Biến đổi khi hậu làm cho giới trẻ thế giới lo sợ

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/9/2021 | 3:33:25 Chiều

Mức độ quan tâm đến khí hậu thay đổi giữa các quốc gia và có xu hướng cao hơn ở các quốc gia Nam bán cầu

Theo một nghiên cứu của Lancet Planetary Health mới đây đã khảo sát 10.000 người từ 16-25 tuổi ở 10 quốc gia cả Bắc và Nam bán cầu, bao gồm Úc, Pháp, Phần Lan, Bồ Đào Nha, Anh, Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Nigeria và Philippines.
Đây được cho là cuộc điều tra lớn nhất từ trước đến nay về tâm tư của giới trẻ trước thực trạng biến đổi khí hậu.
Mức độ quan tâm đến khí hậu thay đổi giữa các quốc gia và có xu hướng cao hơn ở các quốc gia Nam bán cầu. Chẳng hạn, khi được hỏi liệu an ninh của gia đình họ có bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu hay không, trung bình 65,5% số người ở phương Nam cho biết là có, so với 42% ở phương Bắc.
Các bạn trẻ viết cam kết hành động để chống biến đổi khí hậu. Ảnh: Internet
Cuộc khảo sát làm bộc lộ các mối đe dọa tiềm tàng của khủng hoảng khí hậu - bao gồm thời tiết khắc nghiệt gia tăng và bất ổn kinh tế đang ảnh hưởng đến cách thức những người trẻ lập kế hoạch cho tương lai của mình. Bình quân 39% những người được hỏi nói rằng họ đã do dự trong quyết định sinh con. Tỷ lệ này chiếm đến 36-48% ở các nước được khảo sát, riêng Nigeria, tỷ lệ do dự sinh con là thấp nhất, chỉ chiếm 22%.
Theo kết quả của cuộc nghiên cứu, có khoảng 65% thanh niên cho rằng các chính phủ không làm đủ để tránh thảm họa khí hậu, trong khi 58% cho biết các chính phủ "phản bội họ”.
Gần 2/3 (61%) cho biết các chính phủ sở tại không bảo vệ họ cũng như hành tinh hoặc thế hệ tương lai.
Cảm giác tiêu cực về phản ứng của chính phủ đối với biến đổi khí hậu phổ biến nhất ở Brazil, nơi Tổng thống Jair Bolsonaro đã chỉ đạo dỡ bỏ các biện pháp bảo vệ môi trường kể từ năm 2019.
Những người được hỏi ở Phần Lan ít phàn nàn nhất về hành động của chính phủ, tuy vậy, vẫn có 47% tin rằng chính phủ không quan tâm đến tương lai của giới trẻ.
Trong nhiều nghiên cứu khác, nhiệt độ tăng lên do ấm lên toàn cầu có thể làm gia tăng cái chết vì tai nạn giao thông, bạo lực, tự sát, đuối nước và sẽ ảnh hưởng tới giới trẻ nhiều nhất. 
Kết luận từ nghiên cứu mới được đăng trên chuyên san Nature Medicine. Nghiên cứu được dựa trên dữ liệu về những cái chết do bị thương trong mỗi hạt ở Mỹ từ năm 1980-2017. Nghiên cứu cũng sử dụng dữ liệu nhiệt độ để tìm ra những tháng khi nhiệt độ trung bình cao hơn bình thường 2oC. Điều này có thể giúp các nhà nghiên cứu xem xét thực tế con người thích nghi các điều kiện địa phương bình thường, nhưng bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ bất thường.
Theo báo cáo trước đó của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 20/8, thanh, thiếu niên Việt Nam là một trong những nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu; điều này đe dọa đến sức khỏe, giáo dục và sự an toàn của các em.
Với tiêu đề "Khủng hoảng khí hậu là cuộc khủng hoảng về quyền trẻ em: Giới thiệu chỉ số rủi ro khí hậu liên quan tới trẻ em”, đây được cho là báo cáo toàn diện đầu tiên được thực hiện về rủi ro khí hậu từ góc độ của trẻ em.
Trong bản báo cáo này, các quốc gia được xếp hạng dựa trên nguy cơ rủi ro của trẻ em trước các cú sốc về khí hậu và môi trường, chẳng hạn như lốc xoáy, các đợt nắng nóng, cũng như mức độ dễ bị tổn thương của trẻ em trước các cú sốc, dựa trên khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu của trẻ em.
Các kết quả của báo cáo cho thấy, số lượng trẻ em hiện đang bị ảnh hưởng; các con số có thể trở nên tồi tệ hơn khi tác động của biến đổi khí hậu tăng nhanh./.

Nguồn Môi trường Và Đô thị Việt Nam
  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.