Bắc Giang triển khai hiệu quả công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/2/2021 | 8:55:12 Sáng

Sông Cầu chảy qua tỉnh Bắc Giang có chiều dài 106 km, diện tích lưu vực khoảng 6.064 km2, phục vụ cho các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt của người dân với trữ lượng nước khoảng 384 triệu m3/năm. Hiện nay, ven sông Cầu có 11 công trình cấp nước sinh hoạt với tổng công suất 1.920 m3/ngày đêm. Trên địa bàn tỉnh có 3 huyện: Yên Dũng (5 xã với tổng số 37.268 người), Hiệp Hòa (10 xã, tổng số 107.281 người) và Việt Yên (5 xã, tổng số 44.503 người) nằm ven lưu vực sông (LVS) Cầu.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có sông Thương bắt nguồn từ huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, chảy qua tỉnh Bắc Giang nhập với sông Cầu tại khu vực xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, có chiều dài 157 km, diện tích lưu vực 3.600 km2, cung cấp 483,73 triệu m3/năm nước; sông Lục Nam bắt nguồn từ huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn, chảy qua tỉnh Bắc Giang hợp lưu với sông Thương và sông Cầu tại xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, với chiều dài khoảng 175 km, diện tích lưu vực 3.070 km2, cung cấp 376,7 triệu m3/năm nước phục vụ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt của người dân khu vực xung quanh.
Chất lượng môi trường nước trên LVS Cầu
Thời gian từ năm 2016 đến nay, chất lượng nguồn nước sông Cầu chảy qua địa phận tỉnh Bắc Giang dần được cải thiện, tuy nhiên, còn một số đoạn bị suy giảm nghiêm trọng, thường xuyên có màu đen, mùi hôi thối, cá chết hàng loạt tại địa phận các xã thuộc huyện Việt Yên và Yên Dũng. Nguyên nhân chính là do hoạt động xả nước thải từ sông Ngũ Huyện Khê, tỉnh Bắc Ninh (năm 2016 xảy ra 1 lần, năm 2017 xảy ra 4 lần, năm 2018 khoảng 11 lần, năm 2019 khoảng 7 lần, các tháng đầu năm 2020 khoảng 3 lần, đặc biệt sau những ngày trời mưa to); hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải các cụm công nghiệp (CCN), đô thị chưa đồng bộ; tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt của tỉnh còn thấp... Cử tri, nhân dân, chính quyền địa phương và Công ty TNHH FuGiang (chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Vân Trung) nhiều lần có ý kiến; cùng với đó, các phương tiện thông tin đại chúng cũng nhiều lần phản ánh về tình trạng trên. Theo đó, Sở TN&MT, UBND tỉnh Bắc Giang đã làm việc và có văn bản đề nghị tỉnh Bắc Ninh, Bộ TN&MT giải quyết… nhưng đến nay, tình trạng trên chưa được giải quyết dứt điểm. Cũng theo kết quả quan trắc của Sở TN&MT Bắc Giang năm 2020 cho thấy, số lượng các thông số ô nhiễm gia tăng hơn năm 2019, chủ yếu ô nhiễm bởi hàm lượng các thông số hữu cơ (BOD5, COD, amoni, nitrat, nitrit, SS và coliform) vượt từ 1,02 - 5,65 lần vào mùa mưa và từ 1,09 - 6,08 lần vào mùa khô.
Bên cạnh đó, hoạt động của khu xử lý rác thải xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh gây ô nhiễm mùi, khí thải... làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân khu vực xã Thắng Cương, Tư Mại, Yên Lư thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Ngoài ra, tình trạng xả rác thải sinh hoạt, xác động, thực vật chết (đặc biệt đợt dịch tả lợn châu Phi năm 2019) ra khu vực công cộng, ven đường giao thông, sông, suối, kênh, mương... gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường (ÔNMT); đặc biệt là rác thải từ các tỉnh giáp ranh phía thượng nguồn các dòng sông (tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn). Mặt khác, tình trạng đổ trộm, đốt chất thải công nghiệp tại các khu vực công cộng, ven đường giao thông gây ÔNMT và ảnh hưởng đến hoạt động giao thông, đời sống của nhân dân...
