Mối nguy từ rác thải nhựa đại dương và một số giải pháp

  • Cập nhật: Thứ bảy, 11/9/2021 | 11:32:59 Sáng

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ TN&MT công bố đầu tháng 8/2021, tình trạng rác thải nhựa (RTN), trong đó có RTN đại dương đang là vấn đề nóng trên toàn cầu, đặc biệt là tại các quốc gia ven biển.

Vấn nạn toàn cầu
     Ước tính hơn 80% RTN đại dương hàng năm có nguồn gốc từ đất liền, trong đó đóng góp chính là RTN có kích thước lớn, bao gồm các vật dụng hàng ngày như vỏ chai, đồ uống và các loại bao bì đóng gói khác, bên cạnh đó là vi nhựa, phần còn lại là nhựa được xả trực tiếp trên biển, chủ yếu là từ hoạt động khai thác thủy sản, ví dụ như ngư cụ bị thất lạc hoặc thải bỏ.
     RTN đại dương trở thành mối nguy lớn cho môi trường biển bởi có số lượng lớn, đặc tính khó phân hủy trong môi trường biển và khả năng di chuyển xa. Các loại RTN thường gặp trong môi trường biển bao gồm nhựa Polypropylen (nhựa PP), nhựa Polyetylen (nhựa PE), nhựa Polyvinylclorua (nhựa PVC)… Tính trung bình, mỗi km2 mặt nước đại dương trên thế giới hiện nay chứa từ 13.000 - 18.000 mẩu RTN. 70% RTN ở biển sẽ chìm xuống đáy biển và phá hoại các hoạt động sống ở đáy biển. Cùng với đó, việc thải bỏ hoặc làm mất ngư cụ trong khai thác thủy sản, thải bỏ RTN trong các hoạt động khác diễn ra trên biển cũng chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Việc xả RTN bừa bãi cùng với một lượng lớn rác thải từ đại dương dạt vào các đảo, bãi tắm, đặc biệt trong mùa du lịch đang là vấn đề đáng báo động ở vùng ven biển và hải đảo.
     Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), năm 2018, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng RTN xả ra biển nhiều nhất trên thế giới, với khối lượng dao động từ 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng RTN ra biển và đứng thứ 4/20 quốc gia cao nhất. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3,8 kg/năm/người (năm 1990), tăng lên 54 kg/năm/người vào năm 2018, trong đó 37,43% sản phẩm là bao bì và 29,26% là đồ gia dụng (Hiệp hội nhựa Việt Nam, 2019). Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, RTN mới được quy định chung trong nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế; chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để quản lý, thu gom và xử lý trong tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường biển do RTN đại dương ngày càng nghiêm trọng.
     Nghiên cứu trong Chiến lược bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của thế giới (IUCN) về đánh giá số lượng và khối lượng rác thải trên 30 bãi biển tại 10 khu bảo tồn biển của Việt Nam cũng cho thấy, qua hai đợt khảo sát mùa khô và mùa mưa đã thu được 86.092 mảnh rác với nhiều kích cỡ khác nhau, khối lượng dao động từ 13 - 3.168 kg. Tính trung bình trên 100 m chiều dài bãi biển sẽ có số lượng rác thải là 7.374 mảnh và 94,58 kg.
     Báo cáo môi trạng môi trường biển và hải đảo của Bộ TN&MT cũng chỉ rõ, RTN có số lượng và khối lượng vượt trội so với các loại rác khác. Đáng lo ngại, trong RTN, loại chiếm tỷ trọng nhiều nhất về số lượng là phao xốp và dây thừng, lưới nhỏ. Tổng số lượng các sản phẩm này chiếm đến 47% về số lượng rác và 46% về khối lượng rác thải, tiếp đến là các loại RTN dùng một lần như hộp xốp đựng thức ăn, túi ni lông.
     Những nơi có mức ô nhiễm nhựa cao, phần lớn có vị trí hoặc nằm cạnh bến tàu, khu dân cư như bãi cửa sông Cái, bãi Vĩnh Hòa - Nha Trang hoặc tập trung nhiều hoạt động du lịch như bãi Tây, bãi Hang Câu trên và Hang Câu dưới -Lý Sơn, Hòn Mun - Nha Trang. Đặc biệt, tại khu vực đảo xa bờ, ít hoạt động du lịch như Côn Đảo, Hòn Cau, Bái Tử Long cũng bị ô nhiễm RTN với số lượng và khối lượng rác cao hơn so với các bãi nằm trên đất liền (Ninh Thuận, Quảng Trị) hoặc đảo ven bờ (Cát Bà, Cù Lao Chàm).
