Sở TN&MT Hà Tĩnh giám sát hoạt động xả thải của Formosa như thế nào?

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/4/2016 | 9:06:48 Sáng

(capthoatnuocvietnam.vn) - “Đường ống ngầm xả thải ra biển tại khu kinh tế Vũng Áng đã được Bộ TN&MT cấp phép hoạt động, hợp quy chuẩn, không có gì lén lút, nhưng đơn vị sử dụng là Formosa đang xả cái gì vào trong đó lại là một chuyện hoàn toàn khác”, câu nói thận trọng của ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ TN&MT được dư luận đặc biệt quan tâm, liên quan đến những nghi vấn xả độc tố ở Formosa Hà Tĩnh.

Tại sao xuất hiện sự nghi vấn đường ống xả thải đã được cấp phép?

Đến thời điểm này đã gần một tháng từ khi xuất hiện cá chết bất thường tại khu vực biển miền Trung, các cơ quan chức năng đang ráo riết vào cuộc để tìm ra thủ phạm. Nguyên nhân của sự việc vẫn đang chờ kết luận chính thức từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng một sự chú ý mà trở thành tâm điểm của dư luận trong những ngày qua là ống xả thải của khu liên hợp công nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

Mọi nghi vấn có thể đúng hoặc sai nhưng đây không phải ngẫu nhiên mà con mắt của dư luận lại hướng vào tâm điểm này. Cá chết hàng loạt xảy ra vào ngày 6/4, xuất hiện ở khu vực Cảng Vũng Áng rồi tiếp đến các tỉnh lân cận ở phía nam như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Sự trùng lặp ở chỗ là hiện tượng giống như một cái gì đó đang lây lan, có diễn biến sự việc một cách tuần tự và ngày càng lan rộng, gây hoang mang cho dư luận.

Các phương tiện thông tin đại chúng đã nhanh chóng  phản ánh, lãnh đạo Trung ương đã chỉ đạo các cơ quan kiểm soát về môi trường và nuôi trồng thủy hải sản vào cuộc để lấy mẩu kiểm tra, đưa ra nhận định ban đầu. Theo đó, có ba nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra để phân tích là cá chết do bệnh, ô nhiễm nguồn nước và do độc tố.

Ngày 23/4, một cuộc họp bất thường diễn ra tại Hà Tĩnh gồm Bộ TN&MT; Bộ NN&PTNT cùng đại diện 4 tỉnh có liên quan thông báo tình hình và đưa ra kết quả điều tra ban đầu. Ngay sau khi Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đưa ra nhận định kết quả ban đầu: Cá chết do độc tố. Các chuyên gia khoa học sau đó cũng lý giải, độc tố có rất nhiều loại, do con người gây ra như độc tố hóa học hoặc do tự nhiên. Mặt khác, dựa trên đặc điểm của hiện tượng cá chết các chuyên gia khẳng định đó là một loại độc tố rất mạnh.

Điểm xả thải của các cơ sở sản xuất được tập trung chú ý, cơ quan chức năng vào cuộc rất mạnh mẽ. Khi có thông tin, trước đó Formosa Hà Tĩnh đã nhập 45 loại hóa chất để súc rửa đường ống được Bộ Công Thương cấp phép, nhiều giả thiết đã được đặt ra: Nguồn gốc nước súc rửa đường ống sau đó đi đâu, có được xử lý đạt chuẩn quan trắc trước khi cho ra môi trường hay không...?.

Ống xả thải của Fomosa được người dân nhìn thấy chôn sâu dưới biển hàng chục mét, nối từ khu công nghiệp ra biển dài khoảng gần 2km, thải ra nước có màu khác thường. Một nghi vấn khác, nếu Formosa có xả thải chưa qua xử lý thì liệu cơ quan chức năng sẽ phát hiện bằng cách nào…?.

Tại cuộc họp liên Bộ với đại diện bốn tỉnh có liên quan, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết: “Đường ống ngầm xả thải tại khu kinh tế Vũng Áng đã được Bộ TN&MT cấp phép hoạt động, hợp quy chuẩn, không có gì lén lút, nhưng đơn vị sử dụng là Formosa đang xả cái gì vào trong đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.” Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, việc giám sát trực tiếp thuộc Sở TN&MT Hà Tĩnh.

