Thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng do hạn hán, xâm nhập mặn
- Cập nhật: Thứ tư, 4/5/2016 | 9:18:58 Sáng
(capthoatnuocvietnam.vn) - Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT cho biết, thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, ĐBSCL đã lên tới 5.572 tỷ đồng. Hơn 1,5 triệu người dân đang hàng ngày thiếu nước sinh hoạt với những rủi ro lớn đến sức khỏe.
Bộ NN&PTNT cho biết, từ cuối năm 2014, hiện tượng El Nino đã ảnh hưởng đến Việt Nam làm cho nền nhiệt độ tăng cao, thiếu hụt lượng mưa là nguyên nhân gây ra hạn hán, xâm nhập mặn, gây thiệt hại nặng nề và tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh. Đến thời điểm hiện tại, hạn hán và xâm nhập mặn vẫn tiếp tục diễn ra rất gay gắt tại Việt Nam.
Theo thông tin tổng hợp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, tính đến ngày 22/4/2016, thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL như sau: thiệt hại về lúa: 240.215 ha; về hoa màu: 18.335 ha; cây ăn quả: 55.651 ha; cây công nghiệp: 104.106 ha; thủy sản: 4.641 ha; gây thiếu nước sinh hoạt: khoảng 400.000 hộ. Tổng thiệt hại ước tính là 5.572 tỷ VN đồng (tương đương gần 300 triệu USD). Nhưng điều nghiêm trọng hơn là hơn 1,5 triệu người dân (của 400.000 hộ) đang hàng ngày thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh với những rủi ro lớn đến sức khỏe và sinh hoạt. Hơn nữa, những thiệt hại về lúa và cây ngắn ngày có thể được bù đắp vụ sản xuất sau, nhưng với cây công nghiệp và cây ăn quả thì tổn thất kéo dài ít nhất 4-5 năm sau, khi đó vườn trồng lại mới có thể cho thu hoạch.
Để đối phó có hiệu quả với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL, Bộ NN&PTNT đề nghị Liên Hợp Quốc hỗ trợ các nội dung sau:
Thực hiện hỗ trợ, cứu trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân bị thiệt hại nặng nề do hạn hán, xâm nhập mặn để thực hiện các giải pháp chống hạn hán, xâm nhập mặn. Tổng kinh phí yêu cầu khẩn cấp là 48,5 triệu USD, hỗ trợ các nội dung sau: Hỗ trợ vận chuyển nước sinh hoạt, cung cấp vật liệu xử lý nước và dụng cụ đựng nước, dụng cụ vệ sinh cho người nghèo và phụ nữ dễ bị tổn thương, cải thiện điều kiện vệ sinh tại cac trường học.
Hỗ trợ lương thực hoặc tiền mua lương thực cho các hộ bị thiếu ăn, cung cấp giống cây trồng cho hộ nghèo để khôi phục sản xuất, cung cấp thức ăn cho gia súc.
Cung cấp trị liệu thực phẩm và bổ sung vi chất dinh dưỡng để hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng tại cộng đồng và bệnh viện (27.500 trẻ em); cung cấp chất bổ sung vi chất dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai (39.000 người) và cho con bú.
Cung cấp thuốc và vật tư y tế thiết yếu cho các trung tâm y tế xã, bệnh viện huyện và cơ sở y tế khác; tăng cường năng lực giám sát của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh; hỗ trợ năng lực cho các cơ sở y tế để duy trì khám sức khỏe hàng ngày; hỗ trợ cải tạo đất bị nhiễm mặn, cấp nước cho khu vực bị hạn hán, xâm nhập mặn nặng; cung cấp vật nuôi cho các hộ nghèo ở vùng bị ảnh hưởng nặng.
Tài trợ vốn ODA đầu tư các dự án ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL. Hỗ trợ tăng cường thể chế, nâng cao năng lực quản lý hạn hán, xâm nhập mặn.
Theo Dân trí
Các tin khác
Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".
Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.
Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.
Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.