Nếp sống lạc hậu nơi chung cư

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/4/2016 | 11:04:18 Sáng

(tapchicapthoatnuoc.vn)- Sống ở chung cư, thỉnh thoảng phải hứng nước tiểu từ lầu trên dội xuống, hoặc sáng ra ở ban công thì thấy một cái bao tránh thai ai đó vứt bỏ…

LTS: Cùng ở chung một khu nhà, làm thành một cộng đồng thu nhỏ nhưng mỗi cá nhân, mỗi căn hộ có cách nghĩ, nếp sống khác nhau. Để duy trì văn minh chung cư, đòi hỏi mỗi người biết tự điều tiết thái độ và hành vi cá nhân. Tuy vậy, nhiều người trong số đó lại có những hành xử quá tùy tiện.

T ôi sống ở một chung cư tại quận 2, TP.HCM. Gần tháng nay, chiều nào đi làm về, mở cửa sau tôi cũng ngửi thấy mùi khai của nước tiểu từ góc ban công, phía giàn chanh leo và mấy chậu cảnh. Tôi tưới cây bằng nước sạch mỗi ngày, không bón mấy thứ bốc mùi khó chịu cho cây như ruột cá hay phân bò… thì cái mùi khó chịu kia từ đâu ra?

Hỏi thăm người hàng xóm kế bên, bà cho biết cũng nghe có mùi khó chịu từ phía nhà tôi bay sang nhưng… chưa tiện hỏi hay nhắc nhở.

Không thể tìm ra nguồn gốc của cái mùi kia, chiều nào tôi cũng phải gò lưng dội nước, cọ ban công cho sạch. Nhưng chỉ được vài bữa, chuyện lặp lại khiến tôi vô cùng bực mình. Chỉ còn một nghi ngờ là nước tiểu có thể từ các lầu trên rơi xuống. Nhưng chưa bắt được quả tang thì không thể có cách xử lý được. Nếu đi hỏi các nhà lầu trên, chắc chắn chẳng ai nhận lỗi.


Tại một số chung cư cũ, rác vẫn xả bừa bãi. Ảnh chụp ngày 19-4 tại chung cư Ngô Gia Tự, quận10, TP.HCM. Ảnh: HTD

Tôi tranh thủ những ngày cuối tuần để “mật phục”. Một sáng thứ Bảy, tôi đã tóm được thủ phạm dội “bom nước tiểu”. Thằng bé cỡ 14-15 tuổi đứng trên lầu 3, sau hồi nghiêng ngó đã tè thẳng vô giàn chanh leo nơi góc ban công căn hộ tôi ở (lầu 1). Không thể giữ bình tĩnh, tôi chạy ngay ra khỏi quán cà phê, đứng dưới đường kêu: “Thằng bé áo cam trên lầu kia, sao tè xuống nhà cô?”. Vì chung cư không có ban quản lý nên tôi báo tình hình với tổ trưởng tổ dân phố. Mấy ngày nay, tình hình trên mới chấm dứt.

Chuyện tôi vừa kể trên chỉ là cá biệt. Việc đang đứng hóng gió, ngắm cảnh thì bị lầu trên dội nước trúng đầu là chuyện không có gì lạ. Không biết nước đó là nước giặt đồ, rửa rau hay tưới cây nhưng ngày nào cũng như ngày nào, nước vẫn trút xuống rào rào. Tôi từng lên tận nơi nhắc nhở hộ ở lầu trên nhưng họ vẫn cứ vậy.

Lại có bữa vừa phơi quần áo xong, tôi chưa kịp quay vô nhà thì đất đen từ trên trời rớt xuống bẩn cả ban công, bám đầy quần áo. Hóa ra một người ở lầu trên đang trộn đất trồng rau.