Ông Phan Lam Sơn – Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh
Ông Phan Lam Sơn – Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh

Sở TN&MT Hà Tĩnh đang giám sát xả thải như thế nào tại Formosa?

Sự việc cá chết bất thường trong nhiều ngày qua khiến dư luận hoang mang, đã cho thấy sự chủ động trông công tác kiểm soát về môi trường của ngành TN&MT tỉnh Hà Tĩnh còn nhiều hạn chế; Sở TN&MT Hà Tĩnh đã kiểm soát môi trường như thế nào tại một dự án lớm mang tầm cỡ như Formosa…?.

Theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về quy hoạch bảo vệ môi trường, tất cả các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội; thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải đánh giá tác động môi trường. Bản đánh giá (ĐTM) bao gồm đánh giá tác động, cam kết môi trường, đề án bảo vệ do chủ đầu tư trình bày, phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cấp giấy phép trước khi đi vào hoạt động.

Được biết, từ tháng 3/2015, hệ thống xả thải của khu liên hiệp Formosa bắt đầu chạy thử nghiệm, tới tháng 12/2015 nhận được giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hệ thống xả thải có công suất dự tính ban đầu là 43.000 m3 một ngày đêm, tuy nhiên do công ty chưa chính thức đi vào hoạt động nên hiện mỗi ngày, lượng nước thải chỉ là 11.000 m3.

Như vậy, từ khi hệ thống xử lý môi trường của Formosa đi vào hoạt động, cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường, trực tiếp là Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh đã bằng cách nào để kiểm soát việc chấp hành quy định xả thải hàng ngày của khu công nghiệp Formosa?. Câu hỏi mà khiến dư luận đang hết sức băn khoăn…!.

Vấn đề này phóng viên  Báo điện tử TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Phan Lam Sơn - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh.Theo ông Phan Lam Sơn cho biết: Hoạt động xử lý xả thải của Formosa đã được Bộ TN&MT cấp phép trước khi chính thức đi vào hoạt động. Theo đó, đơn vị này đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để theo dõi, những chỉ số về môi trường đều đạt chuẩn trước khi xả thải.

“Ngoài ra, quá trình hoạt động, theo định kỳ 3 tháng chủ đầu tư (Formosa) thuê đơn vị thứ ba tiến hành quan trắc để đánh giá các chỉ số về môi trường, gần đây nhất là tháng 3/2016 và đã có báo cáo lên Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh. Việc thực hiện báo cáo định kỳ cũng được phía chủ đầu tư thực hiện đầy đủ”, ông Phan Lam Sơn cho biết.

Đề cập đến hệ thống quan trắc tự động tại Formosa, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết: Muốn hoạt động hiệu quả phải được đấu nối trực tiếp với cơ quan quản lý. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống của Formosa chưa được đấu nối với Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh nên công tác giám sát hàng ngày còn nhiều hạn chế.

Như vậy, hình thức mà Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh đang giám sát quá trình chấp hành về môi trường trong hoạt động của Fomosa là: Cứ ba tháng (90 ngày) Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh mới nhận được báo cáo thông tin, còn các chỉ số quan trắc tự động được cập nhật hàng ngày lên hệ thống của Formosa hầu như không nắm được.

Chất tẩy rửa đường ống ở Formosa có phải là độc tố gây cá chết hàng loạt hay không mới chỉ là một trong vô số những nghi vấn, người dân không trông chờ điều đó xảy ra. Tuy nhiên, một giả sử được đặt ra với phương án giám sát này: Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh liệu có dám khẳng định hóa chất tẩy rửa đường ống mà Formosa sử dụng đã được kiểm soát chặt chẽ, đủ điều kiện xả ra môi trường hay chưa?; Nếu có việc Formosa lén lút xả thải qua hệ thống đường ống sâu dưới mặt nước biển hàng chục mét thì làm cách nào để kịp thời phát hiện…? và cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sự việc này?.

Theo Báo Tài nguyên môi trường

  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.