bac-giang-trien-khai-hieu-qua-cong-tac-bao-ve-moi-truong-luu-vuc-song-cau
Đoàn công tác của Ủy ban BVMT sông Cầu kiểm tra thực tế khu xử lý nước thải tập trung tại KCN Đình Trám (Việt Yên, Bắc Giang)
Kết quả thực hiện Đề án BVMT LVS Cầu giai đoạn 2006 - 2020
Thực hiện "Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan LVS Cầu", giai đoạn 2006 - 2020, tỉnh Bắc Giang đã ban hành 76 văn bản (Nghị quyết, Kế hoạch, quy định, đề án...). Đồng thời, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch tài nguyên môi trường tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (Quyết định số 62/2006/QĐ-UBND ngày 17/10/2006); Đồ án Quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh Bắc Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 730/QĐ-UBND ngày 22/5/2013); Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 955/QĐ-UBND ngày 28/12/2017); Quy hoạch khu xử lý rác thải y tế tại 3 cụm trên địa bàn tỉnh (các Quyết định số 1572, 1573, 1574/QĐ-UBND ngày 25/8/2016). Về quan trắc môi trường, UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh giai đoạn 2010 - 2020 (Quyết định số 2008/QĐ-UBND ngày 4/11/2015), thực hiện quan trắc 2 lần/năm vào mùa mưa và mùa khô đối với 153 vị trí về nước mặt, nước dưới đất, không khí xung quanh và môi trường đất; tháng 8/2020 đã phê duyệt báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh giai đoạn 2016 -2020. Hiện nay, tỉnh đang lập dự án đầu tư, lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đối với nước mặt và môi trường không khí xung quanh trên địa bàn (dự kiến triển khai vào năm 2021) và Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó có Quy hoạch BVMT, quản lý chất thải rắn, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và phân vùng BVMT.
Hàng năm, UBND tỉnh giao Sở TN&MT tổ chức thực hiện quan trắc môi trường định kỳ; điều tra, thống kê, cập nhật cơ sở dữ liệu nguồn thải; điều tra, đánh giá chất lượng môi trường khu, CCN và khu vực xung quanh; đánh giá chất lượng các bãi chôn lấp, lò đốt rác thải; chất lượng môi trường làng nghề, chất lượng môi trường LVS Cầu... Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5/5 KCN đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung; 10/27 CCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 15/25 cơ sở phát sinh nguồn nước thải lớn đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động và truyền số liệu về Sở TN&MT theo dõi, giám sát; 4 cơ sở (KCN Quang Châu, KCN Hòa Phú, CCN Hợp Thịnh và làng nghề nấu rượu truyền thống xã Vân Hà) có nguồn thải trực tiếp ra LVS Cầu đã đầu tư, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt của tỉnh còn thấp, tại khu vực đô thị chỉ đạt 40,63%, ở các khu dân cư tập trung (nhất là ven các KCN, CCN) lượng nước thải sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý triệt để. Tổng lượng nước thải phát sinh từ các khu đô thị, khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh khoảng 90.000 m3/ngày (tại 3 huyện ven sông Cầu phát sinh khoảng 25.000 m3/ngày), trong đó chỉ có TP. Bắc Giang có Nhà máy xử lý nước thải tập trung công suất 10.000 m3/ngày (đảm bảo xử lý khoảng 50%).
Cùng với đó, công tác BVMT làng nghề cũng được tỉnh quan tâm, hiện nay, làng nghề Vân Hà đã đầu tư, xây dựng và vận hành hệ thống tập trung; tình trạng ÔNMT tại các làng nghề dần được cải thiện; hầu hết chất thải phát sinh từ các hộ gia đình làm nghề được tái sử dụng, hạn chế xả thải ra môi trường, số hộ làm nghề đã giảm nhiều so với trước. Đồng thời, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt được chú trọng, tăng cường, đặc biệt trong năm 2020, Ban thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 27/2/2020 huy động toàn dân thu gom, xử lý triệt để rác thải ra môi trường, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 9/7/2020 quy định hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng các lò đốt rác và hoạt động xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 - 2025; kế hoạch triển khai thực hiện công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh dần đi vào nề nếp, có lộ trình đầu tư nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ hiện đại, đến nay, tỷ lệ rác thải được thu gom đạt 88,7%, tỷ lệ xử lý đạt 89,6%.
