Biến đổi khí hậu có thể khiến hàng trăm triệu người phải di cư

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/9/2021 | 3:24:37 Chiều

Vừa qua, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn tới sự di cư ngày càng gia tăng.

Biến đổi khí hậu có thể khiến hơn 200 triệu người rời bỏ nhà cửa trong ba thập kỷ tới và tạo ra các điểm nóng về di cư. Các khu vực được phân tích là châu Mỹ Latinh, Bắc Phi, châu Phi cận Sahara, Đông Âu - Trung Á, Nam Á; Đông Á -Thái Bình Dương.
Đại dịch châu chấu tại Kenya, một hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu. ẢNH: AP
Những hành động cấp thiết hiện nay cần thực hiện là thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế và giảm lượng khí thải toàn cầu. 
Trong phần thứ hai của báo cáo đã trình bày một số tác động của biến đổi khí hậu như gia tăng tình trạng khan hiếm nước, giảm năng suất cây trồng, hiện tượng mực nước biển dâng. Hậu quả có thể dẫn đến hàng triệu "người di cư khí hậu” vào năm 2050 mà báo cáo mô tả theo các kịch bản khác nhau. 
Theo kịch bản lạc quan, với mức phát thải thấp, phát triển kinh tế được cải thiện theo hướng bền vững và đồng đều hơn, thế giới vẫn có thể chứng kiến ​​sự di cư của 44 triệu người.
Theo trường hợp bi quan hơn, với mức phát thải cao và kinh tế phát triển không đồng đều, báo cáo dự báo có tới 216 triệu người phải di cư khỏi quốc gia của họ. 
Trong trường hợp bi quan nhất, báo cáo không đề cập đến con số tổng thể, nhưng châu Phi cận Sahara sẽ là khu vực di cư lớn nhất về số lượng, tới 86 triệu người. Nguyên nhân là khu vực này dễ bị tổn thương bởi hiện tượng sa mạc hóa, bờ biển khúc khuỷu và phần lớn người dân phụ thuộc vào nông nghiệp.
Bắc Phi sẽ có tỷ lệ di cư khí hậu lớn nhất, với 19 triệu người, tương đương khoảng 9% tổng dân số. Nguyên nhân di cư chủ yếu của khu vực Bắc Phi là do sự khan hiếm nguồn nước gia tăng tại bờ biển đông bắc Tunisia, bờ biển tây bắc Algeria, phía tây và phía nam Morocco, chân đồi trung tâm Atlas.
Khu vực Nam Á, Bangladesh sẽ đặc biệt bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và mất mùa, với dự báo khoảng 19,9 triệu người di cư khí hậu vào năm 2050.
Báo cáo trên của Ngân hàng thế giới thể hiện rằng các điểm nóng di cư có thể xuất hiện chỉ trong vòng một thập kỷ tới và tăng cường vào năm 2050. Do đó, cần thiết lập kế hoạch cho cả những khu vực mà mọi người sẽ chuyển đến cũng như những khu vực mà họ rời đi.
Trong báo cáo được đưa ra cho các chính phủ trước thềm COP 26, tiến sĩ Daniel Quiggin, thành viên Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House), nhận định rằng "khả năng các sự kiện liên quan đến biến đổi khí hậu sẽ ngày càng nhiều, gây ra một chuỗi sự cố kết nối giữa các khu vực và lĩnh vực, gây gián đoạn thương mại, bất ổn chính trị, di cư gia tăng, các bệnh truyền nhiễm nhiều hơn hoặc thậm chí xung đột vũ trang."
Việt Nam là một trong những quốc gia được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiện tượng nước biển dâng, gia tăng sự xâm nhập mặn, và hạn hán trầm trọng hơn. Vì vậy việc tìm kiếm và thực hiện những giải pháp là rất cần thiết để Việt Nam có được sự phát triển bền vững trước những tác động của biến đổi khí hậu.

Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam
  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.