Bực mình nhất vẫn là rác thải đột nhiên bay xuống và đậu lại trước nhà, nào giẻ rách, mắc áo cũ, chai lọ, hộp nhựa, chổi cùn, dây điện, muỗng, chén… Lâu lâu sáng vừa mở cửa nhìn ra ban công đã thấy đập vào mắt là miếng băng vệ sinh, mảnh bỉm trẻ con, thậm chí là bao tránh thai đã qua sử dụng.

Vì là chung cư cũ nên khu tôi ở không có ban quản lý. Bởi vậy, ai cũng có thể làm những điều mình thích mà không cần quan tâm đến việc đó có ảnh hưởng xấu đến người khác hay không. Một nhà hát karaoke vào giờ không phù hợp, lập tức cả chung cư bị tra tấn lỗ tai. Có lần nhà hàng xóm cùng lầu ăn đồ nướng, đặt thau than ngoài hành lang, khói và mùi thịt nướng bay mù mịt, len lỏi vô từng nhà, ám vào quần áo, đồ đạc. Nhắc nhở thì họ cự lại, đại loại là người ta sẽ nói hành lang là của chung, muốn không khói thì đi mà đóng cho kín cửa, có ai nướng thịt ngay trước cửa nhà chị đâu…

Cứ thế chung cư biến thành một nơi hỗn tạp, nhếch nhác vì “không gian này là của chung”. Ai xả rác cứ tiếp tục xả rác, ai tưới nước cứ tưới nước, còn ai không thích thế thì cứ việc đóng cửa. Biết sao bây giờ?

Bị tắm nước tưới cây của hộ trên lầu

Sở dĩ tôi chọn ở chung cư vì có bảo vệ trực 24/24 giờ nên rất an ninh. Nhưng ở chung cư cũng gặp lắm rắc rối khi hàng xóm lầu trên không có ý thức. Tôi thường bị người ở lầu trên đổ nước xuống. Một buổi sáng Chủ nhật, tôi và mấy người bạn đang ngồi cà phê dưới tầng trệt. Đang ngồi nói chuyện say sưa thì chúng tôi nghe một cái ào, thế là cả người ướt như chuột lột, nhìn lên thì thấy một chị đang tưới nước cây cảnh. Quá bực tức, tôi báo ngay cho bảo vệ và ban quản trị nhưng việc xử lý chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở rồi thôi. Tình trạng “tắm nước tưới cây” của chủ hộ tầng trên không những tôi mà nhiều người khác cũng bị. Vừa rồi, một hộ ở trên còn vô tình làm rơi cả chậu cây xuống đất, may mắn không trúng ai. Đã ở chung cư thì mọi người nên có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh chung, không nên ảnh hưởng đến người khác.

Nguyễn Thị Thanh Thủy
(chung cư Thái An, quận 12, TP.HCM)

Xả rác nơi công cộng

Ông bà ta có câu “nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”. Khu vực tôi ở dù ngày nào cũng có đội vệ sinh quét dọn nhưng thỉnh thoảng rác sinh hoạt vẫn vung vãi ở những lối đi công cộng. Số rác thải này không phải do nhân viên vệ sinh dọn không sạch mà là do một số dân cư để bừa bãi ra ngoài lối đi, làm hôi thối cả khu vực. Mới đây, khi vừa mở cửa ra, tôi bắt gặp một anh bỏ rác ngay lối đi thay vì để đúng nơi quy định, tôi góp ý thì anh ta trả lời có nhân viên dọn mà lo gì. Chưa hết, sáng sớm đang tập thể dục dưới khuôn viên chung cư, lại bắt gặp một chị ăn sáng xong vứt rác ngay xuống đất dù thùng rác cách đó chỉ vài bước. Tuy nội quy của chung cư có quy định là không được xả rác bừa bãi nhưng chỉ nhắc nhở nên không ai sợ.

Trần Tuấn K. (chung cư 584, quận Tân Phú, TP.HCM)

NGUYỄN HIỀN ghi

Theo PLO

  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.