Giao thông tại thủ đô Bangkok, Thái Lan | Ảnh: Kallerna, 2019
Cũng như Hà Nội, Bangkok đã chật vật với ô nhiễm không khí từ nhiều năm nay. Theo Tổ chức xếp hạng chất lượng không khí, năm 2019, Thái Lan đứng thứ 28 trong số những quốc gia có chất lượng không khí do ô nhiễm bụi PM2.5 tồi tệ nhất thế giới, khiến tuổi thọ trung bình của người dân có thể giảm 2 năm.
Tuy nhiên năm ngoái, Bangkok đã đạt được một thành tích đáng kể - lần đầu tiên, nồng độ PM2,5 trung bình năm ở đây hạ xuống và đạt mức tiêu chuẩn quốc gia là 25 µg/m³(bằng với quy chuẩn về không khí xung quanh của Việt Nam hiện nay; mức khuyến cáo của WHO là 10 µg/m³).
Nồng độ PM2.5 trong không khí Bangkok cách đây nửa thập kỷ là 34 µg/m³ (năm 2016). Sau nhiều năm chần chừ, thủ đônày đang tăng cường các biện pháp đối phó với "kẻ sát nhân thầm lặng”.
Đầu tư cho nghiên cứu
Từ nhiều năm nay, Thái Lan đã thực hiện nhiều nghiên cứu quan trọng về ô nhiễm không khí. Theo TS. Supat Wangwongwatana (Khoa Y tế Công cộng, Đại học Thammasat Campus-Rangsit, Thái Lan), một trong những cố vấn cấp cao cho các chương trình quản lý chất lượng không khí của Thái Lan, các nghiên cứu được chia làm 2 phần: Một phần nghiên cứu theo chuỗi thời gian 5 năm để xem xét mối quan hệ giữa nồng độ bụi PM2.5 và từng bệnh cụ thể, và một phần đánh giá tác động của các mức PM2.5 đã giảm được trong những năm gần đây dựa trên việc thực thi các chính sách kiểm soát khí thải.
Ban đầu Thái Lan dành nhiều năm trời xem xét về bụi PM10. Sau đó, khi vấn đề bụi PM2.5 phát sinh và trở nên cấp thiết trên toàn thế giới, họ tiếp tục mở rộng những đánh giá với loại chất ô nhiễm nhỏ hơn này dưới sự tài trợ của Quỹ nghiên cứu quốc gia và các nguồn ngân sách địa phương khác.
Tình hình dữ liệu ở Bangkok tốt hơn Hà Nội. Mỗi quận đều được trang bị một máy quan trắc không khí. Thêm vào đó, Cục Kiểm soát Ô nhiễm Thái Lan (PCD) cũng đặt hơn 25 máy quan trắc PM2.5 ở Bangkok, nên riêng thủ đô đã có một hệ thống quan trắc mặt đất rộng khắp với hơn 75 máy. Do vậy, họ không phải dùng dữ liệu gián tiếp từ vệ tinh để tính toán nồng độ phơi nhiễm PM2.5 đối với cộng đồng dân cư như Hà Nội hiện nay.
Bangkok cũng không gặp quá nhiều vấn đề về dữ liệu sức khỏe. Những người tử vong đều được báo cáo khá đầy đủ trong hệ thống y tế công, mặc dù vẫn có một chút thiếu hụt do một số bệnh viện tư nhân không bắt buộc phải báo cáo. TS. Supat chia sẻ rằng họ "có đủ dữ liệu y tế để xem xét cụ thể ảnh hưởng đến từng bệnh liên quan đến phơi nhiễm bụi PM2.5" như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi, đột quỵ…
Kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn
Năm 2019 là một năm bước ngoặt. Sau khói mù nghiêm trọng vào tháng 2, Chính phủ Thái Lan tuyên bố khủng hoảng quốc gia và yêu cầu PCD đưa ra một kế hoạch hoạt động để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí. Năm 2020, Chính phủ đã tuyên bố kế hoạch hành động với bụi PM2.5 bao gồm các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để đối phó.
Thái Lan đặt trọng tâm vào kiểm tra lượng phát thải của các nguồn thải di động (tức các phương tiện giao thông), giảm lưu huỳnh trong nhiên liệu vận chuyển, và nâng cao tiêu chuẩn cho các xe mới từ Euro 5 lên Euro 6.
Đây là những việc đã bị trì hoãn trong hơn 15 năm kể từ ngày đầu đưa ra tiêu chuẩn dự kiến, theo chia sẻ của TS. Supat trên tờ Bangkok Post. Một số người không muốn đầu tư mới, vì vậy họ đã vận động chính phủ hoãn kế hoạch cho đến khi 'họ sẵn sàng'. Giờ đây, tín hiệu có vẻ khả quan hơn.
