Bình Thuận cạn kiệt nguồn nước

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/5/2020 | 9:09:27 Sáng

Đối với nguồn nước tự nhiên tại Bình Thuận, do tình hình khô hạn kéo dài nên các sông, suối đều đã cạn kiệt, mực nước ngầm cũng suy giảm nghiêm trọng. Hiện nay, các giếng khoan, giếng đào ở các địa phương của tỉnh đều rơi vào tình trạng cạn nước, nhiều nơi khô cạn hoặc bị nhiễm mặn.

Ngày 25/5, Bộ NNPTNT làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận để nắm bắt tình hình hạn hán ở địa phương nhằm tìm các giải pháp ứng phó.

UBND tỉnh Bình Thuận thông tin, hiện lượng nước còn lại trong các hồ chứa thủy lợi trên toàn tỉnh chỉ còn khoảng trên 11 triệu m3, đạt khoảng 4,3% dung tích thiết kế. Lượng nước tại hồ thủy điện Đại Ninh cũng chỉ còn trên 12 triệu m3 (đạt 4,82% dung tích thiết kế), hồ thủy điện Hàm Thuận còn 103 triệu m3 (chỉ đạt 19,73% dung tích thiết kế). Đối với nguồn nước tự nhiên, do tình hình khô hạn kéo dài nên các sông, suối đều đã cạn kiệt, mực nước ngầm cũng suy giảm nghiêm trọng. Hiện nay, các giếng khoan, giếng đào ở các địa phương của tỉnh đều rơi vào tình trạng cạn nước, nhiều nơi khô cạn hoặc bị nhiễm mặn.

UBND tỉnh Bình Thuận nhận định, tỉnh đang đối mặt với đợt nắng nóng gay gắt nhất trong suốt 10 năm qua ở địa phương và khiến tình trạng hạn hán càng trở nên nghiêm trọng. Tình hình sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt tại các huyện như Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và cả TP Phan Thiết đều bị ảnh hưởng. Trong vụ Đông Xuân 2019-2020, Bình Thuận phải cắt giảm gần 14 nghìn ha diện tích lúa, bắp và vụ Hè Thu năm nay chỉ trồng ở khu vực đồng bằng La Ngà thuộc khu tưới của đập dâng Tà Pao. Hiện nay, còn khoảng 30 nghìn ha lúa đang phải chờ mưa, chưa thể sản xuất theo kế hoạch do thiếu nguồn nước. Ngoài ra, hàng chục nghìn ha cây trồng khác bị thiếu nước, ảnh hưởng đến năng suất.

Về nước sinh hoạt, toàn tỉnh có 43 xã, phường, thị trấn bị thiếu cục bộ với khoảng trên 27 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng. Nhiều nơi của tỉnh, người dân phải mua nước để phục vụ các nhu cầu cấp thiết trong sinh hoạt với giá giao động từ 60.000 đồng-120.00 đồng/m3.

Để ứng phó tình hình hạn hán, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị tỉnh Bình Thuận tiếp tục thực hiện các giải pháp về tích trữ nguồn nước. Trong đó chú trọng tới thời gian hoàn thiện các công trình thủy lợi đang thực hiện để đến năm 2022 địa phương cơ bản chủ động được nguồn nước tưới. Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng gợi mở các giải pháp thúc đẩy sản xuất phù hợp với tình hình như tính toán tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi hợp lý cơ cấu cây trồng, cây chịu hạn để thích ứng với biến đổi khí hậu.
 
Theo Báo Đại đoàn kết
  •  
Các tin khác

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.

Cần có chiến lược quản lý thị trường tín chỉ carbon đang nổi ở Việt Nam và dùng lợi nhuận có được từ hoạt động mua bán tín chỉ để thúc đẩy bền vững về môi trường...

Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành.

Suốt 11 năm, lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao la, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã bền bỉ tuần tra, thực hiện tháo gỡ bẫy dây, giúp giảm 40% số lượng bẫy, góp phần giảm các mối đe dọa đối với động vật hoang dã ở một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất Việt Nam.