Bức tử hồ Đại Lải:Bí thư, Chủ tịch Vĩnh Phúc đã làm hết trách nhiệm?
- Cập nhật: Thứ sáu, 3/7/2020 | 10:01:26 Sáng
Nhiều người cho rằng, việc hồ Đại Lải bị “bức tử” đã được Bộ NNPTNT cảnh báo tuy nhiên các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc vẫn thờ ơ nên để xảy ra thực trạng như hiện nay.
Công trường khổng lồ trên mặt hồ
Hiện tượng phá núi lấp hồ xảy ra tại hồ Đại Lải thuộc địa bàn thành phố Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) từ đầu năm 2020, báo chí đã phản ánh. Theo đó, hàng chục ha mặt hồ đang bị xâm hại nghiêm trọng. Đứng từ sân golf Đại Lải hoặc đi thuyền du lịch tới đảo Ngọc giữa hồ Đại Lải có thể dễ dàng nhận thấy cả một khu vực kéo dài hàng km mặt hồ Đại Lải thuộc địa bàn xã Ngọc Thanh (thành phố Phúc Yên) bị biến thành một công trường xây dựng khổng lồ. Đất đồi đỏ quạch được những chiếc máy xúc, máy ủi san gạt thẳng xuống lòng hồ.
Tại đây, một diện tích rộng tới hàng chục ha đã được san gạt phẳng với mức cốt cao hơn mặt hồ chừng 2m. Nhiều con đường nội bộ rộng đã được cấp phối chia ô nối với các khu đất dự kiến sẽ trở thành những khu biệt thự.
Trả lời báo Nhân Dân, ông Lưu Tiến Chung – Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh cho biết: "Khu vực đang tiến hành san lấp mặt bằng thuộc địa bàn thôn Đại Quang, xã Ngọc Thanh. Khu vực này đang thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam, đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận đầu tư, giao đất quy hoạch chi tiết 1/500.
Theo đó, từ năm 2006 UBND tỉnh Vĩnh Phúc có quyết định giao đất cho một doanh nghiệp thực hiện dự án tổ hợp sân golf và biệt thự nghỉ dưỡng với tổng diện tích gần 300 ha. Sau đó dự án được tách ra thành hai phần, dự án sân golf đã thực hiện với diện tích 142 ha. Phần đất còn lại với tổng diện tích 156,9 ha thuộc quản lý của Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam, tới cuối năm 2019 họ tiến hành san lấp xây dựng biệt thự”.
Ông Nguyễn Đức Chính – Giám đốc Công ty TNHH MTV thủy lợi Phúc Yên (Đơn vị quản lý hồ Đại Lải) cho biết: "Đã có rất nhiều người chất vấn chúng tôi rằng diện tích hồ Đại Lải là bao nhiêu. Tôi khẳng định tất cả thông tin về diện tích hồ Đại Lải là không chính xác vì tới nay chưa có một cuộc khảo sát nào làm căn cứ khoa học khẳng định diện tích hồ. Do hồ Đại Lải chịu trách nhiệm cung cấp nước phục vụ nông nghiệp của hai địa bàn là tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội nên đơn vị quản lý hồ chịu sự quản lý song song của UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn”.
Dù là những người trực tiếp quản lý hồ Đại Lải nhưng dường như ông Nguyễn Đức Chính – Giám đốc Công ty TNHH MTV thủy lợi Phúc Yên rất "hào hứng” khi nói tới thông tin chưa có cuộc khảo sát thực tế hồ Đại Lải này diện tích là bao nhiêu? Khi được hỏi tại sao đơn vị không tham mưu với cơ quan chức năng cấp trên tiến hành khảo sát hồ Đại Lải để làm cơ sở bảo tồn, giữ nguyên diện tích hồ, bảo đảm an toàn thủy lợi cũng như đáp ứng nhu cầu tưới tiêu ông Chính trả lời "khảo sát tốn kém lắm”.
Biết sai phạm vẫn thực hiện?
Theo báo Nhân Dân, tại kết luận kiểm tra số 253/KL-TCTL-PCTTr ngày 20-2-2020 nêu rõ, việc giao đất, cho thuê đất và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải cho các doanh nghiệp thực hiện dự án, trong đó có diện tích được tôn nền để xây dựng công trình, làm giảm dung tích hữu ích và dung tích phòng lũ của hồ chứa, ảnh hưởng đến nhiệm vụ và an toàn của hồ là vi phạm quy định của pháp luật về thủy lợi.
Công ty TNHH Đại Lải đã san nền, đổ đất xuống lòng hồ trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải, thực hiện các hoạt động nhưng không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hoặc hoạt động không đúng nội dung quy định của giấy phép đã được cấp là vi phạm quy định của pháp luật về thủy lợi.
