối diện với cảnh thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Đặc biệt, dòng sông Ba vắt qua Kon Tum, Gia Lai và đổ về Phú Yên bao đời nay cung cấp phù sa và nước tưới cho hàng triệu hộ dân sản xuất, trồng trọt. Nhưng từ sau Tết đến nay, nước sông nhiều đoạn cạn gần trơ đáy, "cát tặc” thì đua nhau sâu xé, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân, nguy cơ dòng sông cũng biến dạng.
Các tin khác
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.
Cần có chiến lược quản lý thị trường tín chỉ carbon đang nổi ở Việt Nam và dùng lợi nhuận có được từ hoạt động mua bán tín chỉ để thúc đẩy bền vững về môi trường...
Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành.
Suốt 11 năm, lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao la, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã bền bỉ tuần tra, thực hiện tháo gỡ bẫy dây, giúp giảm 40% số lượng bẫy, góp phần giảm các mối đe dọa đối với động vật hoang dã ở một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất Việt Nam.