Thanh Hóa: Sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/4/2020 | 9:20:33 Sáng

Xác định tài nguyên nước (TNN) giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống, là điều kiện đầu tiên để duy trì sự sống của con người nên đòi hỏi quá trình khai thác, sử dụng nguồn nước phải hợp lý, hiệu quả và mang tính bền vững. Những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương thực hiện nhiều giải pháp quản lý nguồn nước theo phương thức tổng hợp, toàn diện, hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường trước diễn biến của biến đổi khí hậu.

Sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.

Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng TNN, cùng với công tác tuyên truyền, hàng năm, Sở TN&MT ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng nguồn TNN. Công tác quản lý TNN được tăng cường, từng bước đi vào nền nếp, năm 2019, Sở TN&MT tham mưu cho UBND tỉnh triển khai phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước; hoàn thành tổ chức thực hiện đo triều mặn trên hệ thống sông Mã, sông Yên, sông Bạng. Bên cạnh đó, Sở cũng đã phối hợp với Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra TNN miền Bắc xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng cạn kiệt nguồn nước tại các giếng nước sinh hoạt của các hộ dân tại Yên Thọ (Yên Định) và đề xuất giải pháp khắc phục. Cùng với đó, Sở TN&MT đã trình UBND tỉnh cấp 103 giấy phép hoạt động TNN; thu hồi cấp 3 giấy phép khai thác sử dụng nước dưới đất. Tổ chức kiểm tra hiện trường, lấy mẫu phân tích chất lượng nước thải, nước nguồn tiếp nhận để giải quyết việc xin xả nước thải vào nguồn nước của Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh (Ngọc Lặc); Nhà máy Đường Việt Nam - Đài Loan (Thạch Thành); Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Bá Thước (Bá Thước); Công ty CP Mía đường Nông Cống (Nông Cống)...

Cũng trong năm qua, Phòng TNN chủ trì, phối hợp với Thanh tra sở, Chi cục Bảo vệ môi trường và các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật về TNN đối với 20 đơn vị có hoạt động TNN trên địa bàn tỉnh. Nội dung kiểm tra tập trung chủ yếu vào việc chấp hành pháp luật về TNN trong hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả, tác hại do nước thải của các tổ chức sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy, về cơ bản các đơn vị, tổ chức đã chấp hành tốt quy định của pháp luật về TNN và giấy phép được cấp; có ý thức trong việc khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và đầu tư, nâng cấp, hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi xả ra nguồn tiếp nhận. Nhiều đơn vị đã đầu tư hệ thống công trình nhằm xử lý triệt để chất lượng nước thải đạt quy chuẩn để tuần hoàn sử dụng cho các mục đích khác nhau, tiết kiệm chi phí, tận dụng nguồn nước và bảo vệ môi trường; bổ sung, lắp đặt thiết bị quan trắc, lập sổ theo dõi, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở TN&MT theo quy định của Luật TNN. Tuy nhiên, theo đánh giá, vẫn còn một số đơn vị chưa chấp hành đầy đủ các nội dung được pháp luật quy định, như: Chưa lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước và xả nước thải; chưa lắp đặt thiết bị đo lưu lượng khai thác, sử dụng nước, xả nước thải; chưa ban hành quy trình vận hành hệ thống xử lý nước thải; chưa lập sổ theo dõi diễn biến mực nước dưới đất trong quá trình khai thác; chưa chấp hành đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ...

Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chức năng của Sở TN&MT đã tích cực phối hợp với đơn vị liên quan thực hiện công tác đo triều mặn trên hệ thống sông Mã, sông Yên và sông Bạng. Kết quả đo triều mặn đã bổ sung chuỗi số liệu phục vụ công tác điều tra cơ bản TNN, tính toán dự báo xâm nhập mặn phục vụ công tác chống hạn trong năm 2020 và các giai đoạn tiếp theo. Kết quả thực đo cũng được gửi tới các ngành, địa phương liên quan trong tỉnh để có kế hoạch khai thác, sử dụng nước hợp lý, hiệu quả.

Để quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững TNN, thời gian tới, Sở TN&MT tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TNN đến các tổ chức, cá nhân, người dân; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của TNN trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội; tăng cường công tác kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt; tiếp tục triển khai thực hiện các phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước; lập danh mục và bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh…
 
Theo TRẦN HẰNG/ Báo Thanh Hóa
  •  
Các tin khác

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.

Cần có chiến lược quản lý thị trường tín chỉ carbon đang nổi ở Việt Nam và dùng lợi nhuận có được từ hoạt động mua bán tín chỉ để thúc đẩy bền vững về môi trường...

Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành.

Suốt 11 năm, lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao la, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã bền bỉ tuần tra, thực hiện tháo gỡ bẫy dây, giúp giảm 40% số lượng bẫy, góp phần giảm các mối đe dọa đối với động vật hoang dã ở một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất Việt Nam.