Để nguồn nước ngầm không cạn kiệt
- Cập nhật: Thứ hai, 25/5/2020 | 11:58:45 Sáng
Từ những thông tin trong bài: "Nước ngầm đứng trước nguy cơ cạn kiệt" đăng trên Báo Đồng Nai, nhiều bạn đọc (BĐ) đã bày tỏ sự đồng tình trước vấn đề mà bài báo đặt ra là nếu ngay từ bây giờ không có giải pháp cấp bách và quyết liệt với tình trạng khai thác tràn lan, nguồn nước ngầm sẽ có nguy cơ bị cạn kiệt, dẫn đến không thể phục hồi.
* Nước ngầm không phải là tài nguyên vô tận
BĐ Nguyễn Ngọc Phương Lan (ngụ P.Tam Hòa, TP.Biên Hòa) bày tỏ lo lắng, hiện nay, tình trạng khô hạn, thiếu nước trong sinh hoạt, sản xuất đang xảy ra tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Đồng Nai. Nước là nhu cầu thiết yếu nhất của con người, nhưng nếu khai thác tràn lan như hiện tại thì cả nguồn nước mặt và nước ngầm sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt. Đây là một thực tế đáng lo ngại mà các ngành chức năng cần quan tâm để sớm có giải pháp khắc phục.
Nhiều năm công tác trong ngành bảo vệ môi trường tại Đồng Nai, ông Phan Văn Hết (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) cũng cho rằng, cần sớm triển khai các giải pháp cấp bách để bảo vệ nguồn nước ngầm. Vì các tầng nước ngầm được hình thành từ rất lâu và được tích tụ trong các túi nước. Nếu không quản lý được tình trạng khai thác nước ngầm quá trữ lượng, khai thác nguồn nước sai quy trình an toàn thì không lâu nữa, nguồn nước ngầm không chỉ cạn kiệt mà còn không thể sử dụng được và phải mất thời gian rất lâu mới có thể hồi phục.
Theo ông Phan Văn Hết, thực tế trữ lượng nước ngầm có thể tự tái tạo, bổ sung bằng nguồn nước mưa, nước sông... nhưng chất lượng nước thì rất khó hồi phục. Càng khai thác, các túi nước càng cạn khô và tạo thành những dòng chảy thông nhau giữa các túi. Khi đó, nếu một túi nước khai thác sai quy trình an toàn làm nước bị ô nhiễm sẽ lây sang những túi nước khác, khiến cho hệ thống nước ngầm bị nhiễm bẩn chung. Nghiêm trọng hơn, việc sụt giảm nguồn nước ngầm còn gây ra tình trạng sụt lún đất nền. Nhiều năm trước, các ngành chức năng của tỉnh đã có cảnh báo về tình trạng đất nền trên địa bàn tỉnh bị sụt lún do khai thác nước ngầm quá mức.
* Cần có những biện pháp cấp bách
Tình trạng khai thác nước ngầm quá trữ lượng và tràn lan diễn ra từ nhiều năm qua. Đến nay, việc quản lý, khai thác nước ngầm đang được UBND tỉnh cũng như ngành chức năng "siết” chặt hơn, nhưng những vi phạm trong khai thác nước ngầm vẫn chưa chấm dứt.
Thời tiết nắng nóng, đất đai khô hạn, nhiều hộ dân ở các huyện miền núi như: Xuân Lộc và Tân Phú đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước cả trong sinh hoạt lẫn tưới tiêu cho cây trồng. BĐ Dương Văn An (xã Lang Minh, H.Xuân Lộc) cho biết, hiện nay, mặc dù biết việc khoan giếng bị cấm nhưng nếu không khoan giếng thì không có nước để tưới cây. Năm nay mùa mưa đến muộn, giếng nước khô hạn, gần 3ha vườn xoài, quýt nhà ông đang khô héo dần vì "khát nước”.
"Chúng tôi rất mong Nhà nước sớm có giải pháp hỗ trợ xây dựng thêm các công trình thủy lợi ở những vùng thường xuyên khô hạn nặng như ở xã Lang Minh để người dân có đủ nước sử dụng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp” - BĐ Dương Văn An kiến nghị.
Ông Trần Ngọc Ánh, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (Sở NN-PTNT), là đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng, quản lý và vận hành 13/93 công trình cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh cho biết, hiện nay, tại nhiều khu vực ở các huyện: Xuân Lộc, Tân Phú, trữ lượng nước ngầm sụt giảm nghiêm trọng, gây khó khăn trong công tác khai thác và cung cấp nước cho người dân.
Để hạn chế tình trạng khai thác nước ngầm trái phép, kéo giảm nguy cơ nước ngầm bị khai thác kiệt gây giảm sút trữ lượng, ông Ánh cho rằng, việc quy hoạch khai thác nước ngầm trên địa bàn cần được quản lý chặt chẽ hơn nữa, trong đó cần chế tài, xử lý nghiêm, quyết liệt hơn đối với những doanh nghiệp, cá nhân cố tình khai thác nước ngầm trái phép hoặc khai thác quá trữ lượng cho phép.
Nhiều ý kiến BĐ cũng cho rằng, ngoài những giải pháp quản lý khai thác nước ngầm của ngành chức năng, tự mỗi tổ chức, cá nhân cần nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm nguồn nước, cũng như ý thức bảo vệ môi trường, không vứt rác thải, xả nước thải bừa bãi ra môi trường; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất để tiết kiệm tối đa nguồn nước dành cho sản xuất. Đó cũng là những giải pháp thiết thực trong việc hạn chế khai thác nước ngầm bừa bãi, góp phần bảo vệ nguồn nước ngầm cũng như chất lượng nguồn nước bền vững cho hiện tại và tương lai.
Các tin khác
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.
Cần có chiến lược quản lý thị trường tín chỉ carbon đang nổi ở Việt Nam và dùng lợi nhuận có được từ hoạt động mua bán tín chỉ để thúc đẩy bền vững về môi trường...
Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành.
Suốt 11 năm, lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao la, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã bền bỉ tuần tra, thực hiện tháo gỡ bẫy dây, giúp giảm 40% số lượng bẫy, góp phần giảm các mối đe dọa đối với động vật hoang dã ở một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất Việt Nam.