Để bảo đảm an toàn cho công trình hồ Đại Lải và bảo vệ chất lượng nước hồ chứa, thực hiện quy định của pháp luật về thủy lợi và pháp luật khác liên quan, Tổng cục Thủy lợi đã kiến nghị với UBND tỉnh Vĩnh Phúc dừng toàn bộ hoạt động của các doanh nghiệp thi công, đào đất, san lấp tạo mặt bằng trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải. Tuy nhiên, theo quan sát của PV, cho đến nay, các doanh nghiệp vi phạm vẫn ngang nhiên triển khai các hoạt động.
Theo kết quả kiểm tra bốn doanh nghiệp đang có hoạt động kinh doanh, xây dựng trong phạm vi hồ Đại Lải tại văn bản số 253/KL-TCTL-PCTTr ngày 20-2-2020, cho thấy, ba trong số bốn doanh nghiệp chưa có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định, cũng như chưa có giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi.
Cho đến nay, cả ba công ty gồm: Công ty TNHH Đại Lải, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Hằng và Công ty TNHH Đạt Tiến đều đã và đang thi công bồi lấp mặt nước hồ Đại Lải không đúng với quyết định được cấp, vi phạm Luật Thủy lợi.
Tuy nhiên, không hiểu sao các cơ quan chuyên môn và chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc lại không hề biết và không có biện pháp quyết liệt ngăn chặn những sai phạm giữa thanh thiên bạch nhật như vậy!?
Tỉnh cho phép doanh nghiệp đổ đất san lấp hồ?
Tại Quyết định 41/QĐ-UBND ngày 5/11/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải cho Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho phép Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam triển khai dự án với diện tích được quy hoạch lên tới 156,9ha xây dựng Khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng với quy mô dân số khoảng 4.500 người.
Tại quyết định phê duyệt quy hoạch này, bao gồm nhiều loại đất như đất thương phẩm, công trình công cộng, đất giao thông, đất trồng cây xanh… trong đó diện tích lớn nhất là đất ở với 603.940m2 (chiếm 38,48%).
Theo Báo Giao Thông, với việc cấp phép cho Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam đổ đất san lấp tới cốt nền thấp nhất là 17,65m, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cho phép Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam đổ đất san lấp tới lòng hồ Đại Lải.
Được biết, tại văn bản 253/KL-TCTL-PCTTr ngày 20-2-2020 của Tổng cục Thủy lợi đã kiến nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc dừng toàn bộ các hoạt động của các doanh nghiệp thi công đào đất san lấp tạo mặt bằng trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải từ cao trình +23m trở xuống phía lòng hồ.
Đồng thời rà soát có giải pháp xử lý, khắc phục tồn tại về việc san lấp tôn nền lấn chiếm đất trong phạm vi lòng hồ báo cáo về Bộ NN-PTNT qua Tổng cục Thủy lợi trước ngày 30-3-2020. Tuy nhiên, mặc dù rất nhiều các cuộc họp của sở ban ngành tỉnh Vĩnh Phúc nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận về vụ việc này.
Theo báo Nhân Dân, chiều 1-7, đoàn công tác liên ngành Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) và Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) do ông Nguyễn Đắc Long – Vụ trưởng Vụ pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Thủy lợi) làm trưởng đoàn đã tới Vĩnh Phúc làm việc với các cơ quan chức năng liên quan về vụ việc.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đắc Long cho biết nội dung làm việc của đoàn công tác liên ngành nhằm kiểm tra việc thực hiện kết luận số 253 ngày 20-3-2020 của Tổng cục Thủy lợi về những vi phạm trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải.
Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Đắc Long phê bình các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh Vĩnh Phúc chậm trễ trong việc triển khai kết luận 253 dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp vi phạm "nhờn luật”.
Ông Long đề nghị Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục có văn bản đôn đốc UBND thành phố Phúc Yên sớm ra quyết định xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp vi phạm.
Theo báo An Ninh Thủ Đô, ngày 1/7, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đã có văn bản số 1204 gửi Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) về việc phối hợp xử lý vi phạm hồ chứa nước Đại Lải, tỉnh Vĩnh Phúc.
Văn bản đề nghị Cục Cảnh sát môi trường cử cán bộ phối hợp với Tổng cục Thủy lợi kiểm tra, làm rõ những nội dung vi phạm tại hồ Đại Lải.
Các tin khác
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.
Cần có chiến lược quản lý thị trường tín chỉ carbon đang nổi ở Việt Nam và dùng lợi nhuận có được từ hoạt động mua bán tín chỉ để thúc đẩy bền vững về môi trường...
Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành.
Suốt 11 năm, lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao la, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã bền bỉ tuần tra, thực hiện tháo gỡ bẫy dây, giúp giảm 40% số lượng bẫy, góp phần giảm các mối đe dọa đối với động vật hoang dã ở một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất Việt Nam.