     Theo Bộ TN&MT, tuy số liệu chưa đủ để kết luận nguồn gốc của RTN tại các bãi biển nhưng có thể nhận định nguồn gốc RTN tại các đảo, vùng ven bờ ít có hoạt động du lịch và xa khu dân cư như Bạch Long Vĩ, Côn Đảo, Cát Bà, Bái Tử Long, Quảng Trị và Hòn Cau chủ yếu đến từ nguồn ngoài biển trôi dạt vào; các bãi nằm trên đất liền, gần khu dân cư hoặc địa điểm tập trung khách du lịch tại Nha Trang, Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Núi Chúa có nguồn gốc cả từ sinh hoạt, du lịch và trôi dạt từ biển.
Có thể nói, RTN đang là vấn nạn toàn cầu, là thách thức môi trường lớn thứ hai thế giới, sau biến đổi khí hậu. Cần phải làm gì để không có những "bãi rác ngầm dưới biển” là một câu hỏi đang được nhiều người quan tâm.
Nguyên nhân và một số giải pháp
     Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến biển Việt Nam đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng. Trong đó, nguồn gây ô nhiễm chính là nguồn thải trên đất liền và các nguồn thải trên biển (hoạt động vận tải trên biển, đánh bắt, sự cố thiên nhiên, chất thải trôi nổi trên biển và các hoạt động khác)…Cùng với đó, các quy định pháp lý, công tác giám sát việc thực thi các quy định về BVMT biển hiện nay còn hạn chế; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong ứng phó với sự cố môi trường biển chưa tạo được mối liên hệ chặt chẽ; ý thức và trách nhiệm về BVMT biển của người dân chưa cao…
     Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang quyết tâm đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm RTN nói chung, RTN đại dương nói riêng, thể hiện rõ nhất tại Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó đặt mục tiêu "Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu RTN đại dương”.
     Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng: "Tình trạng ô nhiễm RTN đại dương nói chung và RTN thủy sản nói riêng đang ngày càng ở mức báo động, thậm chí có những nơi trở thành vấn nạn”. Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang quyết tâm đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm RTN nói chung và RTN đại dương nói riêng. Tổng cục Thủy sản sẽ đồng hành cùng với ngư dân, tuyên truyền trên 28 tỉnh, thành ven biển, để chung tay giảm thiểu RTN, chung tay vì một nghề cá phát triển bền vững.
     Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới khởi động Chương trình "Đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh, những vấn nạn về RTN đối với môi trường hiện nay không phải lỗi của các sản phẩm nhựa. Lỗi thuộc về cách thức chúng ta sử dụng, thải bỏ không đúng cách. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi cách ứng xử với nhựa thông qua việc quản lý một cách khoa học, tăng cường tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa để kéo dài vòng đời của nhựa, góp phần giảm thiểu việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Chỉ như vậy, chúng ta mới phát huy được hết các tính năng của sản phẩm nhựa, góp phần BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu.
     Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền cũng đề xuất, cần điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng phát sinh, thu gom, xử lý RTN và hoàn thiện chính sách, quy định về quản lý chất thải nhựa; triển khai các hoạt động đào tạo, truyền thông và hợp tác quốc tế về quản lý RTN; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, triển khai mô hình, hoạt động quản lý RTN và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.
     Về cơ chế, chính sách, Bộ TN&MT sẽ đánh giá tổng thể thực trạng sản xuất, sử dụng các sản phẩm nhựa, sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; tình hình sản xuất, nhập khẩu sản phẩm hàng hóa chứa vi nhựa và ảnh hưởng của vi nhựa đến môi trường; phát sinh, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa và đề xuất các giải pháp, chính sách, quy định nhằm nâng cao hiệu quả quản lý.

Trần Tân
Nguồn Tạp chí Môi trường

  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.