Giải pháp tổng hợp để thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/4/2016 | 9:40:13 Sáng

(tapchicapthoatnuoc.vn) - Tại hội thảo “Giải pháp tổng hợp để thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, tại thành phố Cần Thơ ngày 20/4, ô ng Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Xâm nhập mặn khiến 220.000 ha lúa bị thiệt hại và 250.000 hộ ở Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước sinh hoạt.

Theo ông Tỉnh, biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra trên thế giới ngày một phức tạp, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề. Thực tế, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, hạn hán, xâm nhập mặn đã xảy ra nghiêm trọng ở nước ta từ cuối năm 2014 đến nay. Cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung bộ, Tây Nguyên bị ảnh hưởng nặng và theo dự báo El Nino tiếp tục ảnh hưởng, kéo dài đến giữa năm 2016. Ông Tỉnh nhấn mạnh, trong năm 2015 Đồng bằng sông Cửu Long không có lũ nên lượng nước trữ trong hệ thống công trình thủy lợi và các vùng thấp trũng bị thiếu hụt, kèm theo mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kong bị giảm, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua. Xâm nhập mặn vào đất liền sâu nhất lên đến 90 km và hiện tượng xâm nhập mặn chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc xâm nhập mặn.

Ông Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho biết: Hiện Đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện một số vấn đề mới phát sinh và cần được giải quyết. Thhời gian qua, tại Đồng bằng sông Cửu Long tình trạng hạn mặn diễn ra trái với quy luật tự nhiên, mặn sớm hơn, nguồn nước suy giảm nên cần có những giải pháp thích ứng và những công trình mới chống xâm nhập mặn cấp bách. C huyển đổi của vùng sản xuất tôm lúa vùng ven biển Tây khá mạnh mẽ những năm gần đây nên c ần có rà soát bổ sung điều chỉnh quy hoạch, cần có giải pháp điều chỉnh về mặt công trình lấy nước trọng điểm của Sóc Trăng, Bạc Liêu nhằm chủ động cấp nước, ngăn mặn… Đối với phòng chống lũ, kiểm soát mặn, cấp nước cho nông nghiệp thì q uan điểm là sống chung với lũ một cách chủ động; triệt để hạn chế lũ tràn từ biên giới vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bằng hướng thoát lũ ra biển Tây. Trong đó, phải đảm bảo không gian trữ lũ, thoát lũ; tập trung nạo vét các trục kênh thoát lũ biển Tây; nâng cấp và làm mới các trục thoát lũ, dẫn nước, tiêu nước cho các vùng Tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau, đặc biệt các vùng ven biển. Song song đó, các địa phương trong vùng tiếp tục xây dựng và nâng cấp các cụm tuyến dân cư và bảo vệ các thị trấn, thị xã, thành phố trong vùng ngập do lũ và nước biển dâng; cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, xem xét các tuyến giao thông nông thôn khi xây dựng mô hình nông thôn mới trong vùng ngập theo cao trình mới, đồng thời đảm bảo khả năng thoát lũ.

Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam khuyến cáo, thời gian tới cần tăng cường khả năng cấp nước ngọt từ sông Hậu cho vùng bán đảo Cà Mau, hạn chế và tiến tới không sử dụng nước ngầm trong nông nghiệp; tận dụng nước mưa cho sản xuất, sinh hoạt và tăng cường đầu tư xây dựng các trạm bơm cho vùng không có khả năng tưới, tiêu tự chảy. Cùng với đó, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống phân ranh mặn ngọt, khép kín các vùng ngọt hóa; cải tiến và thay thế hệ thống cống ngăn mặn sang hệ thống cưỡng bức để có thể chủ động trong việc phòng chống xâm nhập mặn. Đặc biệt là xây dựng nạo vét các kênh trục nhằm tăng chường khả năng tiếp ngọt, dần dần từng bước khép kín hệ thống công trình để chủ động điều tiết.

Đối với phòng chống triều cường và nước biển dâng, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cũng đề xuất giải pháp nâng cấp, xây dựng mới đê biển, đê sông thích ứng với nước biển dâng. Đối với cấp, tiêu thoát nước cho nuôi trồng thủy sản đề hướng tới mục tiêu sản xuất nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, đòi hỏi hệ thống thủy lợi phải đảm bảo năng lực cấp mặn, ngọt, tiêu thoát nước tách rời hoàn toàn; đặc biệt là đối với mô hình sản xuất nuôi tôm thâm canh – bán thâm canh. Đối với mô hình sản xuất nuôi thâm canh – bán thâm canh cần tập trung nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới hệ thống kênh, cống, trạm bơm và mạng đường ống cấp nước mặn tách biệt từ hệ thống kênh cấp 1 (trên các kênh cấp mặn bố trí các trạm bơm nước và mạng đường ống cấp nước), khi đó toàn bộ hệ thống kênh cấp 2 trở xuống sẽ chỉ làm nhiệm vụ tiêu thoát nước. Riêng đối với mô hình sản xuất tôm – lúa, quảng canh, rừng – tôm thì sử dụng hệ thống kênh mương cấp thoát chung, tuy nhiên cần phải đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi hiện có (kênh rạch, cống, đê, trạm bơm…) để tăng cường khả năng cấp, thoát nước...

Trước tình hình biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn đe dọa đến đời sống người dân, vùng sản xuất lương thực lớn nhất nước, Tiến sĩ Nguyễn Nghĩa Hùng - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển hạ tầng nông thôn (thuộc Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam) cho biết: Thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương tập trung xem xét các giải pháp ứng phó. Trong đó , Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã hoàn thành dự án "Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long" với mục tiêu nâng cao năng lực lập kế hoạch thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu cho các hoạt động quản lý và sử dụng tài nguyên đất và nước tại một số tỉnh được lựa chọn ở khu vực. Dự án sẽ tác động trực tiếp khoảng 1,183 triệu ha với tổng dân số 3,95 triệu người tại 26 huyện của 9 tỉnh, thành phố trong khu vực. Dự án sẽ hỗ trợ cả về hạ tầng và kỹ thuật nuôi trồng cho gần 48.000 ha, đào tạo hơn 40.000 người dân có khả năng chuyển đổi thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, về hạ tầng, dự án cũng sẽ giúp vùng nâng cấp tổng số 470 km bờ bao, xây dựng 192 cống các loại, bảo vệ 27 km bờ biển; nâng cấp đai rừng ngập mặn trên tuyến 50km, tổng diện tích bảo vệ là 10.000 ha, trồng rừng sản xuất là 1.200 ha…

Theo Tin môi trường
  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.