Trong giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với trên 1.000 cơ sở, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính đối với 617 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền trên 26,5 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn phối hợp với Tổng cục Môi trường tổ chức thanh tra đối với 92 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính đối với 70 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 10 tỷ đồng. Sau khi được đôn đốc, kiểm tra, xử lý, các cơ sở sản xuất đã thực hiện nghiêm việc khắc phục vi phạm, đầu tư các công trình BVMT theo quy định. Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM, tăng cường đôn đốc, giám sát chủ đầu tư sau khi báo cáo ĐTM được phê duyệt. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh  đã thẩm định, phê duyệt 838 dự án; kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT đối với 169 dự án thuộc đối tượng. Đến nay, có 21/23 cơ sở được chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để, đạt tỷ lệ 91,3%, còn lại 2 cơ sở chưa hoàn thành gồm: Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh - nay là Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh và Bãi rác thải thị trấn Neo, huyện Yên Dũng đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị xác nhận theo quy định, hoàn thành trong năm 2020. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh không phát sinh cơ sở mới cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng.
Nhìn chung, việc triển khai Đề án BVMT LVS Cầu giai đoạn 2006 - 2020 đã góp phần nâng cao nhận thức về BVMT của các tổ chức kinh tế, tầng lớp nhân dân; công tác quản lý nhà nước về BVMT được tăng cường; hệ thống quy định, cơ chế, chính sách địa phương về BVMT được rà soát, bổ sung từng bước đồng bộ; nội dung BVMT đã được lồng ghép vào các dự án, quy hoạch phát triển; công tác phòng ngừa, kiểm soát nguồn gây ÔNMT được chú trọng; việc lập, thẩm định đánh giá tác động môi trường được quan tâm; hoạt động thanh tra, kiểm tra về môi trường được đẩy mạnh; đầu tư cho công tác BVMT ngày càng tăng, ngoài ưu tiên bố trí ngân sách các cấp, đã thực hiện tốt việc lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án và đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội. Đặc biệt, chất lượng các thành phần môi trường trên địa bàn tỉnh dần được cải thiện. Môi trường nước mặt và môi trường không khí đã có sự chuyển biến tích cực so với năm trước. Chất lượng môi trường đất ổn định và ở trạng thái tốt. Những vấn đề bức xúc, điểm nóng về môi trường từng bước được kiểm soát và tập trung giải quyết; các KCN đang hoạt động đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung; các doanh nghiệp có nguồn phát thải lớn đã thực hiện lắp đặt quan trắc tự động theo quy định; công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải có sự quan tâm, nỗ lực; tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt được nâng lên; không phát sinh mới các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng. Đến nay, tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành 7/10 chỉ tiêu trong Đề án BVMT LVS Cầu, còn 3 chỉ tiêu chưa đạt gồm: Tỷ lệ nâng độ che phủ của rừng toàn lưu vực, khôi phục cơ bản rừng đầu nguồn đã bị suy thoái (đạt 38%/43%); Tỷ lệ xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng (91,3%/100%); Tỷ lệ khu đô thị có hệ thống xử lý nước thải (45%/60%).
Kế hoạch BVMT LVS sau năm 2020
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Đề án còn tồn tại hạn chế nhất định như một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật BVMT, còn tình trạng xử lý chất thải chưa đạt quy chuẩn cho phép, chưa thực hiện ĐTM, chưa được xác nhận hoàn thành công trình BVMT đã đi vào hoạt động. Môi trường nước mặt và không khí mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn bị ô nhiễm cục bộ. Mức độ ô nhiễm nước sông Cầu có xu hướng tăng, nguyên nhân chính do hoạt động xả thải từ sông Ngũ Huyện Khê, tỉnh Bắc Ninh. Trên địa bàn tỉnh vẫn còn 2 cơ sở chưa hoàn thành xử lý triệt để ÔNMT nghiệm trọng theo yêu cầu. Đầu tư xây dựng công trình BVMT còn khó khăn, nhất là việc triển khai thực hiện dự án nhà máy xử lý rác thải. Hiện chỉ có TP. Bắc Giang có trạm xử lý nước thải, công suất 10.000 m3/ngày, đêm, các đô thị còn lại chưa có trạm xử lý nước thải tập trung. Công tác phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh đã được UBND tỉnh, các Sở, ngành, địa phương chủ động tích cực giải quyết song vẫn còn gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc vào trách nhiệm, khả năng đầu tư của các tỉnh có nguồn thải xả thải vào môi trường tiếp nhận.