TS. Supat Wangwongwatana | Nguồn: CCAC, 2016
Kế hoạch nói trên còn tập trung vào đốt ngoài trời - nguồn đóng góp ô nhiễm lớn thứ hai tại Bangkok. Việc đốt rơm rạ không diễn ra ở Bangkok mà ở các tỉnh xung quanh, đặc biệt là phía Bắc. Tình hình này cũng khá giống với Hà Nội, khi chất lượng không khí ở khu vực nội thành bị ảnh hưởng bởi các nguồn ở ngoại thành và tỉnh lân cận.
Do đó, trong kế hoạch quốc gia, Thái Lan đã đưa vào những mục tiêu và giải pháp cụ thể liên quan đến toàn vùng rộng lớn. Chẳng hạn, quy định đến cuối năm 2022, toàn bộ các tỉnh phía Bắc sẽ không được đốt rơm rạ mà thay vào đó sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm nhiên liệu sinh khối hoặc các mục đích khác. Một số biện pháp khác tập trung vào việc giảm đốt hở ở khu vực phía Bắc cũng được quy định trong kế hoạch quốc gia.
Cơ chế phối hợp
Phần lớn các kế hoạch hành động và giải pháp về chất lượng không khí trực thuộc Bộ Năng lượng hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các bộ khác thực thi các quy định thông qua trách nhiệm của mình đối với chính quyền cấp tỉnh và địa phương.
Tuy nhiên, các chính sách thuộc thẩm quyền của các đơn vị khác nhau không phải lúc nào cũng có thể được thực hiện nhịp nhàng và tích hợp. Do vậy, Cục Kiểm soát ô nhiễm Thái Lan PCD (trực thuộc Bộ Tài nguyên & Môi trường) hoạt động như một cơ quan tư vấn cho các cơ quan khác về các vấn đề liên quan đến kiểm soát ô nhiễm, thực hiện giám sát các chất ô nhiễm và phát triển các kế hoạch và hệ thống quản lý chất lượng môi trường.
PCD sẽ cảnh báo các bộ liên quan, chẳng hạn như Bộ Công nghiệp, về việc cần phải hành động khi các giới hạn ô nhiễm đang bị vi phạm, thay vì tự nó có bất kỳ năng lực thực thi bởi đây là một cơ quan khá nhỏ.
PCD cũng làm việc với chính quyền các tỉnh để giúp đỡ họ trong thời gian cao điểm ô nhiễm. Ví dụ, phát triển công cụ dự báo chất lượng không khí để giúp xác định điều kiện thời tiết thích hợp có thể diễn ra hoạt động đốt ngoài trời và cảnh báo về những khu vực đốt đó.
Bên cạnh đó, cơ quan này còn có chức năng dự báo ô nhiễm không khí cho 3 - 5 ngày tiếp theo, và thu thập đầy đủ dữ liệu ô nhiễm không khí hàng ngày trên khắp Thái Lan báo cáo về để đăng tải lên website và các app di động cho công chúng tiếp cận rộng rãi.
Với những kết quả khả quan trong việc giảm ô nhiễm không khí 2 năm qua, TS Supat cho rằng mục tiêu tiếp theo của Bangkok và Thái Lan sẽ là hạ mức nồng độ phơi nhiễm PM2.5 và nồng độ tiêu chuẩn cho PM2.5 trung bình năm xuống thấp hơn.
"Chúng tôi nhìn thấy xu hướng Chính phủ sẽ thắt chặt mức tiêu chuẩn này", TS. Supat chia sẻ với các đồng nghiệp Việt Nam trong buổi hội thảo công bố báo cáo đầu tiên về tác động dài hạn của ô nhiễm không khí tới người dân Hà Nội.
Ông dự đoán mức tiêu chuẩn đối với PM2.5 của Thái Lan có thể sẽ hạ xuống 15 µg/m³trong vài năm tiếp theo, theo bước các nước láng giềng xung quanh như Malaysia.
Báo cáo gánh nặng bệnh tật toàn cầu (GBOD) ước tính tỷ suất tử vong liên quan đến ô nhiễm bụi PM 2,5 ở Việt Nam và Thái Lan lần lượt là 38,9 và 45,9 ca tử vong trên 100.000 dân vào năm 2019.
Theo một nghiên cứu của ĐH Công nghệ, trong năm 2019, nồng độ bụi PM 2,5 trung bình năm của các quận, huyện và thị xã ở Hà Nội nằm trong khoảng 28 đến 38 µg/m³, cao hơn mức quy chuẩn quốc gia QCVN 05:2013 là 25 µg/m³.
Trên toàn lãnh thổ Việt Nam, khu vực có ô nhiễm không khí do bụi mịn PM 2,5 cao nhất không chỉ tại Hà Nội mà còn ở các tỉnh thành lân cận như Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định...
Phong Du
Nguồn Khoa học & Phát triển