Nhằm thực hiện hiệu quả công tác BVMT LVS sau năm 2020, tỉnh sẽ tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh truyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn, thống nhất cao hơn trong nhận thức của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về BVMT, từ đó, nêu cao quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác BVMT. Tăng cường gắn trách nhiệm và duy trì nền nếp chế độ đi cơ sở kiểm tra tình hình môi trường của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.
Thứ hai, rà soát, hoàn thiện, bổ sung các quy định về BVMT phù hợp với điều kiện thực tiễn: Thực hiện Quy hoạch BVMT trong Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh đến năm 2030; chú trọng lồng ghép nội dung BVMT trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành, địa phương, vào các phong trào, cuộc vận động xã hội, ban hành cơ chế hỗ trợ hoạt động thu gom, xử lý rác thải.
Thứ ba, tăng cường công tác phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ÔNMT bao gồm: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy định về đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư; rà soát, đôn đốc, yêu cầu các cơ sở đầu tư công trình BVMT và thực hiện việc xác nhận hoàn thành theo quy định. Kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa triệt để tình trạng xả thải nước thải chưa qua xử lý, xả trộm ra môi trường của các nhà máy. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác BVMT các dự án, cơ sở sản xuất. Thực hiện công bố công khai các cơ sở gây ÔNMT trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về môi trường. Tăng cường phối hợp với các tỉnh liên quan giải quyết vấn đề ÔNMT liên vùng, kiến nghị với Bộ TN&MT có cơ chế giám sát đặc biệt các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm trên LVS, khu vực giáp ranh giữa các tỉnh. Mở rộng kết nối và công khai kết quả quan trắc môi trường tự động. Yêu cầu các cơ sở có nguồn thải lớn (nước thải, khí thải) hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động theo quy định (hiện tại còn 6 cơ sở thuộc đối tượng chưa thực hiện lắp đặt).
Đồng thời, tranh thủ các chương trình từ Trung ương về đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc môi trường tự động (không khí, nước mặt). Tiếp tục lựa chọn, thu hút doanh nghiệp đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các CCN trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung; kiểm tra đôn đốc các doanh nghiệp làm chủ đầu tư các CCN nhanh chóng xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nhằm đạt mục tiêu trong năm 2020 là 50% CCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải.
Thứ tư, tập trung giải quyết vấn đề môi trường nông thôn. Về thu gom, xử lý rác thải: Tập trung thực hiện Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải của tỉnh. Các địa phương tăng cường các biện pháp xử lý tại các bãi rác đảm bảo vệ sinh môi trường; xây dựng lộ trình, bố trí kinh phí cải tạo, nâng cấp các khu xử lý đã có chưa đảm bảo yêu cầu về BVMT. Đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư dự án Nhà máy xử lý rác thải tại thành phố Bắc Giang trong năm 2020. Đối với xử lý nước thải trong các khu dân cư: Thực hiện xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước trong các khu dân cư tập trung theo chương trình xây dựng nông thôn mới; duy trì định kỳ ra quân vệ sinh môi trường, khơi thông hệ thống cống, rãnh thoát nước, ao, hồ; quy định, yêu cầu các hộ gia đình làm nghề thủ công, chăn nuôi trong khu dân cư phải đảm bảo vệ sinh môi trường; TP. Bắc Giang hoàn thành nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tập trung từ 10.000 lên 20.000 m3/ngày, đêm; 28/39 làng nghề hoàn thành việc lập phương án BVMT và yêu cầu các hộ tham gia sản xuất trong các làng nghề thực hiện các biện pháp BVMT theo quy định.
Thứ năm, tập trung hoàn thành việc xử lý 2 cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng (khu xử lý rác thải tập trung thị trấn Neo, huyện Yên Dũng và Cơ sở cai nghiện ma túy).
Trương Công Đại
Chi cục trưởng Chi cục BVMT Bắc Giang

  •  
Các tin khác

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.

Cần có chiến lược quản lý thị trường tín chỉ carbon đang nổi ở Việt Nam và dùng lợi nhuận có được từ hoạt động mua bán tín chỉ để thúc đẩy bền vững về môi trường...

Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành.

Suốt 11 năm, lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao la, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã bền bỉ tuần tra, thực hiện tháo gỡ bẫy dây, giúp giảm 40% số lượng bẫy, góp phần giảm các mối đe dọa đối với động vật hoang dã ở một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất Việt Nam.